Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc: Nâng cao chất lượng tín dụng

TRIÊU NHAN 19/07/2017 09:04

Trải qua 15 năm hình thành và phát triển, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đại Lộc đã vượt khó, từng bước nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm… tại địa phương.

Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chị em phụ nữ tại Đại Lộc có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TRIÊU NHAN
Từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, nhiều chị em phụ nữ tại Đại Lộc có điều kiện vươn lên thoát nghèo. Ảnh: TRIÊU NHAN

Cải thiện chất lượng tín dụng

Đại Lộc có 18 xã/thị trấn, trong đó có 9 xã miền núi, đời sống nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn ở mức cao, lao động phân bố chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, tỷ lệ lao động chưa có việc làm thường xuyên còn cao. Chưa kể, thiên tai, lũ lụt trên địa bàn cũng diễn biến phức tạp, gây tác động và ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống nhân dân.

Là tổ chức tín dụng với vai trò đồng hành với địa phương và nhân dân vì mục tiêu xóa đói giảm nghèo, đặc biệt là công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện, Ngân hàng CSXH huyện đã xây dựng 18 điểm giao dịch tại 18/18 xã/thị trấn, đưa ngân hàng đến gần hơn với người nghèo và các đối tượng chính sách… Theo ông Lê Tấn Hùng - Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện, nhìn lại chặng đường 15 năm, có thể thấy, quy mô và chất lượng tín dụng năm sau luôn cao hơn năm trước. Ở thời điểm năm 2003, tổng dư nợ cho vay ban đầu từ hệ thống ngân hàng chỉ đạt hơn 14 tỷ đồng (nợ xấu 1,2 tỷ đồng), thì tới cuối năm 2012, tổng doanh số cho vay đạt hơn 114 tỷ đồng, với hơn 14.000 lượt hộ vay, doanh số thu nợ đạt hơn 56,4 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn đến cuối năm 2012 chiếm tỷ lệ 0,3% tổng dư nợ cho vay hộ nghèo. Đến 31.5.2017, tổng dư nợ từ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện tăng lên 246,5 tỷ đồng (tăng hơn 5,7 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016). Toàn hệ thống có 345 tổ tiết kiệm vay vốn (TTKVV) với 12.115 khách hàng đang có dư nợ. Tỷ lệ nợ quá hạn tiếp tục giảm, còn 0,072% tổng dư nợ. Nhìn chung, trong tổng nguồn tín dụng ưu đãi tính đến cuối tháng 5.2017, chiếm ưu thế là nguồn cho vay hộ nghèo (hơn 58,8 tỷ đồng), hộ cận nghèo (hơn 90 tỷ đồng) và hỗ trợ vay cho học sinh sinh viên hơn 33,6 tỷ đồng.

Để từng bước nâng chất lượng tín dụng, theo ông Lê Tấn Hùng thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phương thức ủy thác bán phần qua các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể; huy động nguồn nhân lực khá lớn từ hệ thống mạng lưới sẵn có của hội, đoàn thể từ cấp huyện đến xã, thôn để tổ chức cho vay và quản lý vốn, kiểm kê, đối chiếu nợ hằng năm. Các tổ công tác thu hồi nợ xấu được thành lập ở từng địa phương, cải thiện chất lượng tín dụng. Hiện, 345 TTKVV do hội đoàn thể quản lý hoạt động hiệu quả ở 160 thôn trên địa bàn với mỗi thôn có ít nhất 2 - 3 TTKVV. Công tác kiểm tra, giám sát đối với các TTKVV được phía ban đại diện ngân hàng chú trọng nhằm phát hiện, ngăn chặn kịp thời tồn tại, thiếu sót. Chủ trương của ban đại diện là kiểm soát chặt chẽ nợ đến hạn ngay từ đầu năm, làm tốt công tác thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, không để phát sinh nợ quá hạn, phấn đấu đưa tỷ lệ nợ quá hạn về mức 0,01% đến 12.2017.

