Nêu gương và vì dân

HÀN GIANG 10/02/2019 08:19

Người cán bộ chỉ thực sự nêu gương khi mỗi việc làm, hành động đều vì lợi ích của nhân dân, vì nhân dân.

Giao lưu điển hình tiên tiến thực hiện Chỉ thị 05, nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ảnh: Hàn Giang
Giao lưu điển hình tiên tiến thực hiện Chỉ thị 05, nhân kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Ảnh: HÀN GIANG

MỖI VIỆC LÀM ĐỀU SUY NGHĨ ĐẾN DÂN

Về hưu ba năm nay, ông Vũ Xuân Sơn - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước vẫn giữ khí chất của một người cán bộ từng gắn bó, trưởng thành từ cơ sở; suy nghĩ “mỗi công việc mình làm đều phải vì dân” vẫn vẹn nguyên trong ông. Nhiều cán bộ địa phương từng chia sẻ rất khâm phục cách nêu gương của ông Sơn trong suốt quá trình công tác, làm việc cùng nhau. Ông Sơn nghiêm khắc trong công việc nhưng cũng luôn biết lắng nghe, thấu hiểu cấp dưới, mạnh dạn áp dụng các sáng kiến nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện công việc chung hiệu quả hơn. Nhiều sáng kiến của ông Sơn đóng góp cho Đảng bộ, chính quyền địa phương vẫn còn duy trì, mang dấu ấn riêng của Tiên Phước như: lãnh đạo chủ chốt huyện đi cơ sở vào ngày thứ Tư tuần cuối tháng; kiểm tra thi đua cuối năm; hỗ trợ lực lượng dân quân, công an địa phương làm nhiệm vụ...

Bây giờ nhắc lại, ông Sơn khẳng định: “Không có sáng kiến, sẽ không có động lực phát triển. Sáng kiến chỉ xuất hiện khi mình dành nhiều thời gian đi cơ sở, nghe ngóng, đau đáu với những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đi cơ sở có nhiều cái lợi lắm, vừa sâu sát, vừa gần dân, có điều kiện để nghe nhân dân phản ánh tâm tư tình cảm, vụ việc bức xúc, nổi cộm…, nhờ đó kịp thời có biện pháp giải quyết”. Ông Sơn chia sẻ quan niệm, không câu nệ việc lớn hay nhỏ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao mới là đáng quý, vinh quang; không có vị trí công việc nào tầm thường cả, nếu mục tiêu cuối cùng là làm vì nhân dân.

Ông Vũ Xuân Sơn - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước với cuộc sống đời thường. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN
Ông Vũ Xuân Sơn - nguyên Bí thư Huyện ủy Tiên Phước với cuộc sống đời thường. Ảnh: NGUYÊN ĐOAN

“Cái quan trọng nhất của người cán bộ nói chung, nhất là cán bộ lãnh đạo, là làm việc gì cũng phải suy nghĩ vì dân. Làm sao cho đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng phát triển, và phải biết lấy đó làm động lực phấn đấu, cống hiến. Việc nêu gương của người cán bộ lãnh đạo luôn gắn với suy nghĩ vì dân mà làm việc, nhưng muốn vậy, phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan phục vụ nhân dân thực hiện nhiệm vụ” - ông Sơn tâm tình. Để minh chứng cho điều vừa nói, ông Sơn kể, trước đây khi vừa đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, ông quyết định bố trí ngay kinh phí hỗ trợ may sắc phục, tiền trực đêm, rồi mua bảo hiểm y tế cho dân quân, công an xã làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; hỗ trợ xây nhà làm việc, phòng trực cho lực lượng này. Với ông, công việc gì “nóng” thì phải ưu tiên xử lý trước, không trông chờ, hoặc để xảy ra việc rồi mới xử lý, khắc phục sẽ mất đi nhiều thứ, nhất là ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Khi đã về hưu, ông Sơn vẫn theo dõi, hỏi thăm người dân ở cơ sở về bí thư xã này, chủ tịch xã kia làm việc như thế nào. Ông không hỏi cán bộ, mà hỏi dân vì theo ông “mọi việc làm của cán bộ dân đều biết hết”. “Theo tôi, việc nêu gương của người cán bộ, đảng viên không gì thiết thực hơn là phải thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” - ông Sơn nói.

