Nét chữ, đời người

PHAN VINH 27/08/2023 06:29

Nghệ nhân thư pháp Võ Hồng Dương - người con quê Bình Tú (Thăng Bình) xác lập nhiều kỷ lục trong nước và thế giới ở bộ môn thư pháp chữ Việt. Càng đáng trân quý hơn, khi đề tài anh chọn liên quan đến lịch sử, đất nước và con người Việt Nam.

Nghệ nhân thư pháp Võ Hồng Dương.
Nghệ nhân thư pháp Võ Hồng Dương.

Duyên với chữ

Anh Võ Hồng Dương (bút danh Võ Dương, SN 1981) hiện ở tại cư xá Lý Thường Kiệt - một trong những khu dân cư có trước năm 1975 ở TP.Hồ Chí Minh. Đi trong dải hành lang đã bạc màu gạch hoa, anh nói với chúng tôi bằng giọng chiêm nghiệm: “Gặp em, anh nhớ lại chuyện cũ. Đúng là ông bà mình nói: Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Có những việc trong cuộc đời anh, như kiểu... được chọn sẵn rồi!”.

Anh kể, gia đình anh có nhiều người sống ở miền Nam, cứ mỗi dịp hè, anh được vào chơi với ông bà và các dì. Ông ngoại anh Dương lúc bấy giờ là người nghiên cứu chữ Hán - Nôm, yêu thích nghệ thuật thư pháp.

Anh được ngoại đưa đi Đầm Sen xem triển lãm thư pháp với niềm thích thú cùng sự tò mò. Chính ấn tượng đó mà sau này hễ thấy những tác phẩm từ nét bút lông anh lại mải mê ngắm nhìn...

Năm 1999, vào TP.Hồ Chí Minh học tập và tham gia công tác xã hội tại Nhà Văn hóa thanh niên thành phố, anh sinh hoạt ở Câu lạc bộ (CLB) thư pháp với mong muốn tìm hiểu, học hỏi bộ môn này.

“CLB có các anh, các chú đi trước hướng dẫn nhưng cách dạy chưa có giáo trình cụ thể. Hơn nữa, thư pháp Việt ngày đó cũng còn khá mới nên các anh dạy theo cảm tính. Vì vậy, dù mình theo học gần 1 năm nhưng cũng giống như cưỡi ngựa xem hoa, chưa thẩm thấu được nhiều” - anh Dương nói.

Sau đó, anh Dương tự nghiên cứu và thực hành, tìm gặp tiền bối để hỏi sâu hơn, phân tích ưu - nhược trong nét bút nhằm khắc phục và phát huy khả năng.

Những tác phẩm tâm huyết

Tốt nghiệp chuyên ngành điện nhưng chưa có được việc làm, anh Dương xin làm bảo vệ ở khu biệt thự Thảo Điền (quận 2, TP.Hồ Chí Minh). Ngồi trong chốt, thời gian rỗi nhiều, tận dụng những trang báo cũ của đồng nghiệp bỏ lại, anh luyện viết thư pháp.

Gần khu vực có Trường Cao đẳng Văn hóa, thấy anh viết, nhiều sinh viên tò mò, thích thú đến xem và xin anh tặng chữ. Như tiếp thêm động lực, anh mua giấy A4 về viết những câu mà các sinh viên thích về chủ đề tình yêu, danh ngôn,...

Năm 2003, anh viết câu đối lên liễn rồi gửi người quen có quầy sách bán giúp. Thư pháp lúc đó đang thịnh nên liễn anh viết bán khá chạy. Sau đó, anh được mời tham gia các sự kiện, lễ hội ở thành phố với vai ông đồ cho chữ.

Anh Dương nhớ lại: “Hồi đó, những công ty sự kiện, trung tâm mua sắm rộ lên trào lưu tặng chữ cho khách hàng nhân dịp cuối năm thay vì những chương trình khuyến mãi thông thường. Mình được mời đi khắp nơi tặng chữ.

Đặc biệt, năm 2007, mình tham gia chương trình lớn “Phố ông đồ” do Nhà Văn hóa thanh niên thành phố tổ chức. Sự kiện này thu hút gần 40 “ông đồ” tham gia nhằm khơi dậy văn hóa xin chữ của người Việt xưa”.

Năm 2008, tại Đại hội CLB Thư pháp chữ Việt do Cung Văn hóa lao động thành phố tổ chức, anh được bầu làm Phó Chủ nhiệm CLB. Từ đó, anh có cơ hội tổ chức nhiều sự kiện liên quan đến bộ môn này và mở lớp dạy thư pháp miễn phí. Khi có những bước đi chắc chắn, anh bắt tay làm tác phẩm lớn đầu tiên: chép lại bộ Kinh Vu lan - Báo hiếu.

Sau 2 năm, tác phẩm nặng 500kg, chiều dài 2,3m, chiều rộng 1,4m và dày 0,37m được hoàn thành. Ngày 3/8/2014, tác phẩm được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao quyết định xác lập kỷ lục kinh Vu lan - Báo hiếu viết bằng thư pháp chữ Việt lớn nhất Việt Nam.

