Ngậm ngùi kéo một hồi cưa

QUỐC TUẤN 28/05/2023 08:24

Văn Hà - chỉ cái tên thôi đã là một bảo chứng cho sự tài hoa trong nghệ thuật tạo tác từ mộc suốt trăm năm qua. Hồi cưa tiếng bào của người thợ làng vẫn còn vang vọng đâu đó nhưng sao Văn Hà vẫn như thiếu thiếu một chút gì...

Ông Đinh Khá bên cạnh chiếc bàn xoay kỷ niệm do ông Đinh Thạch chế tác, nhà ông không còn ai theo nghề mộc. Ảnh: Q.T
Ông Đinh Khá bên cạnh chiếc bàn xoay kỷ niệm do ông Đinh Thạch chế tác, nhà ông không còn ai theo nghề mộc. Ảnh: Q.T

Làng nghề vắng bóng nghệ nhân

Chúng tôi trở lại miệt đất đồi thôn Phú Văn (xã Tam Thành, Phú Ninh) trong một ngày hè nắng đổ lửa. Không gian ở đây dường như còn im lìm hơn so với trước kia. Chẳng còn tiếng lộc cộc khắc gỗ từ Nghệ nhân ưu tú Đinh Thạch (người trong làng hay gọi là ông Thẩm), bởi ông đã mất chừng hai năm rồi.

Ông Đinh Khá (72 tuổi) - con trai ông Thạch đang lim dim trên võng ngoài hè cười buồn khi có khách hỏi về nghề mộc. “Còn chi nữa mà hỏi. Trong nhà không ai có khiếu nên đành chịu. Mấy đứa cháu nội có theo học được dăm bữa nửa tháng nhưng thấy không ăn thua nên bỏ ngang hết. Từ hồi ông cụ mất thì mấy bộ công cụ chế tác mộc của ông đã đem cho tặng hết rồi, chỉ còn giữ lại một chiếc bàn xoay để làm kỷ niệm trong góc nhà thôi”.

Nghe chuyện, vợ ông Khá cũng nói vọng ra với vẻ mặt tiếc rẻ: “Hồi đó có chỗ nào gọi là ông ba cũng khăn gói ra Bắc vào Nam triển lãm, xúc tiến đủ hết. Ngoài 80 tuổi rồi cũng còn “đứng lớp” ráng truyền nghề cho sắp trẻ theo khóa đào tạo do huyện mở.

Nhưng đâu được mấy tháng cũng giải tán, học viên theo đó tản mác đủ ngả. Cái nhà truyền thống của làng ngay sát bên nhà tôi đây trước xuống cấp mọi người còn hô hào gom góp cải tạo lợp lại mái ngói chứ mấy năm nay bất lực bỏ mặc luôn rồi”. 

Đình truyền thống của làng nghề mà vợ chồng ông Khá đề cập nằm quạnh quẽ ngay bên nhà văn hóa mới của thôn. Trên mái đình ngói đã tơi rục, dưới nền cũng đã lỗ chỗ cỏ mọc. Bước vào trong đình vẫn còn thấy bảng đề thông tin về 3 lần tu bổ vào các năm 1902, 1957, 2005. Nhẩm sơ, niên đại ngôi đình đã đi cùng thăng trầm quê xứ hơn trăm năm… 

Chút ngậm ngùi trước cảnh tượng của ngôi đình khiến chúng tôi liên tưởng đến số phận của làng mộc trứ danh khác ở Quảng Nam là làng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, Hội An). Trong quãng thịnh nhất của nghề, có thể ví von “bắc Kim Bồng, nam Văn Hà” để thấy sự tài hoa của hai làng mộc xứ Quảng.

Nhà truyền thống làng Văn Hà (thôn Phú Văn, xã Tam Thành) có niên đại hơn trăm năm nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Q.T
Nhà truyền thống làng Văn Hà (thôn Phú Văn, xã Tam Thành) có niên đại hơn trăm năm nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Q.T

Dẫu cũng qua thời vàng son nhưng chí ít bao mùa tết đã qua ở làng Kim Bồng vẫn chộn rộn ngày giỗ tổ nghề. Trong ngày thường đâu đó ở từng góc làng vẫn còn vọng lại tiếng bào, tiếng lộc cộc của người thợ điêu khắc.

Và dĩ nhiên là ở đó vẫn còn tọa lạc một mái đình tiền hiền tươm tất cùng khá nhiều thợ giỏi, nghệ nhân. Dù cả hai làng đều nằm ở ngoại ô nhưng việc nằm kề bên đô thị di sản Hội An đã là thuận lợi rất lớn để làng Kim Bồng giữ nghề giữa biến thiên thời gian.

Thống kê sơ bộ từ UBND xã Tam Thành, mỗi năm những người thợ của làng sản xuất gần 300 sản phẩm các loại như nhà kết cấu kèo, trính gỗ, tủ thờ, giường, bàn ghế… với doanh thu bình quân khoảng 2,5 tỷ đồng/năm.

Làng mộc Văn Hà hiện có khoảng 45 thợ mộc, nhưng số người có tay nghề cao rất ít. Số người nắm được bí quyết chế tác chiếc bàn xoay vốn là chỉ dấu thương hiệu của làng cũng chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

Nghệ nhân duy nhất của làng Văn Hà là ông Đinh Thạch đã qua đời. Oái oăm là người ở xã khác sang học nghề thì bây giờ đã là nghệ nhân còn ngay tại làng Văn Hà thì lại chẳng có ai tiếp cận được danh hiệu đó. 

