Triển khai Nghị quyết số 01 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 cũng như định hướng của Ngân hàng Nhà nước, vừa qua, nhiều ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ tài chính giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
Đồng loạt giảm
Sau đợt giảm lãi suất lần đầu năm 2019 vào tháng 1, đến ngày 1.8, 4 “đầu tàu” ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay đến cuối năm. Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương (Vietcombank) áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam ở mức tối đa là 5,5%/năm, giảm 1,0%/năm so với mức quy định của Ngân hàng Nhà nước, áp dụng cho 5 lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn; kinh doanh hàng xuất khẩu; kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, còn áp dụng cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn Việt Nam đồng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là 0,25 - 0,5%/năm (thấp hơn 0,75 - 1%/năm so với trần quy định của Ngân hàng Nhà nước) và giảm 0,5%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngân hàng Thương mại CP Công Thương (VietinBank) đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay nội tệ ngắn hạn từ ngày 1.8 đến hết 31.12, áp dụng cho các nhu cầu vay vốn có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đáp ứng các điều kiện tín dụng theo quy định và đem lại lợi ích tổng thể cho Vietinbank. Đó là các lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi liên kết; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, những chương trình tín dụng với các mức lãi suất cho vay ưu đãi dành cho khách hàng vừa và nhỏ, khách hàng xuất khẩu... Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, động thái trên của các ngân hàng thương mại đã chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp, cá nhân, tiếp sức phát triển sản xuất, kinh doanh theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Ông Nguyễn Bách Thọ - Giám đốc Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư & phát triển (BIDV) chi nhánh Quảng Nam cho biết, đang giảm trần lãi suất cho vay 0,5%/năm về mức 5,5%/năm đối với đối tượng ưu tiên (kinh doanh hàng xuất khẩu, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, phục vụ kinh doanh doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao). Các doanh nghiệp còn lại thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên vẫn tiếp tục áp dụng trần lãi suất cho vay tối đa 6,0%/năm (thấp hơn 0,5%/năm so với trần quy định của Nhân hàng Nhà nước). Bên cạnh đó, BIDV triển khai 2 gói tín dụng quy mô 70 nghìn tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường, trong đó, 60 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, 10 nghìn tỷ đồng dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp.
Tiếp sức doanh nghiệp
Ông Đỗ Văn Bảng - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Giao dịch Ngân hàng HDBank chi nhánh Quảng Nam tại TP.Tam Kỳ cho biết, thời gian qua đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp về tiết giảm chi phí hoạt động, phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới, đa dạng hóa kinh doanh, tăng cường quản trị rủi ro để đảm bảo an toàn tài chính. Ngân hàng luôn chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, tiếp sức các doanh nghiệp, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp được ưu tiên theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ông Bảng cho rằng, hệ thống HDBank luôn nghiên cứu việc giảm lãi suất cho vay, thể hiện cam kết mạnh mẽ của ngân hàng trong thực hiện các chính sách điều hành của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, nỗ lực vì mục tiêu chung phát triển kinh tế.
Theo ông Trần Quang Hổ, giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại là tiếp sức, hỗ trợ tài chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp, cá nhân phát triển sản xuất, kinh doanh. Đây không phải là chính sách nới lỏng tiền tệ. Vì thế, hoàn toàn loại trừ khả năng nguồn cung tiền ra nền kinh tế tăng sẽ tạo áp lực khiến lạm phát gia tăng. “Rất mong việc giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng được lan tỏa, tiến hành ở hàng loạt ngân hàng, qua đó tác động đủ lớn lên thị trường, tạo cú hích sản xuất, kinh doanh thay vì chỉ được thực hiện chủ yếu ở 4 ngân hàng thương mại có nguồn vốn của Nhà nước và chủ yếu chỉ tập trung ở một số lĩnh vực ưu tiên thay vì toàn bộ phân khúc khách hàng” - ông Trần Quang Hổ cho biết.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, trước hết, việc giảm lãi suất cho vay áp dụng ở những lĩnh vực ưu tiên sẽ giúp doanh nghiệp, cá nhân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ để tái đầu tư sản xuất, kinh doanh. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong trong bối cảnh giá nhiều mặt hàng đầu vào đang tăng cao khiến giá thành sản xuất tăng thêm. “Giảm lãi suất vốn vay của các ngân hàng thương mại sẽ tăng thêm niềm tin của doanh nghiệp, cá nhân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” - ông Trần Quang Hổ nói.