(QNO) - Sau một tuần diễn ra sôi nổi, sự kiện “Nét hoa nghề Hội An” đã khép lại với nhiều thành công đáng ghi nhận như nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được giới thiệu, quảng bá, tên tuổi, thương hiệu sản phẩm của Hội An có cơ hội tiếp cận với du khách trong và ngoài nước.
Quảng bá sản phẩm
Rất nhiều du khách đã ghé thăm các gian hàng trưng bày sản phẩm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện “Nét hoa nghề Hội An”. Chỉ riêng tại Cơ sở Mộc mỹ nghệ Lương (xã Cẩm Nam, TP.Hội An) đã có hàng trăm lượt du khách nước ngoài đến mua sắm và tìm hiểu sản phẩm.
Ông Trần Cao Lương - Chủ Cơ sở Mộc mỹ nghệ Lương cho biết, hầu hết sản phẩm của cơ sở là hàng thủ công mỹ nghệ, mẫu mã nhỏ gọn, tinh xảo phục vụ du lịch và được chế tác từ những vật liệu gỗ phế phẩm hoặc mẫu vụn thải ra từ các xưởng mộc, do đó du khách rất quan tâm.
Tham gia sự kiện Nét hoa nghề lần này, mục tiêu của cơ sở không chỉ bán sản phẩm mà còn hướng đến mở rộng thị trường quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đối tác trong và ngoài nước.
“Tôi muốn tạo ra những dòng sản phẩm mới, nhỏ gọn, giá thành thấp được làm từ vật liệu tái chế, để khách dễ mua làm vật phẩm lưu niệm khi đến Hội An” - ông Lương chia sẻ.
Diễn ra từ ngày 12-19/5 tại Vườn tượng An Hội (TP.Hội An), sự kiện “Nét hoa nghề Hội An” được xem là cơ hội giới thiệu, quảng bá và trình diễn nghề đặc sắc với sự tham gia của nhiều nghệ nhân đến từ những làng nghề truyền thống nổi tiếng trên địa bàn thành phố.
Sự kiện năm nay thu hút hầu hết làng nghề truyền thống Hội An tham gia như gốm Thanh Hà, mộc Kim Bồng, đèn lồng phố Hội, tượng gốc tre, đan lưới… Tại ngày hội, không chỉ được nhìn ngắm nhiều sản phẩm, vật phẩm lưu niệm độc đáo, du khách còn được tận mắt quan sát, trải nghiệm các cung đoạn để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh. Càng ấn tượng hơn khi những sản phẩm được chính nghệ nhân hoặc những người thợ giỏi nhất làng nghệ tạo nên.
[VIDEO] - Nghệ nhân Huỳnh Sướng - Làng mộc Kim Bồng
Ông Huỳnh Phương Đỏ - chủ Cơ sở Bamboo Hội An chia sẻ, sự kiện đã góp phần lan tỏa được các giá trị làng nghề đến du khách trong nước, quốc tế, giúp du khách biết ở Hội An vẫn còn giữ được những nghề độc đáo và chế tác đồ lưu niệm từ gốc tre là một nghề như thế.
“Tôi không quan trọng việc bán được bao nhiêu hàng trong một tuần diễn ra sự kiện, chủ yếu chỉ muốn giới thiệu sản phẩm mỹ nghệ lưu niệm từ gốc tre để mọi biết đến. Với tôi, đó mới là niềm tự hào” - ông Đỏ nói.
Đa dạng thị trường, mẫu mã hàng hóa
Đây là lần thứ hai sự kiện “Nét hoa Nghề Hội An” được tổ chức. Qua đó, thể hiện sự tiếp nối mạch nguồn truyền thống của vùng đất và con người Hội An. Và các nghề như gốm, mộc, lụa, đèn lồng, lân - thiên cẩu - mặt nạ, tranh tre, đan lưới, làm bánh, đan võng… là sự minh chứng và biểu hiện sinh động nhất về những giá trị văn hóa đó.
Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An khẳng định, thành công của sự kiện không chỉ giới thiệu, quảng bá sự đa dạng văn hóa vùng đất mà còn giúp củng cố, tiếp nối truyền thống sáng tạo đã có gốc rễ bền lâu trong lịch sử, được thích ứng, nâng lên một tầm cao mới phù hợp với bối cảnh đương đại, có sự đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn văn hóa, con người và các nguồn tài nguyên khác của Hội An. Đây cũng chính là sự chuyển động của Hội An từ thành phố di sản thế giới đến thành phố sáng tạo toàn cầu.
[VIDEO] - Nhiều làng nghề truyền thống được trưng bày tại sự kiện Nét hoa nghề Hội An
Cải tiến mẫu mã hàng thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch được xem là hướng đi phù hợp hiện nay của các sản phẩm làng nghề Hội An. Điều này không chỉ giúp đa dạng thị trường mà còn giải quyết được bài toán nguồn nguyên liệu, nhất là với các sản phẩm sử dụng nguồn vật liệu từ thiên nhiên như gỗ, đất…
Thực tế, vấn đề lớn mà các làng nghề truyền thống Hội An đang đối diện hiện nay chính là sự khan hiếm nguồn nguyên liệu như đất sét tại làng gốm Thanh Hà hay gỗ tại các các cơ sở mộc. Vì vậy, việc chuyển sang chế tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ gắn với hoạt động du lịch là hướng đi cần thiết nhằm không chỉ giúp tạo ra những sản phẩm nhỏ gọn, phù hợp, nhất là vật phẩm lưu niệm mà còn có thể tận dụng được nguồn nguyên liệu tái chế, giúp giải quyết được bài toán nguồn nguyên liệu gỗ lớn.
Dù vậy, theo Phòng Kinh tế TP.Hội An, phát triển sản phẩm gắn với du lịch tuy là hướng đi tốt nhưng không vì thế quá thụ thuộc vào thị trường này. Ngược lại cần đa dạng sản phẩm theo hướng hàng hóa, đảm bảo làng nghề có thế sống được khi gặp những biến động, mà bài học COVID-19 là một kinh nghiệm, khi nhiều sản phẩm làng nghề quá phụ thuộc vào du lịch.