Tôi đã đi qua biết bao ngã ba đường đèn xanh đèn đỏ. Vậy mà cứ nhớ hoài ngã ba Hương An (thị trấn Hương An, Quế Sơn) đã trở thành huyền thoại trong lòng mình. Xe đò ở quê đi Đà Nẵng, Sài Gòn hay bất kỳ xứ nào khi đến ngã ba Hương An cũng sẽ dừng lại. Hồi nhỏ ham lắm, ngồi xe đi Tam Kỳ đến ngã ba lại ngó chừng mấy cô mấy dì xách mớ bánh mì, mớ chả cây bọc trong lá chuối hay bịch nước mía mời chào.
Con nít con nôi, thương hoài ngã ba Hương An bởi ổ bánh mì thơm lựng đem về xé ra chấm sữa đặc Ông Thọ thì ngon nhất trần đời. Thương bịch nước mía mát rượi, thương cả mấy cây chả nhiều tiêu bọc trong lớp lá chuối mấy cô đang cầm trong tay.
Thỉnh thoảng xe dừng lâu chất hàng, anh tài xế hô to để mọi người xuống nghỉ ngơi, uống nước. Chiếc xe đi Tam Kỳ cũng cũ, chở hàng nhiều hơn chở người, tới đoạn ổ gà ổ voi là kêu lên lọc xọc như báo hiệu sự già nua của mình. Vậy mà ngày nào cũng hai bận cần mẫn đi về.
Một chuyến về quê ăn tết gần đây tôi ngồi xe đò đi Tam Kỳ. Xe lắc lư, gió lùa từ cửa sổ bên này sang cửa sổ bên kia lồng lộng. Xe đầy mùi dầu gió. Mấy ông mấy bà ngồi hỏi han nhau chuyện mùa vụ, tết nhất. Người kể vô Tam Kỳ cúng tất niên cho con, người kể tranh thủ rảnh rỗi mang cho cháu con gà… Tôi ngồi im nghe.
Cái không khí cũ càng, thân tình hệt như hồi tôi còn nhỏ xíu. Cơ hồ người quê mình chẳng bao giờ nghĩ tới chuyện chê xe cũ, xe hôi, nhiều gà vịt lại lèn chặt hàng hóa. Họ dễ chịu khi anh tài xế bảo nhích vô một chút để bỏ lên bọc bánh tráng. Ừ thì ngồi vài tiếng là tới Tam Kỳ rồi chứ mấy!
Bao nhiêu năm rồi từ cái thời bé xíu lơ ngơ ra thị xã, chiều đó ngồi uống nước đón xe, chợt nhận ra ngã ba Hương An hình như chẳng thay đổi gì. Có chăng là tâm thế mình đã khác.
Những chuyến xe dừng, vẫn là cô bán bánh mì với mớ chả cây tôi thấy hồi nhỏ. Không còn nao nức mùi bánh mì thơm mà lòng tự dưng thấy buồn. Bao nhiêu người bước lên xe bắt đầu cho cuộc tha hương, cũng có nhiều người run run bước xuống xe đò sau một chuyến xa quê mệt nhoài.
Tôi vô tình gặp đồng hương nơi đất khách. Bà già gần tuổi 70, da dẻ đã đầy vết đồi mồi. Vậy mà khi tôi nhắc đến ngã ba Hương An cho bà dễ hình dung con đường về nhà tôi thì mắt bà sáng lên như vô tình bắt gặp lại một đoạn đời mình.
Bà nói lạ gì cái ngã ba ấy, hồi xưa đi buôn chè tươi, bà ngày qua lại ngã ba Hương An hai bận. Hồi trước người ta uống chè tươi nhiều lắm. Vò lá chè cho giập, đổ nước vào nấu sôi lên là có ấm chè ngon uống cả ngày. Chè cắt bó thành bó nhỏ, 12 bó nhỏ buộc thành bó lớn. Mỗi chuyến xe chất không biết bao nhiêu bó chè lớn như vậy…
Bà già hồ hởi kể lể, hình như lâu lắc mới có dịp nhắc lại đoạn đời tưởng chừng đã quá xa xăm. Từ ngã ba Hương An đi theo quốc lộ là ra ngã ba Nam Phước. Nam Phước chừ cũng khang trang lắm rồi! Nhà bà gần ngã ba đó. Cũng nhiều năm rồi bà không về thăm quê. Giờ già rồi, cũng chẳng còn ai ngoài nớ nữa…
Phải rồi, ai mà chẳng có những ngã ba thương nhớ ở trong lòng!