Cứ một vài năm đi qua, làng nhiếp ảnh Quảng Nam nói chung, Hội An nói riêng lại xuất hiện thêm một vài cái tên mới. Tất nhiên, đó không đơn thuần chỉ là những cái tên mới chập chững chơi ảnh, mà đã được ghi nhận thành quả từ sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Và lần này là Nguyễn Anh Cường (32 tuổi, ở phường Tân An, TP.Hội An).
Nguyễn Anh Cường. |
1. Nói Nguyễn Anh Cường là “tay chơi” mới trong lĩnh vực nhiếp ảnh, chứ với những người yêu nghệ thuật nói chung ở Hội An, thì Cường chẳng xa lạ gì. Anh vốn là dân họa sĩ, chuyên ký họa đường phố. Cách đây vài năm, tôi thỉnh thoảng gặp anh trên phố Hội An với “vai trò” này. Lúc thì thấy anh cùng đồng nghiệp của mình say sưa vẽ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, đoạn giáp với Chùa Cầu; khi thì bắt gặp anh ký họa bên chợ đêm An Hội… Nên khi thấy anh xách máy ảnh và rong ruổi, rồi bắt đầu gặt hái những giải thưởng, tôi mới bất ngờ, cắc cớ kiểu “anh rẽ ngang qua nhiếp ảnh ngon hè”. Anh khựng lại: “Rẽ về, chớ rẽ ngang gì”. Cà kê thêm mấy bận cà phê mới biết, té ra con đường nhiếp ảnh đã được anh hoạch định cho mình từ lâu. Nhưng khi mới đặt những bước chân chập chững đầu tiên, thì người thầy mà anh gõ cửa đã lắc đầu từ chối. Sang những “ông” khác, cũng nhận cái lắc đầu tương tự, rồi anh mới hay, là mình chưa đủ điều kiện trang bị máy móc liên quan để đeo đuổi giấc mơ nhiếp ảnh.
Thế là… đi đường vòng. “Bằng cách nào?” - tôi hỏi. Anh không trả lời thẳng: “Thì như em đã thấy rồi đấy!”. “À, thì ra là thế” - tôi ngạc nhiên rõ to. Cái con đường vòng mà anh hàm ý, là con đường họa sĩ, mà cụ thể hơn là ký họa đường phố. Tự thuở điều kiện chưa đủ để theo nhiếp ảnh, anh mày mò, kèm theo sự chỉ giáo của các bậc tiền bối, để làm quen với cây cọ, được hai năm thì thạo ngón nghề này. Tôi lại hỏi: “Sao không là một con đường nào khác?”. Lần này thì Cường trả lời ngay: “Vì mình cũng thích vẽ. Và vì mình còn thích đường phố nữa”. Nên thành ra, dù được học và thạo các ngón ký họa, chân dung và trừu tượng, nhưng anh thích nhất là ký họa. Tất nhiên, phải là ký họa đường phố thì… anh mới chịu. Và đó cũng là một công việc mưu sinh - như chính Cường nói - nhưng những khi ấy, trông anh đầy nghệ sĩ với mái tóc dài bồng bềnh và chiếc mũ rộng vành bẻ ngược lên như những chàng cao bồi miền viễn Tây nước Mỹ. Hôm bữa gặp lại, mái tóc bồng bềnh ấy đã không còn, nhưng dáng anh ngồi, điệu giọng anh nói, vẫn đầy hơi hướm của một người nghệ sĩ đầy đam mê.
Cuộc mưu sinh chưa bao giờ là dễ dàng đối với bất kỳ ai, với những người-nghệ-sĩ-đường-phố như Cường, tiếng thở dài đôi khi còn nặng hơn, bởi nghệ thuật không dung thứ cho sự bừa bãi và vô hồn. Nên trên tất cả cái gọi là gánh nhọc nhằn chuyện mưu sinh, những sự cố hóa thành kỷ niệm khó quên. “Như cái lần đang ngồi ký họa chân dung cho khách, mưa dông ập đến, mình đứng ôm bức vẽ còn dang dở bên mép hiên nhà người ta, được một tí thì nước mưa tạt vào, hỏng cả. Thế là phải chờ trời tạnh mưa, rồi vẽ lại cho khách, trong lúc nhận được những nụ cười cảm thông, mới thấm tình đời giản dị như thế” - anh tâm sự. Đấy cũng là lý do vì sao anh thích ký họa chân dung đường phố. Một công việc ngoài điều kiện cần là phải có đôi tay khéo léo, thì còn kèm theo điều kiện đủ là phải nắm được cái thần thái, đường nét, góc cạnh của từng khuôn mặt. Muốn nắm bắt được những điều cần thiết này và chuyển vào bức họa, cách duy nhất là phải tạo tâm lý thoải mái cho khách hàng. Nghĩa là bản thân họa sĩ, còn phải là một “tay” tâm lý tương đối cừ khôi. Cường không dám nhận mình đạt đến “cảnh giới” đấy, mà anh chỉ gật đầu xác nhận rằng mình đã thành công trong việc ký họa chân dung của một ai đó.
