Dịp xuân này, ngoài tổ chức các lễ hội đậm chất truyền thống văn hóa dân gian, vùng đông TP.Tam Kỳ còn là điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa...
“Đặc sản” vùng cát
Từ mùng 1 đến mùng 4 tết, vùng đông Tam Kỳ vui như trẩy hội bởi sự góp mặt của hội chơi bài chòi, cũng như nhiều hoạt động văn hóa đậm chất văn hóa bản địa khác. Theo ông Trương Minh Hạnh, người nhiều năm làm “anh hiệu” trong hội bài chòi xã Tam Thăng, ngày xuân người dân địa phương tham gia chơi rất đông, các “hiệu” (người đứng hô bài chòi) là đối tượng thanh niên bây giờ cũng không phải hiếm. Lâu nay, dịp tết đến xuân về, bài chòi chính là trò chơi cộng đồng phổ biến. “Chúng tôi có lúc dù rất mệt nhọc nhưng vẫn vui phục vụ bà con” - ông Hạnh chia sẻ. Tại xã Tam Thanh, xuân Bính Thân này là năm thứ 3 tổ chức liên hoan hô hát bài chòi với sự có mặt của 6 câu lạc bộ trên địa bàn. Điều đáng nói, HĐND xã này đã thông qua nghị quyết về bảo tồn, phát huy nghệ thuật hô hát bài chòi và hát bả trạo phục vụ phát triển du lịch biển.
Liên hoan dân ca bài chòi xã Tam Thanh trong ngày tết.Ảnh: H.GIANG |
Những ngày xuân này, đi về các vùng quê xã Tam Phú... thường bắt gặp âm thanh vui nhộn từ hội chơi bài chòi. Đây được xem như món ăn tinh thần truyền thống trong tết cổ truyền. Mùng 5 tết Âm lịch, có mặt tại hội bài chòi thôn Tân Phú (xã Tam Phú), sân sinh hoạt văn hóa đông chật người chơi từ người già cho đến trẻ nhỏ. Qua thời gian, dù những trò chơi đỏ đen hiện đại xâm lấn, nhưng bài chòi vẫn có sức hấp dẫn riêng, thu hút một lượng người tham gia nhất định. Bài chòi hiện nay được cải biên cả nội dung lẫn hình thức cho phù hợp với mùa xuân mới, nhưng cơ bản vẫn hướng đến tính giáo dục, coi trọng đạo lý làm người và tinh thần đoàn kết cộng đồng. Các anh, chị hiệu là hội viên nông dân, phụ nữ, thanh niên vẫn hăng say hô bài dưới sự cổ vũ nhiệt tình của bà con. Những câu hát dí dỏm hay hô bài bằng các trích đoạn cải lương các vở Thoại Khanh - Châu Tuấn, Lưu Bình - Dương Lễ… đều đề cao tình nghĩa vợ chồng thủy chung, huynh đệ sắt son nhận được sự tán thưởng của mọi người.
Ông Hồ Thanh Mai, một người gắn bó nhiều năm với công tác tổ chức hội bài chòi ở xã Tam Phú bộc bạch, thời trước hội bài chòi diễn ở sân đình nhưng nay thường chọn một địa điểm rộng như sân sinh hoạt văn hóa thôn để tiện cho bà con tham gia. Hội bài chòi đón xuân Bính Thân 2016 diễn ra từ ngày mùng 1 đến mùng 6 tết Nguyên đán vừa phục vụ nhu cầu giải trí vừa vận động người dân địa phương góp công góp của xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Bà con trong xóm làng hưởng ứng quỹ bài chòi rất tích cực do nguồn tài chính được công khai minh bạch. Điều ngạc nhiên là bài chòi các thôn Phú Đông, Tân Phú (xã Tam Phú) vẫn thu hút lớp trẻ tham gia. Ông Mai chia sẻ: “Người già như tôi rất vui khi thấy nhiều thanh niên, chị em vẫn còn thích thú với trò chơi truyền thống này. Năm năm nay, hầu như 3 ngày tết, chúng tôi đều tổ chức hội bài chòi”. Theo nhiều vị cao tuổi địa phương, ngoài ý nghĩa giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của cha ông để lại, bài chòi còn có ý nghĩa góp phần đẩy lùi, ngăn chặn tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè trong những ngày xuân...
Hoạt động lành mạnh
Năm nay về quê ăn tết, ông Nguyễn Ngọ (quê xã Tam Phú hiện sinh sống, làm việc tại TP.Biên Hòa, Đồng Nai) dắt cháu con đến viếng thăm Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại xã Tam Phú. Theo ông, người Quảng xa quê tất bật làm ăn, nên dịp tết là cơ hội tốt nhất để họ trở về sum vầy bên gia đình và mong muốn con cái thêm yêu mảnh đất quê hương, hiểu về truyền thống lịch sử cách mạng. “Tôi đưa cháu lên đây thắp nén nhang vì muốn bày tỏ lòng thành kính và cảm phục trước sự hy sinh vì đất nước của các mẹ, cũng là cách nhắc nhở cho con cháu không được quên nguồn cội. Công viên cây xanh, các khu lưu niệm hiện vật của các Mẹ Việt Nam anh hùng trong thời kỳ kháng chiến... được bố trí rất đẹp” – ông Ngọ nói.
Theo Ban Quản lý Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng, từ mùng 1 đến mùng 5 Tết Âm lịch, có hơn 5.000 du khách tham quan và dâng hương. Tình hình an ninh trật tự đảm bảo, không xảy ra bất cứ vụ việc đáng tiếc nào. Nhằm tạo điều kiện cho du khách tham quan, chính quyền địa phương quán triệt xử lý nghiêm tình trạng “chém chặt” nâng giá các dịch vụ phục vụ du khách. Mức giá giữ xe xung quanh khu vực tham quan cũng được niêm yết: mỗi xe đạp không quá 2.000 đồng, xe máy 5.000 đồng/chiếc và ô tô từ 10 - 20 nghìn đồng/chiếc. Ba ngày tết, lượng du khách đổ về tham quan tăng đột biến, nhất là mùng 2 tết có hơn 1.000 lượt khách đến tham quan và dâng hương. Ông Trần Văn Việt, bảo vệ Tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng cho biết, cho đến thời điểm này tình hình an ninh trật tự đều được quản lý rất tốt. Trong số các du khách tham quan có nhiều người nước ngoài.
Từ mùng 6 âm lịch, chính quyền xã Tam Phú và phường An Phú đã triển khai nhiều hoạt động thể thao lành mạnh, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Như tại xã Tam Phú có giải bóng chuyền nữ, phường An Phú tổ chức giải bóng đá nam. Theo quan sát, thời điểm này ở nhiều làng quê đâu đó vẫn còn chuyện cờ bạc đỏ đen, nhưng chính các lễ hội đậm màu sắc văn hóa dân gian, kết hợp với hoạt động thể thao càng làm cho hương vị ngày xuân thêm ý nghĩa hơn.
HƯƠNG GIANG