Chương trình “Ngân hàng bò cùng đồng bào nghèo thoát nghèo” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát động, qua 2 năm triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả thiết thực giúp nhiều gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo.
Vốn ban đầu
Năm 2013, toàn tỉnh có 6 hộ thuộc diện hộ đặc biệt khó khăn ở xã Bình Lãnh (huyện Thăng Bình) được nhận bò từ chương trình ngân hàng bò cho người nghèo. Gia đình anh Lê Minh Hải ở xã Bình Lãnh là một trong số 6 hộ nghèo của địa phương được nhận hỗ trợ một con bò giống với trị giá trên 11 triệu đồng từ chương trình. Hoàn cảnh của anh Hải tại thời điểm được hỗ trợ bò hết sức khó khăn. Trong nhiều năm, hai vợ chồng phải vật lộn sinh sống, làm công nhân tại nhiều công ty tại TP.Hồ Chí Minh nhưng cuộc sống vẫn rất khó khăn. Trở về quê hương, cả hai vợ chồng anh Hải không có đất đai để canh tác, lại phải nuôi hai con nhỏ và một mẹ già nên cuộc sống hết sức túng thiếu. Vợ anh bị đau yếu liên miên nên anh phải chạy vạy vay tiền khắp nơi để trang trải cuộc sống gia đình. Anh được chương trình hỗ trợ con bò giống trên 11 triệu đồng cùng chi phí xây dựng chuồng trại, chăm sóc thú y ban đầu, đến nay con bò lớn nhanh và khỏe mạnh. Con bò này bây giờ được gia đình anh xem như số vốn ban đầu để lập nghiệp tại quê hương. “Bây chừ cuộc sống của gia đình tôi tuy vẫn còn khó khăn nhưng cũng dần ổn định hơn so với trước, con bò giống được hỗ trợ nay đã có chửa, chỉ hai tháng nữa là có bê con” - anh Hải tâm sự.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao 6 con bò giống cho 6 hộ ở Bình Lãnh, Thăng Bình trong năm 2013. Ảnh: T.Đ |
Cũng nằm trong diện hộ nghèo được nhận bò trong năm qua, gia đình chị Nguyễn Thị Chơi (thôn 4, xã Bình Lãnh) có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà có 3 sào đất trồng lúa, sắn nên kinh tế gia đình vẫn thiếu trước, hụt sau. Được hỗ trợ một con bò giống, chị Chơi mạnh dạn vay thêm 20 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội mua thêm một con bê con. Đến nay, trong chuồng nhà chị Chơi có hai con bò đã lớn, trong đó có một con bò cái sắp đẻ. Hiện nay, cuộc sống của gia đình chị Chơi đã dần ổn định và điều đáng mừng là gia đình chị đã thoát khỏi hộ nghèo của địa phương. “Bây giờ con bò cái sắp sinh bê con nên tôi xem đó như là số vốn để lận lưng, thấy kinh tế đã ổn định hơn nên tôi tự đăng ký thoát nghèo” - chị Chơi nói.
Nằm trong chương trình khác về hỗ trợ bò cho người nghèo của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, năm 2010 vợ chồng anh Bhnước Tư, chị Alăng Thị Bíp ở thôn Phú Mưa (xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang) là một trong số 20 hộ dân nghèo được hỗ trợ bò giống. Qua thời gian chăn nuôi từ một con bò giống ban đầu gia đình anh chị đã có thêm 4 con bê. “Nhờ chăn nuôi bò mà gia đình tôi đã xây được ngôi nhà khang trang, mua được ti vi, xe máy, tôi rất mừng” - anh Bhnước Tư cho biết.
Nỗ lực vận động
Từ năm 2010 đến nay, từ nguồn hỗ trợ của nhiều chương trình, dự án khác nhau, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã hỗ trợ 475 con bò cho các hộ nghèo trong tỉnh. Từ đó, nhiều hộ nghèo đã dần ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo. Cạnh đó, Quảng Nam đang tích cực vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đóng góp để hỗ trợ 250 con bò cho các hộ nghèo miền núi, vùng sâu vùng xa phát triển kinh tế trong thời gian đến. Dù chỉ tiêu của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam giao cho Quảng Nam là 200 con nhưng nhằm nỗ lực giúp đồng bào nghèo sớm thoát nghèo nên Hội Chữ thập đỏ Quảng Nam đã đăng ký với Trung ương Hội sẽ vận động hỗ trợ 250 con. Đây là một mục tiêu lớn mà tỉnh đang phấn đấu thực hiện theo sự phát động của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam về thực hiện chương trình ngân hàng bò cho người nghèo trong cả nước.
Về kết quả của chương trình này, tính đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ được 108 con bò giống cho người nghèo ở vùng sâu, vùng xa với giá trị gần 1,1 tỷ đồng. Trong đó, Hội Chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng đã hỗ trợ và trao 40 con bò tại huyện Tây Giang. Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng trao 10 con bò giống trong tổng số 160 con bò là quà của Chủ tịch nước tặng cho nhân dân các địa phương nghèo của tỉnh; ngoài ra còn vận động hỗ trợ 58 con bò cho các hộ. Ông Phạm Bằng - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho biết, việc thực hiện chương trình ngân hàng bò vẫn còn gặp không ít khó khăn khi nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương về cuộc vận động vẫn còn hạn chế, tiến độ thực hiện chương trình ở một số địa phương vẫn chậm so với kế hoạch. Ông Phạm Bằng nói thêm: “Giá 10 triệu đồng để mua một con bò giống là chưa sát với giá cả thực tế hiện nay, đối với tiêu chuẩn con bò giống từ 12 - 18 tháng tuổi thì giá cả hiện nay đã dao động từ 12 - 13 triệu đồng nên sẽ đề xuất tăng kinh phí để hỗ trợ bò cho người dân”. Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Quảng Nam sẽ vận động, quyên góp nhằm hỗ trợ 192 con bò giống cho hộ nghèo theo chương trình với tổng trị giá hơn 1,9 tỷ đồng.
TRẦN ĐỨC