Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả vừa được UBND tỉnh ban hành là cơ sở để ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019.
Cục Quản lý thị trường Quảng Nam xử lý một vụ vận chuyển, kinh doanh hàng giả. Ảnh: QUANG VIỆT |
Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang gây bức xúc trong xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân cũng như quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Thời điểm cuối năm, các sản phẩm kính đeo mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ được bày bán la liệt khắp các tuyến đường nội thị và nông thôn với giá từ vài chục nghìn đồng đến vài trăm nghìn đồng. Mặc dù biết là hàng giả, hàng nhái nhưng nhiều người vẫn bán vì thu lợi lớn, ít tốn công. Các sản phẩm nồi, chảo, chăn, nệm của Trung Quốc được nhiều đối tượng nhái các sản phẩm nổi tiếng của Hàn Quốc, Việt Nam công khai bày bán.
Trong năm qua, Cục Quản lý thị trường Quảng Nam đã xử phạt hành chính gần 400 triệu đồng sau khi tiến hành hơn 1.000 vụ thanh tra ở 243 cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc 18 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh. Nhiều hàng lậu, hàng giả đã được ngành chức năng tịch thu, xử lý gồm rượu, thuốc lá, đường, bột màu, hạt nêm, cà phê, kem, sữa.
Theo nhận định của Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, trong thời gian qua, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Nhiều đối tượng đã sử dụng các thủ đoạn tinh vi, chống đối manh động khi bị phát hiện, kiểm tra, xử phạt. Trong khi đó, địa hình phức tạp gồm đồi núi, sông suối, biển, hải đảo nên các đối tượng xấu đã lợi dụng vận chuyển, tuồn ra thị trường. Nhiều hàng hóa rất dễ làm giả nhãn mác, bao bì nên người tiêu dùng khó phân biệt khi sử dụng, hậu quả rất khó lường, nhất là thực phẩm đầu độc sức khỏe. Nhiều hàng giả mạo về giá trị sử dụng, công dụng hoặc đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để qua mắt người tiêu dùng.
Ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, đang phối hợp với các sở, ngành liên quan để tăng cường kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, nhất là thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu. Theo đó, đẩy mạnh rà soát các hoạt động cấp phép sản xuất, kiểm tra việc chấp hành tiêu chuẩn, đăng ký chất lượng sản phẩm để phát hiện, xử lý nghiêm thủ đoạn gian lận về đo lường, đóng gói nhằm tăng giá, thu lợi bất chính. Đồng thời phối hợp với các địa phương nắm chắc tình hình địa bàn, tuyến trọng điểm, đối tượng chủ mưu để triệt phá tận gốc các đường dây, đối tượng vận chuyển, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn nhận định, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp hơn trong dịp Tết Kỷ Hợi, tác động xấu đến thị trường nói riêng, kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. An ninh trật tự, an toàn xã hội theo đó bị đe dọa. Bởi vậy, các ngành chức năng của tỉnh cần phối hợp chặt chẽ, đấu tranh, không để xảy ra điểm nóng về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán chân chính. Công tác thanh tra, kiểm tra phải được thực hiện liên tục, hiệu quả để ổn định thị trường. Các cơ quan, địa phương cần xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện, tăng cường kiểm soát mặt hàng ma túy, vũ khí, pháo nổ, ngoại tệ, xăng dầu, đồ chơi trẻ em, thực phẩm thiết yếu. Các lực lượng quản lý thị trường, công an, biên phòng, cảnh sát biển, quản lý chất lượng nông sản, quản lý an toàn thực phẩm cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng chống, tố giác tội phạm sản xuất, vận chuyển, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng lậu, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
VIỆT NGUYỄN