Đường Hùng Vương (TP.Tam Kỳ) cho thấy tầm nhìn của các nhà quy hoạch đô thị, sau gần 1/4 thế kỷ đã phát huy tác dụng.
Tôi được mời tham dự Hội nghị phản biện xã hội với dự án hoàn thiện đường Hùng Vương, TP.Tam Kỳ (ngày 27/12/2024). Đường Hùng Vương gắn với tôi nhiều kỷ niệm.
Kỷ niệm hồi tái lập tỉnh
Đó là trong hội nghị tham vấn mở tuyến đường trục chính của TP.Tam Kỳ ( đường Hùng Vương hiện nay), hồi mới tái lập tỉnh, qua quan sát thực địa, chúng tôi thấy tuyến xuyên qua khu vực dân cư quá thưa thớt.
Dù nhu cầu giao thông buổi sơ khai ấy rất thấp nhưng với tầm nhìn tương lai, chúng tôi đã đề xuất ý tưởng lấy chỉ giới đường đỏ toàn tuyến rộng 40m, giải tỏa dân cư đền bù trong chỉ giới đó.
Khi xây dựng đường tùy theo nguồn kinh phí sẽ xây dựng trước từ 2 bên vào lõi bên trong. Dải phân cách trước mắt được trồng cây bóng mát và hoa cỏ, đồng thời là đất dự trữ khi có nhu cầu mở rộng, đáp ứng lưu lượng giao thông tăng cao.
Ý tưởng đó được hội nghị đánh giá cao. Và tuyến Hùng Vương được xây dựng với vỉa hè 6m, 2 làn xe 7,5m mỗi bên và cái lõi bên trong rộng 13m làm dải phân cách, trồng hoa cỏ.
Khi con đường được xây dựng, đưa vào hoạt động, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp đặt tên cho các tuyến đường. Lúc này, tôi đã phát biểu trong hội nghị rằng, hầu như các đô thị đều lấy tên vị vua đã có công dựng nước đặt cho con đường lớn nhất. Tên đường Hùng Vương được nhất trí cao.
Sau gần 1/4 thế kỷ, dân số TP.Tam Kỳ tăng cao, các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của Tam Kỳ và chuỗi đô thị, các khu công nghiêp... đã dẫn đến lưu lượng giao thông tăng nhanh. Nhu cầu mở rộng đường Hùng Vương trở thành cấp thiết. Lúc này mới thấy ý tưởng nhìn xa trông rộng ngày ấy đã đem lại ích lợi cho ngày nay.
Góp ý cho dự án mới
Trước đề xuất thu nhỏ dải phân cách từ 13m xuống 7m để xây dựng thêm mỗi bên một làn xe (mỗi chiều sẽ có 3 làn xe), gồm xe máy, một làn hỗn hợp, một làn xe ô tô, tôi cảm thấy chưa ổn.
Trong bản phản biện gởi đến hội nghị, tôi cho rằng, nếu theo đề xuất này thì Tam Kỳ đang đi lại vết xe đổ của vấn nạn giao thông đô thị Việt Nam. Đấy là do không bố trí các khu vực dành cho giao thông tĩnh nên ô tô mặc sức đậu đỗ trên làn xe máy. Từ đó đường từ 3 làn xe thực sự chỉ còn 2 làn, tình trạng giao thông chật chội, hỗn loạn là không thể tránh khỏi.
Điển hình cho vấn nạn này, tại TP. Đà Nẵng, đường Nguyễn Văn Linh và đường Nguyền Hữu Thọ, dù cả 2 tuyến đều có 3 làn mỗi bên, nhưng ô tô đậu san sát trên làn xe máy, kết quả là giao thông rất hỗn loạn trên làn hỗn hợp.
Tôi đã phản đối giải pháp này và chỉ rõ đường Hùng Vương hoàn toàn có thể giải quyết được nạn trầm kha này. Giải pháp cụ thể là gì?
Muốn thoát ra khỏi vết xe đổ, cần thiết phải xây dựng 4 làn mỗi bên. Đó là làn sát vỉa hè - làn này được tổ chức thành các vịnh đỗ xe xen một số mảng cỏ hoa cho đường phố; 3 làn tiếp theo là làn xe máy và 2 làn xe ô tô.
Với thực trạng của đường Hùng Vương thực tế, chỉ cần cắt 1m vỉa hè và 2m của dải phân cách mỗi bên, giảm dải phân cách từ 7m còn 3m đủ để trồng hoa cỏ.
Với giải pháp này, đường Hùng Vương sẽ trở thành con đường có giao thông êm mượt và ngăn nắp bậc nhất ở các đô thị nhỏ trong cả nước. Theo tôi, đây là giải pháp ưu việt. Cái còn lại là lựa chọn của tỉnh Quảng Nam.
Bất giác tôi nhớ lại câu nói nổi tiếng của kiến trúc sư người Thụy Sĩ Le Corbusier. Ông nói về triết lý của nghề kiến trúc: “Không có kiến trúc sư giỏi, chỉ có khách hàng thông minh”.
Hy vọng rằng tôi lại có thêm kỷ niệm đẹp nữa về đường Hùng Vương của đô thị Tam Kỳ.
Dự án hoàn thiện đường Hùng Vương có tổng chiều dài 5,634km, mặt cắt ngang 40m. Đây là một trong những dự án trọng điểm của TP.Tam Kỳ, tổng mức đầu tư khoảng 450 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh.
Dự án này được kỳ vọng hoàn thiện toàn bộ tuyến đường, bao gồm cả hệ thống thoát nước, vỉa hè, cây xanh và các công trình phụ trợ khác. Dự án sẽ được áp dụng các công nghệ xây dựng hiện đại, đảm bảo chất lượng công trình và tuổi thọ cao.
Sau khi hoàn thành, có thể cải thiện hệ thống giao thông, giảm ùn tắc, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.