Đại Bình - “đại địa sinh cư”, là một mảnh đất lớn, tương đối bằng phẳng, có tam xứ: Ngọn Nước xứ, Bằng Lăng xứ, Vũng Chuối xứ. Những nét đẹp văn hóa ở làng vẫn luôn ngời sáng, để giữ cho Đại Bình dáng vẻ bình yên tự bao đời nay.
Đại Bình nằm về phía tả ngạn sông Thu và theo sử bộ, “làng được hình thành từ thời Thái Đức nguyên niên”. Tùy theo ngữ cảnh, Đại Bình hiểu nhiều nghĩa khác nhau. Ví như hai trụ chính cổng tam quan chùa Đại Bình có đôi câu chữ Hán, với hai chữ đầu là Đại và Bình: Đại Phật từ bi khai diễn chân thường/ Bình tâm hỉ xả tế độ chúng sinh. Hay còn có thể được hiểu Đại Bình - “đại địa sinh cư”, là một mảnh đất lớn, tương đối yên bình. Do địa hình, dòng sông vây quanh làng theo hình thái như nửa vòng tay ôm. Hiếm nơi nào có dòng chảy đẹp như ở làng Đại Bình. Đầu làng nước chảy xiết, khúc sông giữa làng đoạn chảy thẳng, cuối làng dòng chảy quần lại Vũng Chuối xứ theo hình xoáy trôn ốc. Rồi sau đó cùng nửa dòng phía hữu ngạn dưới chân Hòn Ngang hòa vào mẹ Thu Bồn xuôi về biển Đông. Theo người xưa, dòng chảy quần lại này không chỉ lưu đọng những gì trên ngọn nước xuôi xuống mà còn khẳng định sự tồn tại của một làng quê. Nó tích lũy, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của cộng đồng, từ nếp sống, tập quán, thuần phong mỹ tục…
Chưa có nơi nào bị thiên tai lũ lụt, trải qua chiến tranh mà còn nhiều phần mộ âm binh như Đại Bình. Gần hai nghìn nấm mộ được quy tập vào Nghĩa Trủng làng Đại Bình. Nơi đây, dân làng trồng hai cây mù u, bóng lá phủ mái Nghĩa Trủng đường. Sau ngót gần 300 năm tồn tại, đến bây giờ thân hai cây mù u 7 người ôm không xuể, nhánh cây tỏa rộng sum sê. Hằng năm cứ đúng lệ xuân kỳ, thu tế, dân làng cúng kính rất trang trọng. Trước ngày cúng tế âm linh vào mỗi dịp đầu xuân, bốn tổ đoàn kết chia thành bốn nhóm tập trung vun mả, đắp mộ. Đêm cúng tiên thường ở Nghĩa Trủng, các chức sắc cũng như anh em thanh niên tụ hội, ca hát suốt đêm. Với họ, có một đêm không ngủ đầy ý nghĩa, gạt bỏ hết đời sống cá nhân, tập trung lo việc làng. Ngày lệ âm linh của làng Đại Bình là ngày hội xuân. Những người con phương xa đều hướng về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Họ đóng góp cả vật chất lẫn tinh thần để ngày hội xuân tưng bừng khởi sắc. Ngày đó, dân làng tập trung tại Nghĩa Trủng đường, mỗi người một phần việc, đều ý thức rằng mình phải có trách nhiệm trong việc cúng tế của làng.
Là người con của Đại Bình, ai về dự ngày lệ âm linh của làng đều thành tâm cúng bái. Trong hương trầm nghi ngút, họ tỏ lòng thành kính biết ơn nguồn cội. Chứng kiến cảnh sinh hoạt ấm áp này, càng tự hào hơn về nét đẹp văn hóa cộng đồng một làng quê. Nét đẹp đó luôn ngời sáng, vun đắp tinh thần đoàn kết, đùm bọc sẻ chia, dưỡng nuôi tình yêu quê hương trong mỗi con người.
MẠC LY