Theo chương trình khuyến công, những năm qua Phòng Kinh tế hạ tầng của huyện Phú Ninh có hỗ trợ một số máy móc như cưa vòng, cưa lọng, cưa mâm nhưng trên thực tế số dụng cụ này chủ yếu cũng nằm chỏng chơ rải rác ở một số xưởng mộc do không tổ chức sản xuất tập trung. Tổ hợp tác sản xuất của làng thành lập từ năm 2013 hiện vẫn còn trên giấy tờ nhưng từ mấy năm rồi đã không còn sự kết nối nào. 

Chút ấn tượng đọng lại để biết rằng chúng tôi vừa rời khỏi “không gian” làng nghề này là mấy chữ “làng văn hóa Văn Hà” đề trên trên cổng làng cùng bảng chỉ dẫn đường vào làng nghề cắm khẽ khàng bên vệ đường.

Sấp ngửa đời làng

Ghé nhà ông Phạm Miên - một thành viên trong tổ hợp tác nghề mộc Văn Hà, ông lẩm nhẩm rồi xua tay nói rằng mình đã dừng bước với nghề mộc hơn 3 năm rồi nên cũng không màng đến nghề nữa. Miệng thì nói vậy nhưng khi chúng tôi gợi lại một thời đã qua dường như trong ánh mắt của người đàn ông đã ngoài 50 tuổi này vẫn còn chút gì đau đáu.

Lục tục kê ghế gỡ tấm bảng công nhận làng nghề của UBND tỉnh năm 2013 rồi với tay lấy chiếc lồng đèn gỗ từng đoạt giải cao trong cuộc thi quà tặng sản phẩm du lịch Quảng Nam năm 2015, ông Miên nói rằng vẫn còn một số bằng khen, chứng nhận của làng nghề mộc cũng như tổ hợp tác nhưng đã lưu lạc đôi ngả. 

Ông Phạm Miên đã giã từ nghề mộc 3 năm nay ngồi kể chuyện bên những dấu ấn một thời vàng son với nghề. Ảnh: Q.T
Ông Phạm Miên đã giã từ nghề mộc 3 năm nay ngồi kể chuyện bên những dấu ấn một thời vàng son với nghề. Ảnh: Q.T

“Đó là khoảng thời gian rực rỡ của làng nghề, gọi đó là thời hoàng kim cũng được. Có đận, chỉ trong vòng một tháng anh em nhận 3 đơn đặt hàng thiết kế chiếc bàn xoay giá trị lên đến cả trăm triệu đồng. Có lúc người ta đặt bàn xoay cấp tốc trong 2 ngày phải có nhưng phường thợ vẫn lo liệu xong. Sản phẩm xuất đi Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Sài Gòn đủ cả.

Tổ hợp tác vận hành trơn tru trong mấy năm đầu, đến giai đoạn 2017 - 2018 vẫn còn ổn nhưng rồi vì nhiều lý do mà dần suy thoái và mạnh ai nấy làm” - ông Miên hồi tưởng. Trên tay ông Miên vẫn đang vân vê bằng khen và chiếc đèn gỗ đều lấm tấm bụi, một lớp bụi nhuốm màu buồn tẻ của thời gian.

Một hồi, ông Miên kể thêm: “Thợ ở đây họ chỉ biết cặm cụi làm thôi chứ không sành về tiếp thị đôi khi cũng là thiệt thòi. Không chỉ Văn Hà, thợ mộc lành nghề rải rác ở các thôn khác trên địa bàn Tam Thành rất nhiều.

Ngày trước do làng Văn Hà có chút tiếng tăm sẵn rồi nên phần lớn thợ ở thôn khác nhập luôn vào đội thợ Văn Hà đi khắp nơi tạo tác những công trình. Họ cứ thế thầm lặng làm việc qua ngày, bây giờ đảm bảo vẫn còn rất nhiều người giỏi ở các thôn. Như lúc tôi quyết định nghỉ, anh em thợ theo làm cũng có chút chật vật nhưng rồi họ cũng sớm tìm được chỗ để tiếp tục nương theo nghề vì có chuyên môn tốt”.

Thị trường hàng mộc bị sản phẩm công nghiệp cạnh tranh khốc liệt một phần đã đành nhưng dường như mấu chốt khiến làng nghề Văn Hà càng thêm trầm lắng nằm ở việc tập hợp phường thợ. Nhưng chuyện này nghe chừng người có nghề lẫn cơ quan chức năng cũng đều lấp lửng không có lối ra.

Ông Phạm Ngọc Tòng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Thành cho rằng: “Thực ra nói là nghề mộc Văn Hà mai một thì cũng không đúng hẳn. Một số tốp thợ ở đây vẫn thường xuyên nhận công trình nhà gỗ, nhà rường, nhà trưng bày… ở ngoại tỉnh để làm nên thợ của làng không thiếu việc. Có điều họ đã cải tiến một phần kỹ năng nghề so với lớp cha ông để thích ứng với nhu cầu thị trường.

Trong năm nay xã cố gắng phối hợp với các ngành của huyện xúc tiến trùng tu nhà truyền thống của thôn Phú Văn để làm không gian trưng bày cho tất cả sản phẩm của làng mộc Văn Hà. Trong quy hoạch, xã vẫn bố trí quỹ đất để hình thành nhà xưởng tập trung trong thời điểm thuận lợi”. 

Vậy là bóng dáng những người thợ tài hoa của làng vẫn hiện diện và hành nghề đâu đó khắp quê xứ. Phần lớn trong số họ vẫn ổn, thậm chí có cơ hội phất lên nhờ đi một mình. Nhưng để níu giữ được chỉ dấu Văn Hà tồn tại cùng bóng thời gian có lẽ tất cả phải đi cùng nhau…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngậm ngùi kéo một hồi cưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO