(QNO) - Nepal được xem là quốc gia đi đầu trong công tác bảo tồn động vật hoang dã, đặc biệt là loài hổ vốn có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Số lượng hổ tăng gấp 3
Một cuộc khảo sát mới đây cho biết, hiện có 355 con hổ hoang dã ở Nepal, so với ước tính 121 con hổ vào năm 2009.
Bà Ginette Henley - Phó Chủ tịch cấp cao về Bảo tồn động vật hoang dã tại World Wildlife Fund-US nói, thông báo trên của Nepal thể hiện một chiến thắng lớn cho các nhà bảo tồn, nhất là trong công tác bảo tồn hổ.
"Loài hổ ở Nepal và nơi chúng sinh sống ở hơn 10 quốc gia châu Á suy giảm liên tục vì 2 lý do chính: săn bắt trái phép và mất môi trường sống" - bà Ginette Henley nói.
Tại hội nghị thượng đỉnh về hổ toàn cầu ở St.Petersburg (Nga) năm 2010, tất cả 13 quốc gia có hổ trong tự nhiên cam kết tăng gấp đôi số lượng hổ của họ. Nhưng đến nay, chỉ có Nepal đạt được mục tiêu này.
Bởi vậy, bà Ginette Henley khẳng định: "Nepal thực sự nổi bật như một quốc gia đi đầu trong lĩnh vực bảo tồn, đặc biệt là đối với loài hổ".
Nỗ lực của Nepal
Chính phủ Nepal xử lý mạnh tay các hoạt động bất hợp pháp để bảo tồn hổ. Ví như, hình phạt đối với tội săn trộm hổ bao gồm 15 năm tù và 10.000 USD.
Kể từ những năm 1970, Nepal thành lập 5 công viên quốc gia nơi hầu hết các loài hổ của nước này sinh sống, với sự tuần tra, giám sát dày đặc của nhân viên công viên và quân đội.
Đáng chú ý, các hoạt động bảo vệ hổ cũng giúp tăng cường bảo tồn các loài động vật bị đe dọa khác như tê giác, voi, tê tê... và thậm chí là bảo vệ rừng, giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Nepal là quốc gia đi tiên phong trong công tác trồng rừng để bảo đảm môi trường sống cho các loài động vật hoang dã.
Yếu tố quan trọng khác trong sự trở lại của hổ ở quốc gia Nam Á này là sự tham gia của cộng đồng vào các dự án bảo tồn. Họ được tuyển dụng để trồng rừng, duy trì thói quen đó và trực tiếp tham gia vào việc bảo tồn.
Bên cạnh phục hồi số lượng động vật hoang dã, Nepal thực hiện các biện pháp để đảm bảo an toàn cho cuộc sống, hoa màu của người dân xung quanh khu vực.
Như Nepal thành công với các công cụ hiệu quả như hàng rào chống thú ăn thịt cho gia súc, bảo vệ người dân và chiếu sáng xung quanh các ngôi làng vào ban đêm để xua đuổi hổ.
Theo Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), nếu như vào đầu thế kỷ 20, hơn 100.000 con hổ đi lang thang trên hành tinh thì hiện chỉ còn khoảng 3.900 cá thể. Ngày 29.7 hằng năm kể từ 2010 được chọn là ngày Quốc tế hổ nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về việc bảo tồn sự sống còn cho loài hổ vốn đang đứng bên bờ tuyệt chủng.