Ngậm ngùi trước gươl...

ĐĂNG NGUYÊN 24/11/2018 03:14

Gươl đã dần bị bê tông hóa, tôn hóa ở nhiều bản làng Cơ Tu. Nhiều người có tâm huyết với văn hóa truyền thống bày tỏ niềm tiếc nuối, trăn trở với số phận của gươl…

Gươl làng Gừng sau khi đã được “cách tân”. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Gươl làng Gừng sau khi đã được “cách tân”. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

“Nâng cấp” gươl

Hẳn không phải là chuyện mới mẻ về gươl, sau những năm dài nỗ lực bảo tồn. Từ nghị quyết của Đảng, của chính quyền các huyện miền núi, gươl đã dần được phục dựng chừng đâu hơn chục năm trở lại đây. Nhưng, niềm vui chưa được bao lâu, ở rải rác một số làng người Cơ Tu, gươl đang dần bị bê tông hóa, khiến nhiều người tiếc nuối.

Từng được đánh giá mang vẻ đẹp độc đáo với kiến trúc đậm nét truyền thống, gươl làng Gừng (thị trấn P’rao, huyện Đông Giang) luôn nằm trong “top đầu” những ngôi gươl của cộng đồng Cơ Tu vùng Trường Sơn. Vì thế, nhiều người không còn lạ lẫm khi chứng kiến không gian gươl làng Gừng trở thành biểu tượng của vùng cao trong nhiều tác phẩm nghệ thuật nhiếp ảnh những năm gần đây. Bên cạnh kiến trúc mái được làm từ vật liệu lá cọ, lá mây, không gian gươl cũng được thiết kế theo lối truyền thống đặc trưng của đồng bào vùng cao. Đặc biệt, cầu thang đi lên gươl được đục bằng nguyên khối gỗ tròn, nhìn rất lạ và đẹp mắt. Tuy nhiên, mới đây, kiến trúc gươl độc đáo bậc nhất miền Trung này đã bị “nâng cấp” mái tôn và bê tông hóa phần cầu thang.

Mới đây, trong chuyến trở lại Đông Giang, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến hình ảnh gươl ở làng Gừng đã bị bê tông hóa. Trên trang facebook cá nhân, anh đối chiếu hình ảnh gươl trước đây và sau khi đã bị bê tông hóa với dòng tâm sự đầy tiếc nuối. “Nhìn gươl bị tháo dỡ cầu thang để bê tông hóa, mái được lợp tôn thay cho những mái lá truyền thống mà thấy buồn. Hỏi thăm già làng và đồng bào, họ nói Nhà nước không cho làm cầu thang gỗ nữa, vì như thế là phá rừng. Bê tông hóa để khỏi phải tốn kém, khỏi phải sửa chữa nên dù có đau xót, có dù muốn làm lại cầu thang gỗ như trước đây nhưng không thể làm được” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Trọng Khang chia sẻ. Thông tin của Lê Trọng Khang thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là các nhà nhiếp ảnh, các chuyên gia làm công tác văn hóa. Ai cũng bảo, bê tông hóa như thế, bên cạnh làm mất đi giá trị kiến trúc vốn có, còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác bảo tồn văn hóa đồng bào miền núi. “Sau này, rất khó để tìm lại được kiến trúc gươl độc đáo như ở làng Gừng” - anh Khang ngậm ngùi.

Chấp nhận xu thế?

Gươl ở làng Gừng không phải là trường hợp cá biệt bị “cách tân” theo lối hiện đại. Trước đây, nhiều gươl ở xã Ba (huyện Đông Giang) hay tại thôn A Bhlố 1 của xã A Vương (huyện Tây Giang)… cũng đã được thay thế mái lá bằng tôn và bê tông hóa cầu thang. Riêng tại làng Pà Nai 1 (xã Tà Lu, Đông Giang), đồng bào chấp nhận bỏ gươl để dựng lên đó một nhà sinh hoạt cộng đồng bằng bê tông cốt thép. Ở làng Rô (xã Cà Dy, Nam Giang), gươl được xây kết hợp nhà phòng tránh thiên tai bằng bê tông vĩnh cửu. Dường như, đồng bào chấp nhận với việc “bê tông hóa” gươl làng, khi nguyên vật liệu để dựng gươl ngày càng khan hiếm, nhất là sau chủ trương “đóng cửa rừng” của Nhà nước.

Ở nhiều gươl làng của đồng bào Cơ Tu, tình trạng tôn hóa đã không còn là cảnh hiếm gặp trong những năm gần đây. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Ở nhiều gươl làng của đồng bào Cơ Tu, tình trạng tôn hóa đã không còn là cảnh hiếm gặp trong những năm gần đây. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Như ở làng Gừng, trước khi gươl được dỡ bỏ vật liệu cũ để “bê tông hóa”, chính quyền địa phương cũng đã có một cuộc họp bàn để ghi nhận ý kiến của cộng đồng. Một người dân trong làng cho hay, lúc đầu khi nghe thông tin về việc sẽ thay thế phần mái và cầu thang gươl bằng bê tông, nhiều người đã không đồng tình. Nhưng sau đó, nhận thấy khó khăn từ thực tế trong việc tìm kiếm vật liệu thay thế nên đành ngậm ngùi chấp nhận. Ít ngày sau, gươl lần lượt được tháo dỡ, từ mái lá, phên tre, cho đến cầu thang gỗ để thay thế vật liệu bằng tôn, bê tông một cách hiện đại. “Dân làng chúng tôi cũng không muốn thế này đâu. Nhưng chừ Nhà nước không cho vào rừng kiếm gỗ nữa, không bê tông thì gươl cũng sẽ tự mục, rồi hư hỏng thôi. Mà lợp tôn, mùa nắng thì nóng bức, nên người đến gươl cũng sẽ ít dần” - một người dân cho hay.

Từ thực tế khó khăn trong việc thay thế nguyên liệu cho gươl, mới đây, UBND huyện Đông Giang đã có đề xuất bê tông hóa nhà sinh hoạt cộng đồng tại các khu dân cư theo mô hình gươl. Theo ông Hồ Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, đề xuất này nhằm kiên cố hóa gươl trong điều kiện ngày càng khan hiếm nguyên vật liệu tự nhiên. “Tuy nhiên, chủ trương này huyện đã cho tạm dừng do việc sáp nhập dân cư, cũng như vị trí mặt bằng chưa hoàn tất và phù hợp. Nguồn vốn này, hiện cũng được chuyển sang để triển khai nhu cầu khác cần thiết hơn” - ông Minh nói.

ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngậm ngùi trước gươl...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO