Quy hoạch - Đầu tư

Nét riêng công viên ở Điện Bàn

LƯƠNG MỸ LINH 21/07/2024 08:43

Quy hoạch, đầu tư cho các công viên mang ý nghĩa và tác động rất lớn trong không gian phố thị sau này. Với đô thị trẻ như Điện Bàn, để làm nên bản sắc cho diện mạo phố phường, cần sự góp mặt của những khuôn viên đặc biệt này.

Công viên Mẹ Thứ tại phường Điện Thắng Trung (1)
Công viên Mẹ Thứ tại phường Điện Thắng Trung. Ảnh: Phòng văn hóa Điện Bàn

Vai trò của công viên

Theo cách hiểu đơn giản, công viên là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, phục vụ cộng đồng. Ở những đô thị phát triển, công viên chính là lá phổi xanh vô cùng hữu ích.

Nhịp sống tất bật, giữa các khối kiến trúc đồ sộ thì các không gian công viên với hoa cỏ tươi xanh, hồ nước trong veo, ghế đá dừng chân, con đường rợp bóng, hay ngay cả những công viên với các công trình vui chơi giải trí hiện đại, là những khoảng lặng vô cùng quý giá cho đời sống con người, xã hội, môi trường…

Điện Bàn hiện có 25 công viên quy mô to nhỏ khác nhau. Có 5 công viên diện tích trên 10 ngàn mét vuông, lớn nhất là công viên Mẹ Thứ ở phường Điện Thắng Trung với hơn 21 ngàn mét vuông, còn lại là những công viên nhỏ, các tiểu công viên thôn...

Với cấu trúc không gian phố thị hình thành từ mô hình làng xã lâu đời, có lẽ, giá trị của các công viên chưa thật sự được cảm nhận hết. Ngay ở nơi mang danh phố xưa nhất của Điện Bàn như Vĩnh Điện hay các vùng đông dân ở Điện Ngọc, Điện Nam, vẫn còn rất nhiều vùng xanh, do vậy, không gian công viên vẫn chưa thực sự được coi trọng.

Công viên Tượng đài Những dũng sĩ Điện Ngọc (1)
Công viên Tượng đài Những dũng sĩ Điện Ngọc. Ảnh: Phòng văn hóa Điện Bàn

Người Điện Bàn chưa thực sự bị “vây” trong không gian đô thị ngột ngạt, ô nhiễm. Bởi lẽ, ngoài các khu đô thị, dân cư mới hình thành, hầu như nhà ở, công trình dân sinh đều bám dọc theo các tuyến đường giao thông. Phía sau những mái nhà lô nhô theo các trục lộ là ruộng lúa, biền bãi, thậm chí có không ít những ngôi nhà, cụm dân cư nằm giữa cánh đồng.

Trong bố trí dân cư làng xã cũ của Điện Bàn thì chỉ có hai vùng là Điện Quang và Điện Thọ được cha ông quy hoạch tỉ mỉ, xóm làng ngang dọc theo ô bàn cờ.

Và quy hoạch chung đến năm 2045, Điện Bàn là đô thị sinh thái, phát triển không gian phố thị theo định hướng xanh. Nhưng không có nghĩa việc quy hoạch công viên ở thị xã Điện Bàn chưa cần thiết. Trái lại, đây là sự đầu tư mang tính chiến lược, có ý nghĩa tác động tích cực đến đời sống xã hội, môi trường đô thị, nhất là trong bối cảnh quỹ đất công cộng ngày càng thu hẹp.

Công viên gắn với chủ đề

Hiện tại, công viên ở Điện Bàn đang được xây dựng gắn với các chủ đề về văn hóa, lịch sử của quê hương. Đây chính là điểm nhấn khác biệt, làm nên sức hút trong kiến trúc đô thị của Điện Bàn.

Trung tâm Vĩnh Điện là công viên Thanh niên với bức tượng đồng chân dung anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi cao hơn 5m. Tượng đài Lão dân quân Hoằng Trường anh hùng - công trình gắn với mối quan hệ kết nghĩa giữa hai địa phương Hoằng Hóa - Điện Bàn tọa lạc tại tiểu công viên phường Điện Minh, nằm kề bên tuyến quốc lộ 1 mang tên Hoằng Hóa.

Nội thị Vĩnh Điện (1)
Nội thị Vĩnh Điện. Ảnh: Phòng Văn hóa Điện Bàn

Cũng trên tuyến đường này, ngược về hướng Bắc, bên đầu cầu Thanh Quýt là tiểu công viên gắn với chứng tích lịch sử đồn Ngũ Giáp - có biểu tượng nghệ thuật là hình ảnh chiếc xe bò mà quân và dân ta đã dùng trong trận đánh này.

Đi tiếp đến gần giáp TP.Đà Nẵng, công viên mang tên Mẹ Thứ vừa hoàn thành giai đoạn 1, góp phần tạo điều kiện cho các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống và thăm viếng tại quần thể nhà lưu niệm anh hùng liệt sĩ NguyễnVăn Trỗi và nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn.

Vòng xuống vùng Đông, có Tượng đài chiến thắng của những Dũng sĩ Điện Ngọc giữa không gian công viên thoáng đãng nằm ngay ngã tư phường Điện Ngọc…

Hệ thống các công viên quy mô trên đều được đầu tư từ nguồn ngân sách thị xã. Với định hướng xây dựng đô thị sinh thái Điện Bàn, chính quyền thị xã tạo điều kiện thu hút các dự án du lịch gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa địa phương.

Mới đây, công viên Dinh trấn Thanh Chiêm và chữ Quốc ngữ tại Điện Phương cũng đang hoàn thiện về mặt bằng. Trong thời gian đến, chính quyền thị xã cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện công viên này theo hướng kết nối với các doanh nghiệp để hình thành nên điểm dừng chân cho du khách.

Xa hơn nữa, tại Điện Trung, thị xã cũng đã quy hoạch công viên quảng trường Gò Nổi với định hướng xây dựng một không gian mang đậm bản sắc văn hóa - lịch sử của vùng đất phù sa giàu văn vật này.

Vẫn còn rất nhiều những vấn đề đặt ra trong việc hoàn thiện cũng như công tác quản lý, phát huy các giá trị, nhưng sơ khởi, hệ thống công viên ở Điện Bàn đã tạo được nét riêng, hứa hẹn là những không gian hữu ích trong nhịp sống đô thị mai này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nét riêng công viên ở Điện Bàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO