(VHQN) - Đầu xuân, chiêm nghiệm những chi tiết từ kiến trúc xưa còn lại trên đất Quảng, mới thấy sức sáng tạo mãnh liệt của cha ông...
Câu chuyện mắt cửa
Dạo phố cổ Hội An, chúng ta dễ dàng bắt gặp những mắt cửa, từ kiến trúc cộng đồng với chùa, đền, hội quán... đến những ngôi nhà tư nhân.
Kết cấu mắt cửa là một chốt có tiết diện hình vuông, dùng để liên kết khung ngoại cửa chính với đố cửa - thanh phía trên có lỗ tròn cho mộng của cánh cửa ăn vào và khóa cửa ở giữa.
Khi thiết kế vậy thì phần dư của chốt gỗ này nhìn ở ngoài vào sẽ không thẩm mỹ. Có lẽ vậy nên người xưa che đậy đơn giản bằng cái núm tròn với chốt khóa ở phía sau (phía trong nhà).
Qua lớp lớp thời gian, với tín ngưỡng “môn thần”, chi tiết kiến trúc này trở thành vị thần trông coi, xem xét, bảo vệ cho ngôi nhà. Như là một kiểu bùa trấn yểm nên thường đi với nhau một cặp. Hình thức trang trí này người viết thường thấy xuất hiện ở những ngôi nhà trong phố ở đảo Okinawa, Nhật Bản.
Bắt đầu từ miếng gỗ tròn, sau này “mắt cửa” có nhiều dáng hình hơn, từ tròn, hình lục giác, bát giác đến tạo thành cánh hoa cúc 6-8 cánh, một số ít có dạng hình vuông, hình nửa khối cầu dẹt, hay hình bát quái, lưỡng nghi, chữ phúc, thọ...
Áng chừng có tới 20 kiểu dáng mắt cửa khác nhau. Tất cả được chạm nổi và tô màu, hoặc trang trọng thêm bằng mảnh vải màu đỏ làm nền hoặc che phía trên.
Và không dừng ở Hội An, đi tiếp về các miền Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành ta cũng sẽ gặp những đôi mắt cửa khá xinh xắn nhưng không tô vẽ.
Chúng nằm trên cái cửa nhỏ ở bên trong những ngôi nhà xưa truyền thống. Vị trí thường là vách ngăn bằng gỗ (phên lụa) của gian, nơi này người ta thiết kế một cái cửa nhỏ có chạm trổ khá công phu dưới lòng kèo nhì.
Giếng trời - không gian thiên tỉnh
Một kiến trúc cổ khác, theo tôi vô cùng cần thiết với kiến trúc nhà ống - đặc trưng của nhà ở đô thị hiện nay, là giếng trời. Chữ dùng Hán Việt là “thiên tỉnh”. Hầu như các ngôi nhà tại đường Trần Phú và Nguyễn Thị Minh Khai (Hội An) đều thiết kế khoảng sân bên trong - giếng trời này.
Nếu ngôi nhà Hội An thường chỉ có 1 giếng trời thì ở phố cổ Malacca (Malaysia) có đến 2 giếng trời. Có thể xem người xưa rất quan tâm đến vấn đề dưỡng khí luân chuyển trong không gian sinh hoạt, gồm cả không khí, khí, gió, ánh sáng...
Không hiểu vì sao ở phố Hội, không gian thông thoáng với trời bên trên thường được mở ở bên tay trái nhìn ra? Có lẽ người xưa muốn tạo sự tiện lợi cho việc đi lại.
Bởi, trong các căn nhà cổ phố Hội, phía bên phải có thêm một đoạn mái được bố trí (nhìn ra) nối nhà trên với nhà dưới, giúp dễ dàng núp trú khi gặp trời nắng gắt. Thêm việc phơi phóng từ áo quần đến thực phẩm, mới thấy không gian thông thiên đón nắng này thật hữu hiệu.
Sẽ thiếu sót khi không nhắc thêm cách thông không khí của những ngôi nhà kề nhau ở phố cổ với nhiều kiểu dáng, từ hình tam giác, vuông, bán nguyệt… được bố trí ở tường bít đốc đầu hồi - thường được gọi nôm na là “khu đĩ”.
Ở Tiên Phước, thú vị hơn khi chúng ta bắt gặp các kiến trúc chống nóng, chống cháy với kiểu đắp đất, bó đất làm trần. Ở Bình Định, người ta gọi đây là nhà lá mái.
Đây cũng là một kiến trúc mà Pierre Gourou (nhà địa lý người Pháp) mô tả trong tác phẩm “phác thảo nghiên cứu về nhà Việt Nam ở Bắc và Trung Kỳ - từ Thanh Hóa đến Bình Định” là chỉ xuất hiện ở phía nam sông Gianh, cụ thể là vùng Quảng Trị và Bình Định.
Nhà của họa sĩ Trần Công Thiệm ở làng Lộc Yên, Tiên Cảnh, Tiên Phước đều sử dụng nguyên liệu làm nhà tại chỗ. Từ cột, kèo khai thác từ cây mít, vách đất đá đến lối đi, cổng ngõ cũng là vật liệu khai thác trong vườn. Vật liệu thế nào thì kiến trúc thế ấy đã tạo cho ngôi làng này một di sản kiến trúc đặc sắc.
Ngày trước hầu như các ngôi nhà truyền thống ở vùng trung du Tiên Phước đều có 2 mái: mái dưới giống cái trần và được đắp đất để chống cháy và nóng, mái trên lợp tranh.
Sau này, khoảng những năm 50 của thế kỷ trước trần dưới bỏ đi và mái trên lợp ngói. Tuy nhiên, ở ngôi nhà anh Trần Công Thiệm, trần đất và vách đất vẫn còn.
Giá trị lẫn công năng của các kiến trúc xưa xứ Quảng đủ sức để người nay phải học tập. Không chỉ vậy, đây còn là lực hấp để kéo du khách tìm đến những ngôi làng độc đáo của Quảng Nam để cùng thưởng ngoạn các công trình kiến trúc của người xưa.