Mỗi sớm ngày mới nghe đất rùng từng hạt nẩy chồi tơ, thấy nước xanh trong khởi mạch nguồn, cảm gió đưa hương về mát dịu, biết lửa ấm nồng hong tay khô... Dòng sống liên tục tự nhiên nhi nhiên chảy đi trôi mãi. Lần mới vừa tượng hình qua bao lần điên đảo của biển dâu.
Cách đây mấy trăm năm nhận rõ thị phi danh lợi tựa như ngày xuân đang trôi lăn ngoài kia và hoa mùa cũng sắp dần phai sắc, núi non cảnh vật lại trở nên im vắng tiêu điều nên vua Trần Nhân Tông biểu đạt quy luật sinh diệt là tất yếu trong cõi vô thường: Phải trái rụng hoa buổi sáng/ Lợi danh lạnh với trận mưa đêm/ Hoa tàn mưa tạnh, non im vắng/ Xuân cỗi còn vang một tiếng chim (Mạn hứng ở sơn phòng). Nhưng chỉ nhất thanh đề điểu thôi rồi cũng sẽ mở ra một ngày sáng - một lần mới. Thời gian - nước trôi; đời người - gió cuốn: Trái tim mỗi mới mỗi ngày/ Mỗi giờ phút đọng mây trời rung rinh (Bùi Giáng). Sự chuyển dịch của không gian, sự đổi thay của thời gian sự biến hóa của vật thể, của tâm thức luôn tương tức, ảnh hưởng lẫn nhau. Sắc không rất gần với nhau. Cái một chứa đựng cái tất cả. Mặt trời mọc, mặt trời lặn, bóng nắng, hạt sương, khô ẩm, lạnh nóng v.v. chỉ là cuộc tiếp nối của nhau. Chỉ khi tự soi lại mình qua từng sát na mới thấy tự tánh không sinh không diệt, không có không không. Chợt nhớ hai bài giảng của vua Trần Nhân Tông trong đó có câu như một công án thiền. Tại chùa Sùng Nghiêm: Lại đứng lên hỏi: Dùng công án cũ để làm gì? Đáp: Mỗi lần nêu ra một lần mới. Tại viện Kỳ Lân: Lại đứng lên hỏi: Dùng đờm dãi người xưa để làm gì? Sư đáp: Mỗi lần nêu ra một lần mới.
Hành hương Yên Tử. |
“Mới” là quả chưa thành, vì đang trở thành, mới mang viễn tượng sáng tạo không ngừng, bởi mỗi giây ngừng, nó đã cũ (Tư tưởng Phật giáo trong triết học Gilles Deleuze - Thái Kim Lan). Nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn từng lắng nghe tiếng thơ của Bùi Giáng giống như một cơn mưa từ ngàn thu trước, đến hôm nay mới rớt hột trở về. Rớt hột là hạt lại gieo chờ ngày mới như công án thiền của vua Trần Nhân Tông chăng? Thật khó để giải mã nếu không bắt gặp những tâm hồn đồng điệu tri âm. Thiết nghĩ bài Gửi Mã Giám Sinh: Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu/ Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu đã xa/ Gọi tên rằng một, hai, ba/ Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm là Bùi Trung niên nhìn thấy lẽ biến dịch của cõi vô thường. Vậy nên, càng đo tâm sai biệt và đếm sự vật tuần hoàn trong vũ trụ thì càng chạm vào diệu tưởng. Diệu tưởng chính là một lần mới. Trong cõi thơ không ít lần Bùi Giáng thưa rằng, hỏi rằng, bảo rằng... cũng là mỗi lần nêu ra. Lần giở tấm thiệp ghi bút tích Bùi Giáng trong sách của Đinh Cường, cũng thấy: Hỏi tên: rằng biển-dâu-ngàn/ Hỏi quê: rằng xứ mơ màng đã quên. Trong Chào nguyên xuân, thì Hỏi rằng: người ở quê đâu/ Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà v.v.
Trúc Lâm Đại sĩ xuất sơn đồ. |
Xưa nay các bậc thức giả, triết nhân, hiền sĩ, minh sư đều có những lập ngôn cho riêng mình như Trần Nhân Tông sơ tổ Thiền phái Trúc Lâm nêu: Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, tức là ở chốn bụi bặm mà có an lạc trong chánh pháp và phải biết nhuần nhuyễn nguyên tắc tùy duyên. Tùy duyên là linh hoạt hội nhập với bất kỳ ở hoàn cảnh nào. Nguyễn Du nêu: Thiện căn ở tại lòng ta; tức là đừng trách cứ đau khổ mà nên quay về tu tâm sửa tánh mình, vun bồi gốc rễ của cái thiện. Phan Châu Trinh nêu: Chấn dân khí, khai dân trí, hậu dân sinh; tức là trước sau tâm huyết của nhà chí sĩ là duy tân đất nước mình đến cùng. Và trong Tỉnh quốc hồn ca người còn nêu: Dân ta là thánh, là thần/ Bền gan chắc dạ, quỷ thần cũng kiêng; tức là điều làm mới phải chấn dân khí cho kỳ được, nêu cao lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường v.v.
Trên nẻo về im lặng người thực hành sâu xa bát nhã ba la mật thấy chính mỗi lần nêu ra một lần mới. Hay chiêm nghiệm: nêu là mới. Thiền định cũng là để tiếp nhận cái thâm diệu bất khả tư nghì. Và điều không thể nghĩ bàn ấy lại hồi niệm về lần quay mới.
ĐÌNH QUÂN