Ngăn chặn thất thoát cát sỏi

TRẦN HỮU 07/07/2017 09:19

Hôm qua (6.7), Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành, địa phương về triển khai các biện pháp nhằm tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát sỏi. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì. Câu chuyện làm thế nào để quy hoạch, quản lý loại tài nguyên khoáng sản không thể tái tạo, một lần nữa được xới lên ở bình diện quốc gia.

  • Lòng sông tạm lắng
  • Bắt giữ hai tàu cát "khủng" trên sông Thu Bồn
  • Giá cát xây dựng tăng đột biến
  • Bắt giữ tàu hút cát trái phép
  • Bắt giữ hai ghe hút cát lậu trên sông Thu Bồn
  • Lại bắt giữ nhiều tàu hút cát lậu trên sông Thu Bồn
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan.

Tạm dừng nạo vét

Tuy không xếp vào loại khoáng sản quý hiếm, song cát sỏi được xem là loại hàng hóa không thể thiếu trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Giá cát sỏi biến động mỗi ngày phụ thuộc vào từng cơ chế chính sách, quy hoạch của từng địa phương. Loại vật liệu xây dựng thông thường này đóng góp không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội nhưng do thiếu tầm nhìn quy hoạch, buông lỏng quản lý nên trong quá trình khai thác đã phát sinh nhiều hệ lụy về môi trường, đe dọa phát triển bền vững. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cảnh báo, với thực trạng khai thác cát bừa bãi như thời gian qua thì nguồn tài nguyên này ở nước ta sẽ sớm cạn kiệt. Hệ lụy nhãn tiền là xói lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến các công trình ven bờ, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân. Nhiều vụ khai thác cát lậu đình đám trên sông Hồng, sông Mã, sông Lam, sông Hiếu, sông Trà Khúc, sông Hương, sông Đồng Nai, sông Sài Gòn, sông Tiền, sông Hậu... được “điểm danh” đã gióng lên hồi chuông báo động.

Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan.
Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp với các sở, ngành liên quan.

Tại Quảng Nam, mấy năm gần đây sông Vu Gia - Thu Bồn không một ngày bình yên bởi tình trạng khai thác cát trái phép. Theo các nhà khoa học, xói lở bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) có nguyên nhân từ sự thiếu hụt nguồn cát ở phía thượng nguồn. Theo Sở Tài nguyên - môi trường, để phục vụ cho khơi thông dòng chảy, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh có 7 dự án nạo vét luồng lạch cửa sông, cửa biển, trong đó có nạo vét sông Trường Giang đoạn qua cảng Tam Hiệp, cảng Kỳ Hà; nạo vét sông Cổ Cò; khơi thông luồng lạch biển Cửa Đại. Tuy nhiên, các dự án hiện đã tạm dừng hoạt động theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Tại hội nghị trực tuyến, đại diện Bộ GTVT cho rằng, đã yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với hầu hết dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, luồng đường thủy nội địa tận thu sản phẩm cát để bổ sung, hoàn thiện thủ tục theo quy định của pháp luật. Đến hết năm 2016, có 90 dự án nạo vét, khơi thông luồng hàng hải, đường thủy nội địa có tận thu sản phẩm cát được Bộ GTVT cấp phép. Riêng trên địa bàn tỉnh có dự án khơi thông lớn ở Tam Hải (Núi Thành) và sông Cổ Cò, doanh nghiệp đang lập thủ tục đầu tư.

Thông điệp rõ ràng

Tính đến tháng 5.2017, cả nước có 824 mỏ cát, sỏi được cấp phép. Các cơ quan có thẩm quyền đã cấp hơn 500 giấy phép bến bãi kinh doanh, tập kết, trung chuyển cát, hàng trăm bến bãi hoạt động tự phát. Theo Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, sau gần một năm thực hiện kế hoạch đấu tranh chống cát lậu, lực lượng công an các cấp của cả nước phát hiện, xử lý hơn 4.300 vụ, bắt giữ gần 3.000 đối tượng và tịch thu hơn 1.000 phương tiện vi phạm. Riêng tại Quảng Nam, có 29 doanh nghiệp được UBND tỉnh cấp tổng cộng 35 giấy phép khai thác cát sỏi với trữ lượng 6,3 triệu mét khối, tổng công suất khai thác bình quân mỗi năm là 1,4 triệu mét khối, hầu hết tập trung trên tuyến sông Vu Gia - Thu Bồn. Từ đầu năm đến nay, Công an tỉnh và các địa phương đã phát hiện 26 vụ khai thác cát sỏi trái phép, với tổng số tiền xử phạt hơn 1 tỷ đồng.

Là địa phương dẫn đầu về bến bãi tập kết cát và phương tiện tàu thuyền vận chuyển cát, thị xã Điện Bàn đang ráo riết xử lý các trường hợp vi phạm. Bốn bến bãi tập kết cát quy mô, nổi tiếng “ăn nên làm ra” ở phường Điện Minh và thị trấn Vĩnh Điện cũng đã xóa sổ trước ngày 30.6. Còn lại 10 bến bãi khác, chính quyền đã ra mốc thời gian đến ngày 30.9 phải di dời xong. Hiện tại, địa phương chỉ kiến nghị tỉnh cho hoạt động đến năm 2020 là 7 bến (trong đó có 4 bến thủy nội địa ở xã Điện Phước, phường Điện An và Điện Minh; 3 bến đề nghị tiếp tục gia hạn hoạt động). Về kiểm soát đường đi của cát lậu, ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, 7 mỏ cát đang hoạt động ở sông Thu Bồn phải tuyệt đối không được cung cấp cát cho các ghe thuyền có thiết bị hút; nếu phát hiện mỏ nào vi phạm sẽ xử lý nghiêm khắc.  Ngoài một mỏ đã hết hạn khai thác, chính quyền địa phương đã cương quyết đóng cửa mỏ ở sông của hai doanh nghiệp do ảnh hưởng đến trụ truyền tải điện và do lòng dân không đồng thuận. “Trong thực tiễn, lực lượng chức năng của địa phương cũng gặp khó khăn khi xử lý phương tiện trang bị dụng cụ hút cát vì thẩm quyền quản lý trên sông Vu Gia - Thu Bồn thuộc cấp tỉnh. Vì vậy rất cần tỉnh tăng cường thêm lực lượng kiểm tra, xử phạt” - ông Dũng nói.

Các ngành chức năng của tỉnh nhận định, chính sự quản lý nhà nước lỏng lẻo là kẽ hở lớn cho các doanh nghiệp khai khoáng “móc ruột” lòng sông. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra gần đây cho thấy, doanh nghiệp khai thác chưa đúng với thiết kế; chưa lập bản đồ hiện trạng mỏ; thực hiện chưa đúng, chưa đầy đủ nội dung hồ sơ môi trường được duyệt... Vì vậy, để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng “tấm giấy thông hành” lén lút tiếp tay cho cát lậu, UBND tỉnh yêu cầu bắt buộc phải lắp đặt hệ thống, thiết bị khai thác cát sỏi tại phạm vi được cấp phép để khai thác và chuyển lên các phương tiện vận chuyển của doanh nghiệp hoặc của tổ chức, cá nhân khác đến mua cát sỏi. Không bơm hút hoặc xúc cát sỏi chuyển lên phương tiện vận chuyển có gắn hệ thống, thiết bị khai thác cát sỏi; chỉ hoạt động khai thác, vận chuyển vào ban ngày. Máy móc, thiết bị, phương tiện khai thác, vận chuyển phải ghi tên doanh nghiệp được cấp phép khai thác tại nơi dễ nhìn thấy, rõ ràng; phải thông báo tên, chủng loại, số hiệu, biển kiểm soát, mục đích sử dụng của máy móc thiết bị, phương tiện khai thác, vận chuyển cát sỏi với các cơ quan có thẩm quyền.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, điểm mới trong công tác quản lý khoáng sản cát sỏi lần này là triển khai đồng bộ nhiều biện pháp ngăn ngừa hiện tượng thất thoát, trôi chảy tài nguyên. Chẳng hạn như lắp đặt camera giám sát tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; hoặc vị trí đưa khoáng sản nguyên khai từ phương tiện vận chuyển bằng đường thủy lên bến bãi tập kết, lên phương tiện vận chuyển bằng đường bộ để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan. Mặt khác, công trình nào sử dụng vốn nhà nước mà sử dụng cát sỏi không có nguồn gốc hợp pháp, không đầy đủ chứng từ đầu vào thì không giải ngân, quyết toán. Thêm vào đó, công bố các doanh nghiệp vi phạm trên Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam và trang tin điện tử Sở Tài nguyên - môi trường. Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Tỉnh ủy và UBND tỉnh nhiều năm nay là “mạnh tay” với cán bộ “bật đèn xanh” cho cát lậu hoành hành. Nếu để xảy ra sai phạm về quản lý, bảo vệ khoáng sản, trước hết bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND, thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Đối với cán bộ công chức có hành vi bao che, tiếp tay cho hoạt động khai thác khoáng sản trái phép thì xử lý nghiêm theo quy định và kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy cơ quan Đảng, Nhà nước và lực lượng vũ trang.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngăn chặn thất thoát cát sỏi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO