Năm 2017, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Nam Trà My giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho các đối tượng nghèo luôn tăng về số lượng người vay cũng như số dư nợ cho vay. Nhờ đó, hàng trăm hộ thoát nghèo bền vững, hàng chục gia đình từ nghèo khó vươn lên khá giả.
Hoạt động giải ngân nguồn vốn vay được thực hiện tại xã Trà Vân. Ảnh: H.THỌ |
Cho vay vốn làm ăn
Vườn sâm Ngọc Linh rộng hơn 4ha của bà con nóc Luông Giang (thôn 2, xã Trà Linh) do anh Nguyễn Văn Lượng làm nhóm trưởng thu hút 28 hộ tham gia. Khi thấy tiềm năng cây sâm Ngọc Linh phát triển, hứa hẹn sẽ là cây tiền tỷ nên bà con trong nóc đã tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH Nam Trà My để có điều kiện trồng và chăm sóc. Trước đây, bà con cũng đã vay nhiều lần, mỗi lần vay chỉ khoảng 15 triệu đồng/hộ trở lại, việc đầu tư vẫn còn nhỏ lẻ. Bây giờ, 28 hộ trồng sâm trong nóc đã liên hệ với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My để vay với số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Đây quả là một con số khá ấn tượng trong gói tín dụng cho vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn. Cũng theo các hộ vay vốn này cho biết, với giá trị tăng lên từng ngày của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam, việc trả lãi và hoàn vốn cũng sẽ rất nhanh. “Mình vay khoảng 30 triệu đồng mua sâm củ về trồng lấy giống chừng một năm là có lãi. Trong khi thời hạn vay vốn tới 5 năm nên bà con chúng tôi rất yên tâm vay tiền đầu tư. Ở Trà Linh, ngoài cây sâm ra, không có cây gì để xóa nghèo nhanh chóng hơn” - ông Nguyễn Văn Lượng cho biết.
Đồng vốn vay ưu đãi được giải ngân kịp thời và đúng định hướng chung của huyện trong việc khuyến khích nhân dân phát triển sâm Ngọc Linh nói riêng và các loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao nói chung. Năm 2016 và 6 tháng đầu năm nay, gói tín dụng cho vay hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn đã nâng tổng số tiền vay lên 23 tỷ đồng, giúp các hộ có nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh doanh, sản xuất. Khi có được nguồn vốn, bà con đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình vườn rừng, vườn nhà, gia trại theo định hướng phát triển kinh tế chung của huyện. Nhờ vậy, nông - lâm - thổ sản được làm ra nhiều hơn và giúp cho các hộ tăng thu nhập để cải thiện cuộc sống. Ngoài ra, Ngân hàng CSXH huyện cũng cho các hộ nghèo vay hơn 66 tỷ đồng. Trong đó chủ yếu là cho vay các hộ đăng ký thoát nghèo đang cần vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Đầu tư có hiệu quả
Tùy theo từng vùng, từng khu vực mà đồng vốn vay được đầu tư để phát triển các loại hình sản xuất khác nhau. Như ở Trà Mai với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng cũng như đầu ra sản phẩm nên bà con vay vốn ưu đãi Ngân hàng CSXH huyện để phát triển chăn nuôi heo theo hướng chuồng trại. Ở Trà Don, bà con lại sử dụng vốn vay trồng cây keo kết hợp với nuôi bò và mở rộng diện tích vườn chuối mốc. Hay như Trà Nam, Trà Cang… bà con lại trồng sâm và các loại cây dược liệu khác. Anh Đinh Hồng Thấn ở Trà Mai cho biết, vay vốn nuôi bò là hiệu quả nhất vì đất đai rộng, nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào. “Tôi vay 30 triệu đồng mua 2 con bò về nuôi chừ đã phát triển được 7 con. Một con bê khoảng 8 tháng bán được 9 triệu đồng nên nuôi bò ở Trà Mai là phương án tốt nhất để xóa đói giảm nghèo” - anh Thấn cho hay.
Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My đang thực hiện hơn 12 chương trình tín dụng ưu đãi với tổng dư nợ đạt hơn 116 tỷ đồng. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã đến với 7.559 lượt hộ nghèo, giúp hơn 2.436 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 250 lao động, hơn 115 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 251 căn nhà theo Chương trình 167 và Chương trình 33 cho hộ nghèo và các hộ chính sách. Việc hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn cũng như giải ngân vốn vay được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My thực hiện tại trụ sở ủy ban 10 xã. Ông Trần Văn Quang - Trưởng phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Nam Trà My cho biết: Trong quá trình giao dịch, chúng tôi mời thôn trưởng, các hội đoàn thể và đặc biệt là đội ngũ cán bộ giúp hộ nghèo để tư vấn cho bà con sử dụng vốn vay đúng mục đích. Hiện nay chúng tôi đang bám sát nghị quyết của HĐND huyện để giải ngân vốn vay cho người dân trồng cây dược liệu và sâm Ngọc Linh. Nhờ thế, những năm gần đây tỷ lệ đói nghèo ở Nam Trà My đang được giảm xuống một cách nhanh chóng và bền vững. Đó không chỉ nhờ vào sự nỗ lực vươn lên của các hộ nghèo mà còn có sự góp sức của Ngân hàng CSXH huyện qua việc cho vay vốn, tạo điều kiện cho kinh tế hộ phát triển từ nguồn vốn ưu đãi chính sách xã hội.
HOÀNG THỌ