HÀN GIANG

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường: Đưa việc nêu gương trở thành tự giác, thường xuyên

Bác Hồ từng căn dặn: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tôi nghĩ rằng, tư tưởng, tinh thần đó vẫn mãi còn nguyên giá trị và càng trở nên hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay. Yêu cầu đặt ra cho mỗi cán bộ, đảng viên của tỉnh trong thực hiện trách nhiệm nêu gương hiện nay là phải thực hiện đúng Điều lệ Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện đúng quy định những điều đảng viên không được làm. Đồng thời thực hiện đúng trách nhiệm nêu gương để đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên nói chung, cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu nói riêng. Nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao nhằm góp phần thiết thực trong xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; củng cố niềm tin sâu sắc của Nhân dân đối với Đảng. Cùng với đó là nghiêm túc nhìn thẳng vào sự thật, tập trung khắc phục kịp thời những khuyết điểm, yếu kém trong thực hiện nhiệm vụ được giao; gương mẫu, đi đầu trong công việc và mọi phong trào.H.G (ghi)

"5 CÓ, 3 KHÔNG"

Nói về việc nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương, ông Nguyễn Công Thanh - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc cho rằng, cốt lõi vẫn nằm ở ý thức trách nhiệm với công việc, vai trò hạt nhân trong phong trào quần chúng. Điều này thể hiện rõ trong năm 2018 khi 22/22 chỉ tiêu phát triển mà Nghị quyết Huyện ủy đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.

Lãnh đạo huyện Đại Lộc thăm hỏi đời sống người dân. Ảnh: NHẬT DUY
Lãnh đạo huyện Đại Lộc thăm hỏi đời sống người dân. Ảnh: NHẬT DUY

Ông Thanh chia sẻ, trước đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc từng trăn trở tại sao chất lượng đào tạo cán bộ được nâng lên nhưng chất lượng công việc chưa tương xứng, phong trào chưa mạnh? Phải chăng nhận thức về tinh thần trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương chưa được quan tâm đúng mức? Qua phân tích, đánh giá nghiêm túc, Ban Thường vụ Huyện ủy xác định phải “đả thông điểm nghẽn” này, và việc xây dựng, áp dụng mô hình “5 có, 3 không” ở 68 tổ chức cơ sở đảng và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Trong đó, “5 có” gồm: có bản lĩnh chính trị vững vàng; có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh; có ý thức tổ chức kỷ luật cao; có trình độ, năng lực thực tiễn; có tinh thần trách nhiệm với nhiệm vụ được giao. “3 không” gồm: không phát ngôn trái quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng; không có đơn thư tố cáo, tin nhắn mạo danh, nặc danh; không gây phiền hà, sách nhiễu với tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính.

Tại Chi cục Thuế Đại Lộc, thực hiện mô hình “5 có, 3 không” gắn với nhiệm vụ chuyên môn được giao, đơn vị duy trì nền nếp ghi nhật ký công việc trên mạng nội bộ. Hàng ngày, ban lãnh đạo, các đội trưởng chuyên môn thường xuyên cập nhật, theo dõi tiến độ, chất lượng xử lý công việc trên sổ nhật ký, làm cơ sở đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức cuối tháng. Ông Hà Văn Sự - Bí thư Đảng ủy, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đại Lộc chia sẻ, do đặc thù của ngành nên chất lượng công việc của người cán bộ, công chức thể hiện rất rõ qua việc tham mưu lãnh đạo ra văn bản xử lý, và đều được ghi nhật ký nên giúp quản lý chặt chẽ cán bộ chuyên môn cấp dưới, vừa kịp thời khắc phục các hạn chế, cả sai sót có thể xảy ra. “Cách làm cụ thể trên đã tạo chuyển biến rất tốt trong xây dựng ý thức trách nhiệm của cán bộ ngành, hiệu quả công việc được nâng lên, nhiều sáng kiến cải tiến công việc được Cục Thuế tỉnh đánh giá cao, Đảng bộ Chi cục Thuế Đại Lộc luôn đạt trong sạch vững mạnh; đơn vị luôn đứng tốp đầu phong trào thi đua của huyện, ngành thuế tỉnh” - ông Sự cho biết.

