Thời gian qua, nhiều đối tượng đã lợi dụng khu vực lòng hồ thủy điện, lòng sông để vận chuyển gỗ trái phép. Trước tình hình trên, Phòng Cảnh sát đường thủy (Công an tỉnh Quảng Nam) đã xây dựng kế hoạch, cử cán bộ nắm địa bàn, kịp thời xử lý, ngăn chặn các đối tượng vận chuyển gỗ lậu về xuôi.
Thời gian gần đây, lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 (huyện Tiên Phước, Hiệp Đức) trở thành “điểm nóng” vận chuyển gỗ trái phép. Nhiều đối tượng thường lợi dụng đêm khuya hoặc những ngày nghỉ để vận chuyển gỗ trái phép trên lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 về các điểm tập kết rồi chở gỗ đi tiêu thụ.
Mới đây, vào khoảng 16 giờ ngày 2.3 lực lượng Cảnh sát đường thủy phát hiện 11 phách gỗ bị dìm dưới lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 thuộc địa phận thôn 4 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước).
Tiếp đó, đêm 2.3 và chiều 3.3, lực lượng chức năng lần lượt phát hiện 2 vụ dìm gỗ lậu xuống khu vực lòng hồ tại suối Chuồng Bò và khu vực Đồi Lim cũ (thôn Hạ Sơn, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức). Sau khi phát hiện số gỗ trên, lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ hiện trường và trục vớt thành công với tổng 28 phách gỗ (6m3) chưa rõ chủng loại.
Thượng tá Mai Xuân Sang - Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy Công an Quảng Nam cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, Phòng Cảnh sát đường thủy đã phát hiện, bắt giữ 11 vụ vận chuyển gỗ lậu trên sông và lòng hồ, chủ yếu trên các tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Trường (Hiệp Đức), lòng hồ thủy điện Sông Tranh 3 (các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức).
Các đối tượng hoạt động khai thác, vận chuyển gỗ lậu trái phép trên đường thủy rất tinh vi và có cảnh giới cẩn thận. Để qua mắt lực lượng chức năng, khi gỗ được được ra khỏi rừng, các đối tượng sẽ dìm xuống nước giấu đi, lợi dụng những lúc trời tối hoặc thời tiết bất lợi cho việc tuần tra trên lòng hồ của cơ quan chức năng thì các đối tượng cột gỗ vào 2 bên mạn thuyền đưa đi.
Ngoài ra các đối tượng thường thả gỗ rải rác ở nhiều địa điểm khác nhau và đánh dấu, sau đó vận chuyển gỗ ở từng điểm. Khi bị lực lượng chức năng phát hiện, các đối tượng sẽ chặt dây cho gỗ chìm xuống sông rồi tẩu thoát. Thời gian qua mặc dù lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuần tra mật phục, ngăn chặn, răn đe các đối tượng, nhưng vì lợi nhuận, nhiều cá nhân vẫn bất chấp pháp luật, lợi dụng địa hình sông phức tạp chuyển gỗ khai thác trái phép về xuôi.
“Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường đấu tranh mạnh với hoạt động của tội phạm trên lĩnh vực này, không để cho các đối tượng vận chuyển gỗ lậu bằng đường sông về xuôi” - Thượng tá Mai Xuân Sang nhấn mạnh.