Vực Gió là cuốn tiểu thuyết thứ tư của Phong Điệp có vẻ thuộc thể loại tiểu thuyết hình sự và đã đoạt giải trong cuộc vận động sáng tác về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” nhưng tôi lại thích nó với tư cách một tiểu thuyết tâm lý xã hội hơn. Nhìn ở góc độ này, đọc Vực Gió (NXB CAND năm 2015) sẽ nhận ra nhiều điều thú vị.
Bìa cuốn tiểu thuyết “Vực gió”. |
Lam – nhân vật chính, cô gái và bước sang tuổi mười bảy tìm về với một nơi xa xôi, bí hiểm vừa để tìm hiểu cái chết đầy bí ẩn và nghiệt ngã của mẹ mình, vừa như là cuộc tìm về với chính mình, tự khám phá chính mình; lại vừa là dịp để khám phá cuộc sống đầy sôi động đang diễn ra quanh mình. Tất cả xoay quanh bi kịch của một gia đình nhỏ, một tập đoàn đang ăn nên làm ra, những người bạn cô gái chưa kịp tới tuổi trưởng thành và bạn bè của ba mẹ cô. Xoay quanh sự mất tích bí ẩn của mẹ cô - một phụ nữ xinh đẹp chỉ mới 45 tuổi, ở một địa danh nghe thật mơ hồ: Vực Gió. Không thể chấp nhận sự vô lý, cô gái đã, bằng nhiều cách, tìm đến Vực Gió.
Trong cuộc kiếm tìm ấy, cô gái đã bắt gặp bao điều kỳ lạ, như những tai nạn tàn khốc diễn ra mỗi năm nơi mép vực tăm tối, hoặc cuộc sống vừa khắc nghiệt vừa mang hơi hướm liêu trai ở một địa danh mơ hồ: chợ Trấn Thủ, thị trấn Ba Nhà vô cùng xa lạ với đầu óc non nớt của cô gái. Và cái chết của bà Kiều Vân, mẹ cô, theo lời xác nhận của mọi người: “Đơn giản đó là một tai nạn. Hai người chết. Đương nhiên đó là lái xe và mẹ. Xác không tìm thấy. Mà làm sao có thể tìm thấy được. Rơi từ độ cao 500m. Hãy thử hình dung mà xem. Đáy vực sâu, đá lởm chởm. Bao nhiêu mạng người đã bị nuốt dưới họng của “con quái vật” Vực Gió ấy. Phải chấp nhận thôi. Coi như số phận hẩm hiu” (trang 10). Một đoạn văn ngắn đủ gói gọn một cái chết, một số phận liên quan tới khá nhiều người, nhiều mối quan hệ phức tạp, những mối ràng buộc của gia đình Lam sau này, những khuất tất của tập đoàn Phú Thịnh trước và sau sự ra đi của bà Kiều Vân, phó tổng giám đốc, mẹ của Lam…Nhưng Lam không chấp nhận sự thật đó. Với cô, chừng như mẹ cô vẫn còn sống, chỉ đang lưu lạc đâu đó mà trách nhiệm của cô là phải sớm tìm cho ra!
Tiếp sau sự ra đi của mẹ là sự lựa chọn mới cho hạnh phúc của bố cô, sự lựa chọn có phần nào giống như một nhát dao chém lên vết thương cô đang phải chịu đựng. Sự xuất hiện của mẹ con cô My làm cho mối quan hệ của hai bố con rạn vỡ. Sự xung đột của bốn người trong một gia đình ‘lắp ghép vội vàng” diễn ra hàng ngày. Cô nhận ra tình cảnh bi đát của mình: “tôi thật sự đơn độc trong căn nhà của mình” (trang 58). Cô sợ “sự giả dối đến chỉn chu của ông…” (trang 33). Rồi chính thức bị đẩy ra khỏi nơi chốn yên lành của cô. Khi Lam “tuyên bố nghỉ học, cô tưởng đâu bố cô sẽ sốc, nhưng ông chỉ thở dài, im lặng” (trang 35). Nghỉ học, rồi đi làm. Có lẽ chẳng thể có sự lựa chọn nào khác. Cô làm ở chính ngay cái công ty mẹ cô vừa rời đi. Ở đó, sự xuất hiện của tay phó tổng giám đốc tạo nên mối liên hệ mới về manh mối cái chết tưởng đâu đã rơi vào ngõ cụt của người phụ nữ từng có vai trò khá quan trọng ở công ty này. Cô phát hiện ra, cái chết bí ẩn của mẹ cô chừng như có sự liên quan nào đó với việc công ty thất thoát một số tiền lớn dính dáng ít nhiều đến một dự án do mẹ cô phụ trách. “Hóa đơn, chứng từ biến mất một cách khó hiểu. Máy tính bị mất dữ liệu không thể phục hồi được. Sổ sách giấy tờ bị đảo lộn” (trang 20). Cứ như một khoảng đen tối khác trùm lên sự mất tích bí ẩn của mẹ Lam, càng thôi thúc cô phải tìm cho ra sự thật. Sau này thì cô hiểu sự có mặt của cô My hình như là có sự sắp xếp của một con người nham hiểm nào đó. Cuối cùng, sự thật cũng bị phơi bày…
Tiểu thuyết đọc hấp dẫn nhờ những tình tiết lạ, ảo hóa cùng sự xử lý khéo léo của tác giả. Như chi tiết nick yahoo messenger của mẹ Lam bất ngờ lóe sáng trên màn hình máy tính rồi chợt tắt phụt cứ như là mẹ cô đang sống đâu đó hay đang có sự can thiệp của một kẻ lạ mặt bí ẩn nào đó vào cái chết của mẹ cô. Hoặc như sự xuất hiện của chiếc vòng đeo tay của con bé ở quán cơm Lành xã Trấn Thủ. Hoặc những hình ảnh trở đi trở lại trong giấc mơ của Lam về một cái chợ Bến nào đó. Cũng từ cái chợ Bến mơ hồ mà cô phải ra sức tra google này, cô đã dẫn cô đến với hành tung kỳ lạ của tay phó Tổng giám đốc Thành và người đàn bà từng gây ra cho bố con cô bao nhiêu đau khổ: cô My… Và đã phát hiện ra những góc tối cô đang gắng sức tìm…
Văn gọn, đẹp, đầy nữ tính. Tốc độ nhanh, hiện đại.
Còn khá trẻ nhưng Phong Điệp lại có sức viết đáng kinh ngạc: 10 tập truyện ngắn, 2 tập đối thoại văn học, 3 tập truyện dài thiếu nhi, 1 tập tản văn và 4 tiểu thuyết. Sau “Blogger” từng được dịch ra tiếng Pháp, sau “Lạc chốn thị thành”, “Vực Gió” và “Ga ký ức” ra đời chênh nhau không lâu, có thể nói Phong Điệp đại diện cho một thế hệ cầm bút mới, trẻ trung, hiện đại và tài năng.
Một lần đến “Vực Gió” sẽ cảm nhận được điều ấy.
LÊ TRÂM