Tác phẩm “Ngôn ngữ nghề” của Nguyễn Anh Cường. |
2. Vài năm trở lại đây, khi những tích góp đủ đầy và anh rẽ về con đường nhiếp ảnh, công việc ký họa đường phố của Cường không còn đều đặn như trước. Nhưng tình yêu mà anh dành cho phố, chả vơi đi tí nào. Âu cũng là điều dễ hiểu, vì khi anh cất tiếng khóc chào đời, cái thanh âm thông báo đầy cảm xúc ấy vang lên ở phố cổ. Rồi phố nâng niu từng bước chân, dìu dắt anh lớn lên mỗi ngày. Qua đôi mắt của một người nghệ sĩ đường phố, sắc vàng của phố như ru mãi anh trong cơn mộng mị. Những ngõ nhỏ hun hút, tưởng chừng quen đến chán, mà vẫn hay làm đôi chân anh luýnh quýnh. Còn những mái ngói rêu phong, ngự trị mãi trong tiềm thức anh những nhớ nhung trong những ngày xa phố. Nên thành ra, khi làm cú rẽ ngoặt từ hội họa về lại nhiếp ảnh, chủ đề mà anh gắn bó cũng chính là phố cổ Hội An với nhưng gương mặt người gần gũi - như chính chủ đề xuyên suốt thời gian anh làm ký họa.
Nguyễn Anh Cường đã đoạt các giải thưởng: - Giải nhất với tác phẩm Du xuân trong cuộc thi ảnh do Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Đà Nẵng tổ chức năm 2016. - Giải nhất với tác phẩm Tưởng nhớ trong cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ trong kỳ Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2016. - Tác phẩm Ngôn ngữ nghề là một trong 10 tác phẩm đại diện cho Việt Nam tham dự FIAP World Cup lần thứ 33 tại Hàn Quốc năm 2016. |
Cú rẽ ngang để trở về ấy, được tiếp thêm động lực vào năm 2013, khi anh được một người “đàn anh” trong giới nhiếp ảnh chỉ bảo, cho làm quen với những thiết bị chụp ảnh. Từ sự gợi ý ấy, một năm sau, số tiền mà anh dành dụm từ những năm tháng ký họa đường phố, “bị” anh gom lại và đầu tư hết vào máy ảnh và các phụ kiện liên quan để chơi ảnh. Bước thêm vài bước trên con đường mới, thì anh lại loay hoay lần nữa và những thắc mắc của anh chỉ được vơi bớt đi phần nào khi anh tham gia Câu lạc bộ Nhiếp ảnh trẻ Đà Nẵng. Sang năm 2015, anh gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Mai Thanh Chương và có thể nói rằng, cuộc gặp gỡ này đã giúp Cường thoát xác và có bước trưởng thành ngoạn mục về nhiếp ảnh. “Anh em gặp nhau, trao đổi và tôi được Chương định hướng thêm về con đường nhiếp ảnh nghệ thuật. Ngoài những kỹ năng liên quan đến sáng tác một bức ảnh, Chương còn chỉ tôi cách tham dự các cuộc thi, các kỳ liên hoan để giới thiệu thành quả của mình đến nhiều người” - anh Cường nhớ lại.
Nếu tính về thời gian từ lúc cầm máy ảnh để sáng tác đến gặt hái những danh hiệu đầu tiên, có lẽ Cường đi rất nhanh. Nhưng anh không lấy đó làm tự mãn, mà nghĩ rằng mình nhanh có thành tựu với nhiếp ảnh như thế, là nhờ có đôi mắt và tư duy nghệ thuật được rèn luyện trong những năm tháng ký họa đường phố. Cũng như sự giúp đỡ của những người đi trước. Và có thể nói, năm 2016 là năm anh gặt hái được nhiều quả ngọt nhất, khi ở Liên hoan Nhiếp ảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên, ngoài hai bức được triển lãm, anh còn có tác phẩm được giải nhất cuộc thi sáng tác ảnh nhanh trong vòng 24 giờ. Cũng trong năm này, anh có một tác phẩm tham dự Liên hoan Nhiếp ảnh thế giới. Đó là một cuộc liên hoan quy tụ những nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng. Đoàn Việt Nam có 10 người, mỗi người một tác phẩm, và Cường vinh dự có trong danh sách này.
Bây giờ mà ngồi liệt kê những giải thưởng, e rằng chẳng ích gì cho bạn đọc. Chi bằng đi ngang qua những tác phẩm mà Cường đoạt giải, để thấy tình yêu của anh dành cho phố, cho những phận người, những góc làng quê đầy bình dị và mộc mạc. Hôm bữa gặp, anh bảo rằng thời gian qua anh đang đi chậm lại, thậm chí là đôi lúc dừng hẳn, ngồi xuống ngó nghiêng với đời để bình tâm nhìn lại những nẻo đường đã qua. Để xem có những ngõ ngách, vách ngói rêu phong nào mình đã lướt qua, mình đã thờ ơ, để quay lại, chụp lấy những nét đẹp ấy và lưu giữ. Từ trên những nẻo đường lang thang ký họa, đến những nẻo về với chiếc máy ảnh, nắng vàng như ươm mãi trên đôi vai người nghệ-sĩ-đường-phố-kỳ-lạ này. Tất nhiên, con đường hãy còn dài phía trước, trong từng vạt nắng, Cường vẫn luôn đón nhận và trao đi những nụ cười an yên. Vì lỡ biết đâu mai này một hôm, anh “Bỗng thấy mình, chẳng nhớ nỗi một tên đường” như nhạc sĩ Phú Quang viết thì sao?
XUÂN THỌ