(QNO) - Nga cho biết nước này có thể rời trạm vũ trụ quốc tế ISS để phóng một trạm vũ trụ của riêng mình vào năm 2030.
Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước ngày 18.4, Phó Thủ tướng Nga Yuri Borisov đưa ra viễn cảnh nước này sẽ rời ISS. Theo hãng tin TASS, Nga không chắc chắn sẽ rời đi, nhưng nhấn mạnh rằng cam kết hiện tại của Nga chỉ kéo dài đến cuối năm 2024 và nước này không hài lòng với tình trạng hiện tại của ISS.
Đến ngày 21.4, người đứng đầu Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos Dmitry Rogozin đề cập về một trạm vũ trụ độc lập có sử dụng trí tuệ nhân tạo và robot sẽ hoạt động vào năm 2030. Ông Rogozin cho biết, mô-đun đầu tiên cho trạm vũ trụ Nga sẽ sẵn sàng vào năm 2025, tuy nhiên không giống như ISS, trạm vũ trụ này sẽ không được đưa vào hoạt động vĩnh viễn vì quỹ đạo của nó có nguy cơ bị nhiễm bức xạ cao.
Cơ quan này được cho là đang chờ sự chấp thuận cuối cùng của Tổng thống Vladimir Putin để triển khai. Interfax dẫn lời một nguồn tin giấu tên cho biết, Nga đã lên kế hoạch chi tới 6 tỷ USD để đưa dự án này vào hoạt động.
Dự án sẽ đánh dấu một chương mới cho hoạt động khám phá không gian của Nga và kết thúc hơn 2 thập kỷ hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên ISS. Hai cường quốc này cùng với 16 quốc gia khác đã hợp tác đóng góp thiết bị và phi hành gia để duy trì hoạt động của trạm vũ trụ này kể từ năm 1998. Đây có thể xem là biểu tượng cho sự hợp tác quốc tế giữa 2 quốc gia.
ISS hiện là trạm vũ trụ duy nhất có người trên tàu. Vào năm 2020, ISS đã kỷ niệm 20 năm con người liên tục có mặt tại đây. Trạm vũ trụ này đang bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, chẳng hạn như nhà vệ sinh bị hỏng và rò rỉ không khí.
Sergei Ryzhikov - một phi hành gia người Nga trở về trái đất từ trạm vũ trụ ISS ngày 17.4 nói rằng không có lý do gì để Nga rời ISS. “Tình trạng của nhà ga khá tốt” - Sergei Ryzhikov bày tỏ trong một cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, nhà du hành vũ trụ này cũng cho biết việc tiếp tục hợp tác sau năm 2024 sẽ phụ thuộc vào việc tình trạng kỹ thuật của trạm.
Khoảng cách giữa các chương trình không gian của Nga và Mỹ đã gia tăng trong vài năm qua. Đầu năm 2021, Nga đã ký thỏa thuận với Trung Quốc để xây dựng một trạm vũ trụ trên mặt trăng, sau khi từ chối kế hoạch quay trở lại mặt trăng của NASA.
Trung Quốc và Nga cũng từ chối ký Hiệp định Artemis - một thỏa thuận do Mỹ ký kết nhằm điều chỉnh các quy tắc khám phá không gian.