Kênh “xóa đói giảm nghèo”

Giai đoạn 2003 - 2012, từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc, nhiều hộ trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế. Có thể kể đến trường hợp chị Nguyễn Thị Hóa (xã Đại Nghĩa) ban đầu vay 6 triệu đồng mua 2 con bò, đến nay gia đình chị Hóa đã nhân đàn bò cả chục con; hộ chị Lê Thị Năm (thôn Tây Gia, Đại Minh) vay 10 triệu đồng đầu tư nuôi cá, ếch đến nay chị đã phát triển gia trại nuôi cá, ếch, chăn nuôi heo, gà tổng hợp, có điều kiện để thoát nghèo…

Giai đoạn 2003 - 2012, Đại Lộc có hơn 3.800 hộ được hỗ trợ vốn vay, có cơ hội thoát nghèo. Cũng từ nguồn vốn vay sản xuất vùng khó khăn, nhiều hộ được tiếp vốn đầu tư phát triển kinh tế. Có thể kể đến hộ ông Đỗ Hữu Ưng (thôn Đại An, Đại Lãnh) vay 30 triệu đồng đầu tư mua trâu và trồng rừng hiệu quả kinh tế rất cao; hộ ông Tăng Tấn Lợi (thôn Mậu Lâm, Đại Hưng) vay 30 triệu đồng nuôi cá nước ngọt hiệu quả và đầu tư mở rộng gia trại...

Đến 31.5.2017, từ nguồn dư nợ ủy thác hơn 246,8 tỷ đồng từ Ngân hàng CSXH huyện qua các kênh hội, đoàn thể, có 12.115 lượt hộ được giải quyết vay vốn hỗ trợ phát triển kinh tế. Trong đó, các cấp hội phụ nữ huyện tiếp nhận ủy thác hơn 111 tỷ đồng, giải quyết cho hơn 5.300 hộ vay với 144 TTKVV; Hội Nông dân tiếp nhận hơn 63,8 tỷ đồng giải quyết cho 3.220 hộ vay vốn với 91 TTKVV; Hội Cựu chiến binh hơn 33 tỷ đồng với 1.759 hộ vay, 55 TTKVV; Đoàn thanh niên hơn 38 tỷ đồng với 1.820 hộ vay, 55 TTKVV; Hội Cựu chiến binh là hơn 33,3 tỷ đồng... Trong tổng số hơn 111 tỷ đồng vốn ủy thác qua kênh Hội LHPN huyện, vốn cho vay hộ nghèo đạt hơn 25 tỷ đồng, cho vay hộ cận nghèo hơn 42 tỷ đồng, giải quyết việc làm 2,9 tỷ đồng, cho vay hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 là 5,2 tỷ đồng...

Theo bà Cù Thị Huệ - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc, toàn huyện có 3.506 hộ nghèo thì đối tượng hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ chiếm đến 1.648 hộ. Từ nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng CSXH, các cấp hội phụ nữ huyện đã tuyên truyền rộng rãi chính sách ưu đãi đến chị em với mức hỗ trợ vay tối đa 30 triệu đồng. Đối tượng ưu tiên hướng đến tập trung vào đối tượng phụ nữ nghèo làm chủ hộ, nuôi con nhỏ, nuôi con ăn học, hoàn cảnh gia đình khó khăn trước tiên; đối tượng nữa là phụ nữ làm chủ hộ có sức lao động, có điều kiện và nguyện vọng vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trong cuộc sống. Từ nguồn vốn vay nhỏ ban đầu, nhiều chị em đã có sinh kế phát triển kinh tế như đầu tư chăn nuôi, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Ngoài các chị Nguyễn Thị Hóa (xã Đại Nghĩa), chị Lê Thị Năm (thôn Tây Gia, Đại Minh) nói trên, có thể kể đến một số gương phụ nữ vượt khó điển hình của huyện như chị Bùi Thị Một (thôn Ngọc Kinh Đông, Đại Hồng). Từ nguồn vốn vay 20 triệu đồng qua kênh ủy thác của Hội LHPN xã Đại Hồng, năm 2009, chị Bùi Thị Một  đã mua 2 bò sinh sản, đến nay phát triển tổng đàn lên 8 con và còn nuôi 2 heo nái, bình quân thu nhập mỗi năm 60 - 80 triệu đồng.

TRIÊU NHAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc: Nâng cao chất lượng tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO