Ngăn cản trái phép việc khai thác gỗ rừng trồng

VĂN HÀO 26/12/2013 08:34

Việc khai thác gỗ rừng trồng trong những diện tích được cấp phép tại tiểu khu 579 thuộc dự án 661 (xã Tam Lộc, Phú Ninh) bị một số người dân thôn 2 của xã gây cản trở và chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”.

Ngày 14.12, BĐBP tỉnh phát hiện một số người dân thôn 3 (xã Tam Lộc) khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 579 thuộc Dự án 661. Ảnh:  VĂN HÀO
Ngày 14.12, BĐBP tỉnh phát hiện một số người dân thôn 3 (xã Tam Lộc) khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 579 thuộc Dự án 661. Ảnh: VĂN HÀO

Tháng 9.2011, Sở NN&PTNT cấp giấy phép cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh khai thác rừng trồng Dự án 661 đến tuổi khai thác tại một số lô thuộc khoảnh I; II; III của tiểu khu 579. Ngày 15.11.2011, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh ký kết Hợp đồng kinh tế số 02/HĐ-KT-BCHBP với ông Nguyễn Cườm (trú thôn 1, xã Tam Lộc, Phú Ninh) về việc khai thác, vận chuyển và bao tiêu với phương thức khoán trọn gói đối với cây keo lai hom và keo lá tràm tại khu vực trên với tổng diện tích thiết kế 54ha; trị giá là 900 triệu đồng. Tuy nhiên, khi ông Cườm khai thác mới được 4ha (thu được khoảng 60 triệu đồng) thì bị gián đoạn. Bởi thời điểm này (tháng 2.2012) có 22 hộ dân thôn 2 xã Tam Lộc tự ý vào lấn chiếm đất đã khai thác keo để trồng lại keo non trái phép trong khu vực đất của BĐBP đang quản lý, sử dụng. Trước tình hình trên, tháng 5.2012, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã đề nghị ông Nguyễn Cườm tạm dừng khai thác rừng trồng tại tiểu khu 579 để cơ quan chức năng tập trung giải quyết vướng mắc với một số hộ dân địa phương. Đầu tháng 7.2013, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cho phép ông Cườm được khai thác trở lại. Lúc này việc vận chuyển keo gỗ tiếp tục bị một số người dân ngăn cản, không cho xe vào. Việc khai thác rừng trồng bị tạm dừng lần 2 và kéo dài từ đó đến nay.

Việc ngăn cản của người dân xuất phát từ tranh chấp đất rừng nằm trong Dự án 661. Tại buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.2013, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã có kết luận khẳng định, các hộ dân nói trên lấn chiếm đất trái phép, vì đây là đất đã được UBND tỉnh giao cho Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh theo Quyết định số 2423/QĐ-UB ngày 10.8.1999. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng hỗ trợ 100% tiền giống, cây trồng cho các hộ dân để “rút” khỏi đất của BĐBP nhưng nhiều hộ không đồng ý với lý do rằng BĐBP sử dụng không hiệu quả diện tích đất này… Trước đó, vào thời điểm năm 1999, có 5 hộ của thôn 2 Tam Lộc trồng 21,74ha rừng trong khu vực Trại sản xuất của BĐBP. Hiện nay có 11,02ha gỗ keo trong độ tuổi khai thác và 10,72ha chưa đến tuổi khai thác. Đã có 2 hộ khai thác xong và  bàn giao đất lại cho BĐBP. Còn đối với cây chưa đến độ tuổi khai thác, BĐBP tỉnh có kế hoạch hỗ trợ lại tiền cây giống, công trồng, công chăm sóc với tổng số tiền là gần 163 triệu đồng nhưng một số hộ không chịu bàn giao đất vì cho rằng chế độ đền bù không hợp lý.

Ông Nguyễn Hơn - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lộc cho biết: “Địa phương đã nhiều lần mở cuộc họp dân để tuyên truyền, vận động người dân thôn 2 không được tự ý xâm lấn đất trồng rừng trên đất tại Trại sản xuất BĐBP tỉnh. Đồng thời phân tích việc làm của các hộ dân này đã vi phạm Luật Đất đai năm 2003 nhưng một số hộ vẫn không thay đổi nhận thức”. Ngày 19.12, Đại tá Lê Hữu Xuân - Phó Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh cho biết đơn vị tiếp tục phối hợp với chính quyền sở tại để vận động người dân đồng thuận trả lại đất. “Một khi vấn đề này được giải quyết rốt ráo, người dân không còn cản trở thì ông Cườm mới có thể khai thác keo gỗ trở lại theo hợp đồng. Chúng tôi sẽ tập trung giải quyết mọi vấn đề sao cho thấu tình đạt lý nhất” - Đại tá Xuân nói.

VĂN HÀO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngăn cản trái phép việc khai thác gỗ rừng trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO