Cách TP.Đà Lạt 50km về phía nam và cách thị trấn Liên Nghĩa – huyện Đức Trọng 20km, thác Pongour còn có tên gọi khác là thác Bảy tầng hay thác Thiên Thai. Nhưng cái tên Ponguor vẫn thường được dùng nhiều hơn cả. Tên thác Pongour được cho là xuất phát từ ngôn ngữ K’Ho (Pon: bốn, Gour: sừng – có nghĩa là bốn sừng tê giác). Giả thuyết này lấy từ một truyện cổ trong kho tàng truyện cổ của các dân tộc thiểu số bản địa nơi đây. Truyện kể về một người tù trưởng dân tộc K’Ho – nàng Ka Nai xinh đẹp có tài chinh phục, sai khiến thú rừng… Sau khi đánh thắng quân Chàm lên xâm chiếm, nàng đã cùng bốn con tê giác ngày đêm ủi núi san đồi, lập nên một “Vương quốc thủy chung” hùng mạnh cho bộ tộc mình. Thác Pongour tương truyền là dấu sừng của bốn con tê giác và dòng thác là suối tóc xanh của nàng Ka Nai để lại khi nàng yên giấc ngàn thu.
thác Pongour. Ảnh: Đ.B.N |
Cao gần 40m, hai bên là vách đá thẳng đứng, bề mặt thác trải rộng hơn 100m, thác Pongour chảy qua nhiều tầng với độ cao khác nhau. Nơi dồn dập tuôn đổ, nơi hiền hòa tràn qua các bậc đá thoai thoải. Về mùa mưa, nước chảy xiết đổ qua các tầng đá tung bụi nước trắng xóa tạo nên một làn sương mỏng, trông xa thác giống như một chiếc áo choàng của nàng tiên nữ bỏ quên giữa chốn thiên thai.
Phong cảnh xung quanh thác mang lại cho du khách cảm giác hoang dã. Vào mùa khô ở Tây Nguyên (khoảng tháng 11, 12), thác nước gần như ngập chìm trong màu sắc rực rỡ của hoa cỏ núi rừng, đặc biệt là màu vàng rực rỡ của hoa dã quỳ. Thác Pongour là ngọn thác nổi tiếng bởi vẻ đẹp mơ màng, hùng vĩ của Nam Tây Nguyên. Nơi đây chính là một trong những khu rừng mà vào thời đang tại vị, vua Bảo Đại thường chọn để tổ chức đi săn bắn và câu cá. Trên đỉnh thác vua cho dựng cả nhà chòi dừng chân, nay vẫn còn lưu vết tích.
Hàng năm cứ vào dịp ngày rằm tháng giêng âm lịch, đồng bào dân tộc K’Ho trong vùng vẫn hội tụ về đây tổ chức lễ cúng Yàng thác và vui chơi. Về sau có thêm đồng bào Thái cũng chọn thác Pongour làm điểm đến trẩy hội. Hội thác Pongour ngày càng thu hút được sự tham gia của nhân dân các dân tộc trong vùng và du khách thập phương với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên. Trong dịp rằm tháng giêng năm nay (2016) đã có hơn 1.000 lượt khách về trẩy hội thác Pongour.
ĐOÀN BÍCH NGỌ