Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến rất phức tạp, tác động xấu đến hoạt động kinh tế nên nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang triển khai chương trình giảm lãi suất cho vay, tạo thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Tiếp sức doanh nghiệp
Vietcombank đã có quyết định giảm lãi suất tiền vay cho khách hàng đến cuối năm. Mức giảm cao nhất là 1%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh. Các khách hàng doanh nghiệp còn lại được giảm lãi suất gần 1%/ năm, khách hàng cá nhân vay vốn phục vụ đời sống được giảm lãi suất 0,5%/năm.
Tiếp cận hỗ trợ giảm lãi suất vốn vay của Vietcombank chi nhánh Quảng Nam, ông Hà Huy Thục (chủ doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng dân dụng trên địa bàn phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) cho biết: “Trong điều kiện dịch Covid-19 hoành hành, chi phí sản xuất, mua nguyên liệu đều tăng nên tôi cần nhiều nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh. Được tiếp sức giảm lãi suất 1%/năm là đòn bẩy quan trọng để tôi tiếp tục đầu tư, có các sản phẩm chất lượng hơn để tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường”.
Bên cạnh giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại nhà nước là các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo đó, nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay với các khách hàng đang được cơ cấu nợ theo Thông tư 01, Thông tư 03, khách hàng thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên (cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), khách hàng thuộc địa bàn bị phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 16.
Từ nay đến hết năm, BIDV thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu bình quân 1%/năm, một số nhóm khách hàng khó khăn mức giảm tối đa là 2%/năm so với lãi suất hiện hành.
Bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV chi nhánh Quảng Nam cho biết, tổng nguồn lực của toàn hệ thống BIDV hỗ trợ khách hàng lên đến hơn 6.000 tỷ đồng. BIDV chi nhánh Quảng Nam ưu tiên giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực lưu trú, dịch vụ nhà hàng, resort, khách sạn, vận tải, doanh nghiệp sản xuất thiết yếu, doanh nghiệp có lực lượng lao động lớn.
Với điều chỉnh giảm lãi suất lần này, BIDV chi nhánh Quảng Nam kỳ vọng thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trước tác động xấu của đại dịch Covid-19. Đơn vị luôn thể hiện vai trò, trách nhiệm của ngân hàng thương mại nhà nước trong thực thi chủ trương, chính sách điều hành của Trung ương.
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc VietinBank chi nhánh Quảng Nam cho biết, ngân hàng đang giảm lãi suất 1%/năm đối với các khoản dư nợ hiện hữu và giải ngân mới của khách hàng. VietinBank chi nhánh Quảng Nam đang triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi được cân đối từ nguồn vốn thương mại đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thiết yếu của khách hàng.
Đồng thời VietinBank tiếp tục miễn giảm nhiều loại phí như phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại tối đa lên tới 100%, miễn phí phần lớn dịch vụ trên eFAST với khách hàng doanh nghiệp, miễn phí chuyển khoản trong hệ thống cho toàn bộ khách hàng.
Thiết thực hỗ trợ
Ngay từ khi có dịch Covid-19, một trong những giải pháp được Ngân hàng Nhà nước chú trọng triển khai, thực hiện đồng bộ là ban hành Thông tư 01 và sau đó là Thông tư 03 nhằm tạo cơ sở pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng xấu. Mặc dù các giải pháp trên đã và đang phát huy hiệu quả nhưng nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro phát sinh cao hơn từ dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Trước thực trạng này, theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thời gian tới sẽ điều chỉnh Thông tư 01, Thông tư 03 theo hướng rõ ràng, chi tiết hơn cả về thời điểm được cơ cấu nợ cũng như thời hạn kéo dài cơ cấu nợ cho các doanh nghiệp. Chính sách mới phù hợp với thực trạng, từng đối tượng, loại hình, ngành nghề doanh nghiệp khác nhau để đưa ra mức độ cơ cấu phù hợp.
Hiện nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đang triển khai các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với nhiều giải pháp hỗ trợ trực tiếp như tăng cường cho vay mới, cơ cấu lại nợ vay, giảm lãi suất cho vay, đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, xây dựng các chương trình tín dụng cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp với lãi suất hợp lý, quy trình, thủ tục thuận tiện.
Theo ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, trong bối cảnh lãi suất đầu vào không thể giảm hơn, các ngân hàng quyết định giảm lợi nhuận để giảm lãi suất đầu ra, thiết thực hỗ trợ khách hàng. Nguyên tắc nhất quán là các tổ chức tín dụng rà soát, tập trung hỗ trợ những khách hàng thực sự khó khăn, hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi đại dịch chứ không thể giảm lãi suất cho mọi đối tượng khách hàng.
“Toàn hệ thống ngân hàng đang thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không tổ chức các hoạt động lễ tân, khánh tiết, quảng bá... nhằm tiết kiệm triệt để, tập trung nguồn lực giảm lãi suất cho vay, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp. Đây là trách nhiệm của ngành ngân hàng nhằm đồng hành với nền kinh tế trong bối cảnh đại dịch nguy hiểm như hiện nay” - ông Phạm Trọng nói.