Sau gần 2 năm triển khai thực hiện “5 có, 3 không”; ý thức, trách nhiệm, tinh thần, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ở các cơ quan, đơn vị, địa phương ở Đại Lộc đã có sự chuyển động tích cực. Ông Nguyễn Công Thanh cho rằng, tinh thần nêu gương, ý thức trách nhiệm của người cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền còn được thể hiện rõ bằng việc lồng ghép, tăng cường các hoạt động đối thoại với nhân dân, kiểm tra thực tế cơ sở đối với các vấn đề còn mắc mứu, chậm được xử lý; từ đó ghi nhận, có giải pháp giải quyết kịp thời. “Quan điểm chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy là mỗi công việc đề ra phải gắn với yêu cầu thực tiễn, có kế hoạch cụ thể, người đứng đầu phải nêu gương làm trước, làm cho đạt. Việc gì có lợi cho cơ quan, đơn vị, người dân dù nhỏ mấy cũng phải làm” - ông Thanh nói.

NGUYÊN ĐOAN

"TÔI NGHĨ, MÌNH ĐÃ ĐƯỢC YÊU THƯƠNG!"

Một đêm mưa lạnh của 5 năm trước ở vùng rừng núi Tây Giang, tôi ngồi với anh trong căn phòng vừa là nơi làm việc, vừa là chỗ ngủ, chỗ nấu ăn, dưới ánh sáng leo lắt từ cây đèn dầu. Rất nhiều khoảng lặng, khi phía trước là bộn bề khốn khó. Hai người, một Chủ tịch UBND xã và một Bí thư Đảng ủy xã - đều là cán bộ tăng cường - như người làm rẫy đang đứng trước một cánh rừng xa lạ, và phải bắt đầu…

Về với làng

Ngày ấy, con đường vào trung tâm xã lầy lội, mưa lớn là gần như cô lập. Luật tục, định kiến, một bộ phận bà con không đồng thuận với chủ trương di dời. “Xã Dang ngày đó, là một “Ch’Ơm” khác, dù chỉ cách huyện lỵ chưa đầy hai mươi cây số đường chim bay, nhưng để đến có khi phải mất nửa ngày đường (Ch’Ơm là xã biên giới xa xôi nhất, khó khăn nhất của huyện Tây Giang lúc bấy giờ - PV). Tám thôn, cùng một mẫu số chung là nghèo khó” - anh Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND xã Dang - mở đầu câu chuyện với tôi trong cuộc hẹn vội vàng lúc cuối năm, nơi trung tâm huyện. Nút thắt được gỡ bằng một chủ trương lớn: di dời dân, tái định cư để ổn định chỗ ở. Anh cùng đồng chí Bí thư xã bắt đầu xuống dân và ở lại. Đến từng làng, gặp trưởng thôn, già làng và từng người dân để... tự giới thiệu về mình.

Vài năm trước, tôi suýt được điều động về huyện. Sau hai tuần trở ra trở vào từ xã lên huyện, gặp lại, nhiều người chạy tới nắm tay mà lắc, hỏi lâu ni Tâm đi mô. Lúc đó, anh tin được không, tôi xúc động chảy nước mắt. Đất này, luôn là chỗ để trở về, với bà con”. (Chủ tịch UBND xã Dang - Nguyễn Thanh Tâm)

Có những cuộc gặp ngay bên căn bếp giữa nhà, và mối thân tình được nhen nhóm bên căn bếp ấy. Vào đến thôn phải mất gần một ngày đường đi bộ, tối đến anh ở lại nhà dân. Trong những cuộc rượu bên bếp lửa đó, họ nói hết, từ những khốn khó trong đời sống, nhu cầu về đất sản xuất, về chỗ ở, cả câu chuyện không hài lòng trong cách làm việc của cán bộ xã. Nghe để làm, và để sửa, anh nói. Những cán bộ thôn, xã không hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, quan liêu, hạch sách, anh họp dân, đề nghị bầu người thay thế. “Bắt đầu xảy ra những va chạm. Cán bộ thôn mất uy tín, bị mất chức, tới ủy ban xã tìm tôi và anh bí thư, cầm hung khí đòi ăn thua đủ. Chúng tôi bước ra gặp. Rất bình tĩnh và ôn hòa, chúng tôi nói chuyện với họ. Anh cán bộ thôn kia trở về nhà, và… trốn. Có thể anh ta không sợ cán bộ xã nhưng anh ta phải sợ dân, vì bà con luôn ủng hộ chúng tôi. Từ sau chuyện đó, lề lối làm việc được chấn chỉnh lại. Cán bộ thôn không còn là “ông trời” ở làng nữa, có chuyện gì, bà con sẽ báo ngay” - anh kể.

Khu tái định cư Arui ở xã Dang. Ảnh: T.C
Khu tái định cư Arui ở xã Dang. Ảnh: T.C

Phục vụ dân

Sáu năm trời bám trụ ở xã Dang, dân cả xã không ai là không biết mặt “Tâm Chủ tịch”. Anh đi nhiều, ở nhiều, cùng đồng chí bí thư xã “hy sinh” cả những ngày nghỉ cuối tuần để giải quyết công vụ. Cầm tay chỉ việc, chủ tịch xã cũng phải tự tay vào sổ công văn cho văn thư, hướng dẫn cán bộ tư pháp khai hồ sơ, bày cho anh em làm từng mẫu báo cáo, công văn. Bộ máy vận hành trơn tru hơn, xã bắt tay vào thực hiện những chủ trương lớn. Có 7/8 thôn đã di dời về nơi mới, quy hoạch làng bài bản, có hệ thống đường sá, nước sạch, giữ đúng kết cấu làng truyền thống. Nhưng chừng đó là không đủ. Vậy là ông chủ tịch cùng anh em trong xã bắt đầu… đi xin. Anh kết nối với đơn vị kết nghĩa, các tổ chức phi chính phủ, nhà hảo tâm, tìm nguồn giúp dân. Xin từ những công trình cốt yếu nhất, bức thiết nhất cho dân. Năm 2015, anh xin về cho xã được 300 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ của Ngân hàng Đầu tư phát triển, làm một con đường dân sinh dài hơn 14km về đến thôn K’xêêng. Con em của xã đậu đại học chính quy, anh lại đến gõ cửa, xin tài trợ học bổng. Duyên lành giúp anh kết nối được với tổ chức COV (Tổ chức trẻ em Việt Nam tại Đà Nẵng), anh tiếp tục xin tài trợ xây dựng trường học cho 8 thôn trên địa bàn xã. Mới đây, COV đã tài trợ gần 3 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng trường tiểu học liên thôn Alua - K’xêêng, với đầy đủ phòng học, nhà vệ sinh, nhà công vụ. “Trường học và trạm xá xã không có nước sạch, tôi lại cùng anh em gặp, đề xuất với COV tài trợ máy lọc nước phục vụ cho người bệnh và học sinh. Rồi xin tiền làm nhà ở cho một gia đình ba mẹ con mà người mẹ bị khuyết tật. Cứ thiếu chỗ nào lại đi xin để đắp chỗ đó, miễn là phục vụ được cho bà con” - anh Tâm nói.

Anh kể về những cái được, cái khác của xã Dang, đầy say mê... “Anh được gì?” - tôi hỏi ngược. “Tôi nghĩ, mình đã được yêu thương! Bà con tin, và hiểu lòng mình. Vài năm trước, tôi suýt được điều động về huyện. Sau hai tuần trở ra trở vào từ xã lên huyện, gặp lại, nhiều người chạy tới nắm tay mà lắc, hỏi lâu ni Tâm đi mô. Lúc đó, anh tin được không, tôi xúc động chảy nước mắt. Đất này, luôn là chỗ để trở về, với bà con” - anh cười.

Góc núi, mưa rừng dội xuống. Anh bắt tay tôi thật chặt: “Phải đi thôi, mưa này, sáng mai vào không kịp”.

HẠ NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nêu gương và vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO