(QNO) - Lần đầu tiên, khoảng 220 tạp chí y học trên thế giới cùng xuất bản một bài xã luận kêu gọi các chính phủ hành động khẩn cấp ngăn chặn biến đổi khí hậu, bảo vệ sức khỏe toàn cầu.
Bài xã luận được viết bởi 10 tổng biên tập của các tạp chí y học nổi tiếng thế giới, bao gồm The Lancet, tạp chí y khoa Vương quốc Anh, Tạp chí Điều dưỡng quốc tế, phản ánh mức độ nghiêm trọng của tình hình và cảnh báo tác hại môi trường là mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng toàn cầu.
Bài xã luận được xuất bản ngay trước thềm cuộc họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc diễn ra trong tháng 9 này và hội nghị thượng đỉnh của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP-26) diễn ra tại Scotland vào tháng 11 tới.
Theo bài xã luận, khoa học đã chứng minh nhiệt độ trái đất tăng trên 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp và việc tiếp tục mất đa dạng sinh học có nguy cơ gây tác hại thảm khốc đối với sức khỏe không thể đảo ngược, một tình trạng mà các chuyên gia y tế chú ý trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Ví như trong vòng 20 năm qua, tỷ lệ tử vong liên quan đến nắng nóng ở những người trên 65 tuổi tăng hơn 50%. Nhiệt độ cao hơn làm tăng số lượng bệnh nhân mắc ung thư da, bệnh nhiễm trùng nhiệt đới, kết quả xấu về sức khỏe tâm thần, bệnh tim mạch, phổi…
Đồng thời, sự tàn phá rộng rãi của thiên nhiên, bao gồm cả môi trường sống và các loài sinh vật, đang làm xói mòn nguồn nước và an ninh lương thực, làm tăng khả năng xảy ra đại dịch.
Tương tự, dự báo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc, vào khoảng năm 2030, hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể lên tới +1,5°C so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp tác động. Vì thế, thảm họa khí hậu ngày một khắc nghiệt hơn.
Các tác giả bài xã luận cho biết, bất chấp mối quan tâm cần thiết của thế giới về đại dịch Covid-19, chúng ta không thể đợi đại dịch qua đi để giảm nhanh lượng khí nhà kính. Biến đổi khí hậu gây tổn thương sức khỏe nhân loại đến mức không thể trì hoãn hành động khẩn cấp để ngăn chặn.
Các chính phủ phải thực hiện nhiều cam kết hơn nữa, hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn suy thoái môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, các quốc gia giàu có hơn phải hành động nhanh hơn, nhiều hơn nữa để hỗ trợ những quốc gia đang gánh chịu nhiều tổn thương nhất do biến đổi khí hậu.
Mọi quốc gia phải theo đuổi một mục tiêu đầy tham vọng là hạn chế phát thải khí nhà kính để giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C, đồng thời phải hành động chống lại sự mất mát đa dạng sinh học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phục hồi xanh...