Ngăn chặn dịch bệnh trên đồng ruộng

TƯ RUỘNG 06/02/2018 10:07

Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Đại Lộc cho biết, vụ đông xuân 2017 - 2018 nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 4.200ha lúa. Qua kiểm tra thực tế trên đồng ruộng cho thấy, thời điểm này chuột đã xuất hiện và gây hại rải rác tại nhiều địa phương với tổng diện tích bị cắn phá không dưới 40ha lúa, trong đó Đại Hiệp, Đại Chánh, Đại Quang là 3 xã trọng điểm. Ông Thanh nói thêm: “Ngoài việc chuột bùng phát, hiện trên nhiều xứ đồng của huyện cũng đã xuất hiện bệnh tuyến trùng rễ. Chúng tôi đã cắt cử nhiều cán bộ kỹ thuật về các địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình và tích cực hỗ trợ, hướng dẫn nhà nông những biện pháp phòng trừ hữu hiệu”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Chánh Thiện – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Điện Bàn cho hay, ngoài chuột là đối tượng chính gây hại rải rác từ đầu vụ đến nay thì hiện một số nơi của Điện Bàn cũng đã xuất hiện vết bệnh đạo ôn lá cấp tính trên những chân ruộng sử dụng các loại giống lúa thuần như BC15, OM4900, Xi23… Đáng lo hơn, theo dự báo của cơ quan chuyên môn, từ ngày 5 - 15.2 sẽ xuất hiện rộ một đợt muỗi năn và chắc chắn sâu năn non đợt này sẽ gây hại trên lúa chính vụ. Ông Thiện nói: “Đối với sâu năn, ở những vùng xác định có khả năng muỗi năn ra nhiều thì sau khi muỗi ra rộ từ 3 - 5 ngày có thể dùng các loại thuốc nội hấp, lưu dẫn như Padan 95SP, Filia 525SE, Regent 5SC… để phun trừ hoặc rải nhằm không cho bệnh lây lan diện rộng. Còn đối với bệnh đạo ôn lá, nhà nông phải theo dõi, kiểm tra ruộng lúa thường xuyên và khi bệnh vừa chớm xuất hiện thì dùng thuốc Fuji-one 40WP để phun trừ. Riêng đối với các xã, phường ở vùng cát, nông dân hạn chế việc bón thừa đạm cho ruộng lúa vào thời điểm trước tết”.

Ngoài những đối tượng dịch hại nêu trên, từ nay đến sau Tết Nguyên đán nông dân cũng cần phải cảnh giác với ốc bươu vàng, rầy lưng trắng, bệnh lùn sọc đen trên lúa. Theo bà Nguyễn Thị Sương - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, hiện nay ốc bươu vàng gây hại trên lúa đại trà và sẽ tiếp tục xuất hiện trên lúa sạ muộn trong thời gian tới. Để hạn chế ốc phát sinh gây hại, tốt nhất nhà nông nên áp dụng biện pháp thủ công là diệt ổ trứng, nhặt và vợt bắt ốc trên ruộng, mương nước rồi tiêu diệt. Khi mật độ cao có thể dùng một số loại thuốc đặc hiệu để phun trừ. Đối với rầy lưng trắng và bệnh lùn sọc đen, cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng nhằm kịp thời phát hiện sự phát sinh của 2 đối tượng dịch hại này. Nếu phát hiện ruộng có rầy lưng trắng và cây lúa có triệu chứng bệnh thì báo ngay về Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật để đơn vị kiểm tra, thu mẫu gửi đi giám định. Khi có kết quả giám định và xác định đã có bệnh xuất hiện, các địa phương cần khuyến cáo người dân nhổ vùi cây lúa bị bệnh, cấy dặm bằng cây lúa khỏe. Đồng thời, phun thuốc trừ rầy trên ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh, nếu rầy tuổi nhỏ thì ưu tiên sử dụng thuốc trừ rầy thuộc nhóm chống lột xác… Bà Sương lưu ý thêm: “Nông dân cần tập trung tỉa dặm và bón thúc phân kịp thời để giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt, chú ý bón đủ và cân đối phân N-P-K. Cùng với đó, áp dụng biện pháp tưới nước ướt - khô xen kẽ trong giai đoạn lúa đẻ nhánh. Trong trường hợp những ruộng lúa bị ngộ độc thuốc trừ cỏ, cụ thể là gốc to hơn bình thường, cây đùn lại, lá thô cứng và ngọn bị xoắn hoặc những ruộng bị ngộ độc hữu cơ, nghẹt rễ - vàng sinh lý thì cần thay nước từ 1 - 2 lần, sau đó bón bổ sung thêm phân DAP với liều lượng 1 - 2kg/sào và phun phân qua lá để lúa mau hồi phục”.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngăn chặn dịch bệnh trên đồng ruộng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO