(VHQN) - Tôi tin dư ba về mảnh đất Quảng Nam sẽ mãi ở trong họ. Bởi thanh xuân mình, từng vùng ác liệt của đất Quảng - Đà đều in dấu chân những người làm thơ, viết văn, ca hát... Thời đi B. Vì thế, cái tình của họ với đất này, là chẳng thể đong đếm...
“Nếu tâm hồn tôi không có những vùng đất ấy/ chỉ một thoáng giây thôi/ cũng đủ để cho tôi cảm thấy/ mình bị cách biệt/ với biển lớn, với sông dài/ với những thành phố đẹp” - trích trong “Tự khúc” của nhà thơ Ngân Vịnh, như lần nữa minh định về tấm lòng người thơ với đất anh đang sống.
Giọng đọc thơ như mang “dư vang của tiếng va chạm từ chiếc gầu múc nước vào thành giếng đá ong”, là âm thanh động của một “đèo Le đêm trăng vọng lời mẹ hát”.
Ngân Vịnh đã chọn trải cái tình nghệ sĩ của mình chung thủy với chính mảnh đất anh đặt chân đầu tiên những ngày trai trẻ. “Quế Sơn đất mẹ ân tình” đã đóng đinh một Ngân Vịnh dạt dào yêu thương với quê xứ Quảng từ chính lời thơ phổ nhạc da diết.
Nhà thơ áo lính Ngân Vịnh là một trong những nhà văn đi B - những văn nghệ sĩ được Trung ương chi viện cho Khu 5 để cùng sống, chiến đấu với người dân mảnh đất này. Từng lớp văn sĩ trẻ Hà thành, vừa hào hoa vừa nhiệt huyết, đã chuyên cần lẫn miệt mài để tạo nên dáng vóc đất và người Khu 5 trong văn nghệ - cũng là một diện mạo văn nghệ rất riêng của vùng đất Trung Bộ.
Ở tất cả lĩnh vực từ văn, thơ, họa, nhạc, dân ca, điện ảnh, cả sáng tác và biểu diễn, suốt chặng đường dài, họ dựng nên một sắc thái văn học nghệ thuật mang chất Quảng độc đáo. Đó là một đời sống thực ngồn ngộn ý chí ngoan cường nhưng vẫn không kém phần lãng mạn hào hoa.
Những văn nghệ sĩ chiến trường Khu 5, hình như tác phẩm của họ là ranh giới mong manh giữa đạn bom chiến hào và hoa nở khi công đồn. Văn của Nguyễn Bá Thâm, thơ của Ngân Vịnh hay tiểu thuyết của Nguyễn Bảo..., tôi hình dung đều có niềm man mác của người miền Bắc nhưng lại mang chi tiết của những trải nghiệm nơi miền đất khốn khó Trung Bộ. Để những ngày sau hòa bình, họ chọn ở lại và tiếp tục nghĩa tình với mảnh đất nghèo.
Vài năm, những người bạn văn - bạn chiến đấu lại tìm về đất Khu 5. Có người còn người mất. Mỗi năm lại thiếu vắng vài gương mặt quen, như câu chuyện của ông Nguyễn Bá Thâm. Chỉ mới đây thôi, ông còn cùng người bạn đời, cũng là đồng đội chiến trường, cùng khoác vai nhau với những bạn văn về lại chiến khu xưa.
Những tấm ảnh về người phụ nữ môi lúc nào cũng phải dùng màu son thật đỏ, cùng chồng mình và bạn văn của ông về đất thanh xuân - khu di tích Trung Trung Bộ, khu di tích Nước Oa vẫn còn trong tệp máy ảnh của người đi cùng. Mà nay, người văn này đã một mình lẻ bóng.
Đất Quảng trở thành một “hạnh ngộ” - mà nói như nhà văn Nguyễn Bảo, nếu không phải ở đây, ông sẽ không thể có được một “Đỉnh máu”, một “Thượng Đức” để định vị tuổi tên mình.
Đất Quảng trở thành “mạch máu” trong dòng cảm hứng của các văn sĩ đã có thời tuổi trẻ ác liệt nơi này. Nên nếu làm được gì cho xứ đất này, họ sẵn lòng. Sợi dây liên kết giữa những người bạn văn với nơi đồng đội mình nằm lại, bằng những chuyến về thăm chiến trường xưa, bằng cuộc kết nối từ những Ban liên lạc để chăm chuốt mộ phần đồng đội.
Cùng nhau, họ dựng bia tưởng niệm cho nhà văn Nguyễn Hồng, Chu Cẩm Phong, Dương Thị Xuân Quý... Cùng nhau, những suất học bổng hỗ trợ học sinh vùng đất chiến trường xưa được đoàn văn nghệ sĩ Khu 5 mỗi bận về thăm lại tìm cách để trao tặng. Như tiếp thêm động lực cho những thế hệ của vùng đất lửa.
Có những người chọn ở lại, để góp thêm vào vườn hoa văn học nghệ thuật đất Quảng những sắc màu dày dạn từ trải nghiệm chiến trường đến những ngày hòa bình.
Sau giải phóng, văn chương Việt Nam xuất hiện liên tục các tên tuổi mới với bút lực dồi dào cùng những góc nhìn độc đáo, từ chính người văn - người lính chiến trường.
Trại sáng tác văn học do nhà văn Nguyễn Chí Trung đề xuất, kéo dài 5 năm (1975-1980) tại Đà Nẵng, quy tụ rất nhiều người gắn bó với Quảng Đà, chính là cơn cớ để làm nên một lớp người cầm bút tên tuổi còn đến bây giờ...