Tôi hỏi ông Bhnước Phước - Bí thư Đảng ủy xã Cà Dy, có phải phòng này là nơi làm việc ngày trước của Bí thư Huyện ủy không? Vì tôi thoáng nhớ có lần vào đây, xa lắc lơ rồi, khi tôi đi tìm anh Chơ Rum Nhiên - khi đó là Bí thư Huyện ủy Nam Giang có chút việc. Ông Phước gật, ừ phải, trụ sở này xây năm 2000 mà, đến 2019 giao về cho xã…
Muôn sự lòng vòng
Ông Phước nói rồi đưa mắt nhìn bức tường bên trái, im lặng, như lời thuyết minh chẳng muốn thành lời cho rêu xanh đã bám chặt chân lên cả hai gang tay, nứt thấm. Khi trung tâm hành chính huyện Nam Giang “quy cố hương”, trở về lại Thạnh Mỹ, thì trụ sở huyện và một ít bàn ghế để lại cho xã Cà Dy.
Tôi mường tượng vở kịch lúc khai màn, tức lúc huyện đưa… đầu não hành chính lên, cán bộ huyện thì rầu vì phải chạy xe 10km đi làm, nhưng chắc chắn dân và cán bộ Cà Dy thì mừng hết lớn, nhất là mấy cái quán ăn ở ngã ba Bến Giằng, bởi từ đây “ai trồng khoai đất này”.
“Ngã ba sông này là điểm giao tiếp Việt - Lào, Đại Lộc, Phước Sơn; nhưng Cà Dy không phải là thị trấn cũng chẳng phải khu vực biên giới mà hưởng ưu đãi chế độ đặc biệt này nọ. Nó chỉ là điểm giao lưu”...
Hạ màn, lũ lượt về, chỉ còn vài cơ quan đóng lại, “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, ngó mấy cái quán vắng teo sáng trưa chiều tối từ chủ tới nhân viên ngồi ngó xe qua lại như kẻ vô tình, mới ngày nào đó dập dìu hoa bướm, đủ thấy não nề…
“Mô, bàn ghế làm việc của huyện cũ quá, bỏ rồi, xã sắm mới lại hết mà” - ông Phước trầm trầm nhắc đi nhắc lại - “huyện rút về, mọi thứ trở lại như cũ”.
Xót thiệt, tôi nghĩ bụng, ngày vui ngắn chẳng tày gang, nhưng đành chịu, như trúng vé số, chưa kịp làm chi cho giàu thì tiền vụt mất, tay trắng hoàn quy, cắm đầu cuốc cày mà kiếm ăn trở lại.
“Ủa anh, huyện đi thì đã đi rồi, không lẽ chừng đó năm huyện về đây, đóng đô ngay địa phận xã, không làm cú huých nào được cho Cà Dy bứt lên, ít ra làm ăn phải bắt nhịp theo vì nhu cầu lúc đó lớn…”.
Tôi nói thì nói vậy, nhưng nghĩ tới Phú Thịnh của Phú Ninh, bao năm rồi, thì đó, mọi ngả đường đều đổ về Tam Kỳ. “Thì cũng có, nhất là mấy cái quán bán buôn được, nhưng họ về, là quán sụp luôn, rồi ế, nhất là 2 năm dịch, không bóng người, không lẽ đóng cửa, mà mở không ai mua…”.
Gần 4.000 dân thì tới 70% hộ nghèo. “Có làm chi được đâu anh” - ông Phước nói - “ở đây trồng keo là chính, thu nhập thấp lắm, vì giá thất thường. Chỉ tiêu trên giao là 30 - 40ha keo, nhưng chắc là nhiều hơn vì rải rác trong dân.
Năm 2021 nắng cháy, đậu, bắp chết hết, năm nay tuy có mưa nhưng so với mấy năm trước cũng thua”. “Anh quá biết, cây keo là thứ phá đất ghê gớm…” - tôi dò thử ông, xem quan niệm của ông có giống nhiều người đứng đầu các xã huyện miền núi, khi bài toán cây con từ thời giải phóng đến giờ giải không ra, nên cứ bám keo mà đẽo.
“Biết chứ, nó phá đất, hút cạn nước, nhưng không trồng thì lấy chi ăn, lấy cây chi thay thế. Có một mô hình trồng chuối được huyện hỗ trợ ở thôn Pà Dá, nhưng đầu ra không có. Không còn cách nào khác là phải hợp tác với doanh nghiệp để tìm đầu ra. Sắp tới lãnh đạo xã sẽ đi dò thị trường, đầu ra, hướng đến sản phẩm OCOP để thành thế mạnh hàng hóa” - ông Phước nói.
Quẩn quanh chuyện nghèo
Ông Phước nói đều đều, như chuyện phải làm bởi cái thế quẩn quanh, hình như ông biết nó là vậy, nhưng có dễ đâu.
Tôi kiểm chứng ý nghĩ này khi gặp và nghe ông Kapu Hót - Bí thư Chi bộ thôn Pà Dá, rằng năm 2020 trồng được 1,7ha chuối với 11 hộ tham gia, ở đó gần nguồn nước, đất tốt, phù hợp với chuối tiêu hồng.
Bà con ưng lắm. Huyện thì hỗ trợ đầy đủ nguồn giống, kỹ thuật. Nhưng khi chuối thu hoạch thì ngơ ngác hỏi nhau: ai mua? 10 ngàn đồng/nải, bà con mua không nổi, nên chỉ còn vác ra quốc lộ bán giá rẻ mạt, lỗ tè le.
Ông Hót mong phải nhân rộng mô hình cho các hộ gia đình. Dấy lên trong tôi câu hỏi: Bán không ai mua, nhân rộng ra để… like à? Nhưng dân khao khát có được đầu ra cho hàng hóa là chính đáng, vậy làm sao để họ thỏa mãn giấc mơ này?
Bài toán thị trường khắc nghiệt. Nhìn rộng ra, cả miền tây của tỉnh, có doanh nghiệp nông nghiệp nào mạnh đâu. Lời giải cho quy hoạch vùng nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ nông sản, dược liệu bài bản để vừa khai thác tiềm năng vừa giải quyết chuyện áo cơm bền vững cho dân, không biết tới nhiệm kỳ nào, năm nào mới trọn…
Chín giờ sáng mà vắng tanh, như phụ họa không khí buồn tẻ ở ngã ba Bến Giằng. “Vậy, chẳng thu được chi cho ngân sách?”. “Có chi đâu anh” - lại giọng không trọng âm lành hiền của ông Phước - “năm 2022, huyện giao 79 triệu đồng tiền ngân sách, đến nay chưa thu được đồng nào.
Lý do là không khai thác được quỹ đất, hàng quán lỗ dài, khoáng sản không có… Chúng tôi lo lắm, làm sao cho bà con thoát nghèo, huyện cũng có kế hoạch xuống từng thôn bản giúp bà con”. “Có xây dựng nông thôn mới không anh?”. “Có chứ, mới 12 chỉ tiêu đạt, còn lại trồng trọt, thu nhập, nhà ở, môi trường, thủy lợi, hộ nghèo, đường nội đồng là chưa”.
Tôi nghe ông nhẩm cái chưa được, xong, ngó qua cửa sổ, thấy nhánh cây gãy cái rắc, rơi xuống. Cái chưa đó là xương sống của bao tử, giấc ngủ, chỗ né nắng mưa, bao năm rồi, chưa vẫn là chưa, thì nó là chưa chứ không biết làm sao, như con trâu kéo xe keo đi ngược dốc, sụm xuống thì không nhưng lếch không nổi. “Biết chứ, nhưng bí quá anh à. Làng Rô được chọn nông thôn mới kiểu mẫu nhưng có được đâu…”.
Bao giờ chốn này có hội?
Nắng chói chang, như cười vào ý nghĩ lãng mạn hậm hực của tôi khi chuẩn bị lên đây là sơn thủy hữu tình đi vào văn thơ nhạc họa chốn ngã ba Bến Giằng này, hẳn khiến dân tình sống vượng theo phong khí trời cho, dù không giàu có như thiên hạ nhưng sinh khí chắc không tệ. Tôi lầm to.
“Ngã ba sông này là điểm giao tiếp Việt - Lào, Đại Lộc, Phước Sơn; nhưng Cà Dy không phải là thị trấn cũng chẳng phải khu vực biên giới mà hưởng ưu đãi chế độ đặc biệt này nọ. Nó chỉ là điểm giao lưu…” - ông Phước ngắt dòng, dừng ở đây.
Tôi ra ngã ba đứng. Cổng chào đón du khách ngay đầu cầu sặc sỡ, bắt mắt, nhưng ngay trụ cổng sót lại tấm biển Trung tâm hành chính huyện Nam Giang như nhắc kỷ niệm tao phùng một lần trong đời với Cà Dy, giờ đã bắt đầu bạc màu, rớt chữ, mất dấu.
Mình tôi như khách qua đường rảnh quá đi cà ngơ phất phơ. Mấy người ở quán gần đó, không khách, xếp ghế trước sân ngồi tán gẫu. Hai con sông Nước Mỹ và sông Thanh đổ về đây hợp lưu rồi đổ về xuôi, tạo nên cánh cung xanh thơ mộng.
Nhưng cái cầu này nếu cứ như thế này, nằm vắt qua ngã ba sông, cũng chỉ là điểm tựa cho bao dáng đứng ngồi chụp ảnh trên đường lữ hành, làm cái việc giúp nhân gian qua sông để khỏi lụy đò như chức phận nó vậy.
Khỏi phải điểm lại những phóng bút, dâng tràn ý nghĩ, phác họa bức tranh du lịch tiềm năng của đại ngàn Nam Giang mà Bến Giằng là điểm dừng chân đầu tiên với lịch sử gắn liền với sự định hình của vùng tây đất Quảng cánh này, thuở bán buôn Kinh - Thượng trong sách xưa đến tọa độ hủy diệt của chiến tranh.
Cây cầu thơ mộng đã hai lần thay nhịp từ sắt qua bê tông, chừ cũng chỉ mình nó soi bóng xuống sông là nhìn thấy được; còn những chuyện khác thì khó biết, bởi người đi qua chứ có đứng lại đâu, có tựa vào nó được đâu mà bày chuyện sinh sống khởi sắc.
Lỗi chẳng tại cầu tại sông, chắc chắn, nhưng cũng khó lắm cho người. Nước vẫn chảy về xuôi, nhưng hẳn lòng vòng ở lòng người khi cố nghĩ rằng chốn này bao giờ mới vui như nước trẩy hội mùa lũ?