Sau đó 2 năm, anh tiếp tục xác lập kỷ lục Việt Nam với tác phẩm: “Những lời dạy của Bác Hồ”. Năm 2016, cuốn sách này được làm quà tặng cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp khánh thành trụ sở Khu Công nghệ cao thuộc Trường Đại học Nguyễn Tất Thành. Sau đó, Thủ tướng đã tặng lại tác phẩm cho nhà trường như lời nhắc nhớ về tinh thần học tập và phát triển của ngôi trường mang tên Bác.

Trong một lần dạo nhà sách, anh Dương tình cờ nhìn thấy cuốn “Võ Nguyên Giáp - những năm tháng cuộc đời” của Nhà xuất bản Trẻ. Tác phẩm viết về 103 cột mốc đáng nhớ tương ứng với 103 tuổi của vị đại tướng, có thể chép lại thành độc bản thư pháp.

Lên ý tưởng là vậy nhưng để thực hiện, anh đã trải qua nhiều thử thách. Ban đầu, Nhà xuất bản Trẻ báo giá nhượng bản quyền với kinh phí 10 triệu đồng. Qua nhiều lần trao đổi, thấy được ý nghĩa của dự án, ban giám đốc nhà xuất bản đã cấp quyền cho anh mà không cần đóng phí.

Tuy vậy, theo anh Dương, “cánh cửa” gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới là thử thách lớn nhất, bởi nếu không được sự chấp thuận thì cũng không thể thực hiện tác phẩm.

Anh tận dụng tất cả mối quen biết, nhiều lần ra Hà Nội đặt vấn đề với các đơn vị liên quan và may mắn được Hội Làng nghề Việt Nam giới thiệu và đặt lịch hẹn với ông Võ Điện Biên - con trai cả của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

“Lúc đầu, anh Biên đặt những câu hỏi rất khó, khiến mình và anh Bình (Chánh văn phòng Hội Làng nghề Việt Nam) đứng lặng khó xử, nhưng rồi từ sự chân thành thẳng thắn của người con xứ Quảng và lòng kính trọng vị đại tướng vĩ đại đã thuyết phục được anh Biên đồng ý và còn hỗ trợ rất nhiều trong vấn đề cung cấp hình ảnh, tư liệu về bác Giáp” - anh Dương kể.

Sau 2 năm thực hiện với tổng chi phí đầu tư hơn 1 tỷ đồng, tác phẩm độc bản thư pháp chữ Việt: “Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp - những năm tháng cuộc đời” nặng gần 600kg, chiều dài 2,4m, chiều rộng 1,4m, dày 0,48m được hoàn thành.

Tháng 6/2019, tác phẩm được anh trao tặng cho Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Bình, dịp này, Liên minh Kỷ lục thế giới đã trao quyết định xác lập kỷ lục đây là cuốn sách thư pháp lớn nhất thế giới cho nghệ nhân Võ Dương.

Ấp ủ dự án cho quê hương

Với vai trò là Chủ tịch CLB Nghệ nhân thư pháp Việt, anh Dương đang thực hiện 2 dự án sách độc bản thư pháp chữ Việt là “79 mùa xuân dâng Bác” - viết về 79 câu nói nổi tiếng của Bác Hồ với phiên bản song ngữ (Việt - Anh) và 18 đời vua Hùng - viết về lịch sử, nguồn cội Việt Nam trong giai đoạn dựng nước sơ khai. Những tác phẩm này sẽ có bản thu nhỏ.

Tác phẩm “Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp - những năm tháng cuộc đời” được xác lập kỷ lục thế giới.
Tác phẩm “Đại tướng của nhân dân Võ Nguyên Giáp - những năm tháng cuộc đời” được xác lập kỷ lục thế giới.

Cống hiến cho những dự án lớn mang tầm quốc gia, nhưng trong thâm tâm, anh Dương luôn ấp ủ dự án cho quê nhà Quảng Nam. “Quảng Nam mình có nhiều con người vĩ đại như các cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Tiểu La, Hoàng Diệu..., là vùng đất của “Ngũ phụng tề phi”, của những Bà mẹ Việt Nam anh hùng... nhưng mình chưa làm được gì. Hy vọng thời gian tới có điều kiện triển khai dự án về những nhân vật, những câu chuyện ý nghĩa này” - anh Dương tâm sự.

Vừa qua, trong sự kiện Những ngày văn hóa đồng hương Quảng Nam tại TP.Hồ Chí Minh, tác phẩm thư pháp gỗ nổi chữ “Thuận” dát vàng trên nền gỗ cây dó bầu tạo trầm do anh Dương chế tác với sự tài trợ của doanh nhân Ngô Mỹ - Giám đốc Công ty An Thanh trầm hương đã được đưa ra đấu giá thành công mang về 320 triệu đồng (cùng gần 700 triệu đồng hưởng ứng) gây quỹ hỗ trợ quê nhà.

“Chữ Việt - chữ Quốc ngữ là hồn của dân tộc, việc làm của mình hiện tại như là một cách góp phần tô đẹp thêm. Khi dùng nét chữ này chép lại những câu chuyện cũ đáng nhớ, mình mong muốn người trẻ sẽ có góc nhìn mới, thêm yêu và tự hào về văn hóa - lịch sử - con người Việt Nam” - anh Dương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nét chữ, đời người
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO