Ngân hàng sữa mẹ đầu tiên của Việt Nam đã ra đời tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cách đây gần hai tháng, góp phần thay đổi nhận thức nuôi con bằng sữa mẹ cũng như chia sẻ nguồn sữa sạch đến các trường hợp cấp thiết.
Tăng tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ
8h30 phút ngày 11.4, các phòng khoa sơ sinh tầng 5 chộn rộn hơn khi các chị nữ hộ sinh mang sữa mẹ đến cho các bé sơ sinh. Mỗi bé được phát gần 20ml sữa mẹ từ ngân hàng sữa trong lúc chờ sữa mẹ về. Chị Thanh Hương (quê Điện Nam, Điện Bàn, nằm phòng 3) cho biết: “Tôi vừa mới mổ sinh xong ngày hôm qua, do đau vết mổ quá nên sữa chưa về kịp cho bé bú. May mà có sữa của ngân hàng để con bú tạm, chứ nếu không phải dùng đến sữa công thức.
Nhân viên trao sữa mẹ từ ngân hàng sữa.Ảnh: C.T.A |
Rồi lo mai mốt bé quen sữa công thức không chịu hợp tác bú mẹ lại mệt hơn nữa”. Mỗi ngày, cứ cách khoảng 3 tiếng, các chị điều dưỡng, nữ hộ sinh của ngân hàng sữa lại chia nhau đi đưa sữa cho các bé và thu gom sữa được tặng về để xử lý đưa vào ngân hàng. Kể từ ngày ngân hàng sữa mẹ ra đời, số lượng bé sơ sinh được hưởng lợi từ ngân hàng sữa lên đến hàng trăm bé. Đặc biệt, nhiều trường hợp mẹ và bé cách ly, bé không được dùng sữa mẹ mình trong hơn một tháng không phải là hiếm. Điều dưỡng Lê Thị Thanh Hương - nhân viên ngân hàng sữa kể: Bé gái D. (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi) có mẹ bị ung thư phổi được xuất viện sau hơn một tháng nằm viện. Trong một tháng nằm cách ly với mẹ, bé lớn lên nhờ nguồn sữa mẹ của ngân hàng. Bây giờ sau đợt điều trị, mẹ bé được bác sĩ chỉ định có thể cho con bú lại”. Chị Nguyễn Thị Ánh, mẹ bé D. kể: “Nghĩ bệnh tình của mình như thế này không được ôm ấp cho con bú nhưng nhờ sự hỗ trợ của các bác sĩ, các chị ở ngân hàng sữa mà con mình vẫn được bú sữa mẹ hoàn toàn từ lúc sinh ra. Trong quá trình điều trị thuốc chữa bệnh, tôi vẫn đều đặn vắt sữa để duy trì và kích thích dòng sữa. Nên bây giờ hết đợt thuốc, tôi vẫn có sữa cho con bú. Vui lắm!”.
Để có được nguồn sữa mẹ, các nhân viên của ngân hàng sữa phải làm việc liên tục và thường xuyên, bất kể giờ giấc. Để đảm bảo có được nguồn sữa sạch, đảm bảo dinh dưỡng cho các bé, nhân viên ngân hàng sữa phải trải qua nhiều giai đoạn nghiêm ngặt, đúng chuẩn. Ở giai đoạn 1, các chị sẽ tiếp cận các mẹ có nguồn sữa dồi dào, trao đổi để các mẹ đồng ý tặng sữa. Khi được các mẹ đồng ý, ngân hàng phải xét nghiệm, kiểm tra sức khỏe của các mẹ để đảm bảo sữa sạch rồi mới bắt đầu thu gom. Sữa mẹ sau mỗi lần thu gom sẽ được đánh mã số. Ở giai đoạn 2 là xử lý nguồn sữa qua các khâu trữ sữa, rã đông, trộn sữa rót vào chai, sàng lọc trước thanh trùng, thanh trùng, sàng lọc sau thanh trùng, trữ sữa (tủ đông 2, 3). Giai đoạn 3 là chia sữa cho trẻ sử dụng gồm các giai đoạn trữ đông ngăn đá tủ lạnh, rã đông tại ngăn mát tủ lạnh, chia sữa để sử dụng và cuối cùng là cho trẻ ăn. “Chúng tôi trân quý từng giọt sữa mẹ chỉ để nhằm mục đích tạo điều kiện tốt nhất cho các bé” - chị Thanh Hương nói.
Lan tỏa
Ngày 13.4, thông qua dự án Nuôi dưỡng và phát triển (Alive & Thrive), Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng, Tổ chức hỗ trợ y tế của Hoa Kỳ (PATH) và Tổ chức y tế cộng đồng (FHI 360) tổ chức hội thảo đánh giá vai trò, hiệu quả của ngân hàng sữa mẹ đầu tiên tại Việt Nam. Sau 2 tháng đưa vào hoạt động, ngân hàng sữa mẹ đặt tại Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng đã cung cấp nguồn sữa cho 136 trẻ sơ sinh không được tiếp cận sữa mẹ kịp thời. Để có được nguồn sữa hiến tặng, đội ngũ y bác sĩ và người hiến tặng phải làm việc qua nhiều công đoạn từ tổ chức vận động, sàng lọc sức khỏe, vắt, trữ sữa cho đến bảo quản, phân phối. Hoạt động này không chỉ đơn thuần là cho - nhận sữa mẹ để cứu giúp những trẻ non yếu mà còn mang sứ mệnh thúc đẩy toàn xã hội nhận thức tầm quan trọng và đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ.T.B (theo baodanang.vn) |
Chưa đầy hai tháng vận hành, ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Việt Nam đã thu gom được hơn 165 lít sữa mẹ. Số lượng sữa mẹ được các mẹ trao tặng cho ngân hàng không cố định, có ngày được 2 - 3 lít sữa nhưng có ngày chỉ vài trăm ml. “Khi chúng tôi đi tiếp cận các bà mẹ tiềm năng nhiều sữa để xin sữa, hầu như các mẹ đều thấy được ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tặng sữa nên vui vẻ đồng ý. Chỉ có khoảng chưa đầy 10% các mẹ bàng quan với hoạt động của ngân hàng sữa, chưa muốn sẻ chia dòng sữa của mình” - điều dưỡng Lê Thị Thanh Hương, nói. Theo các bà mẹ thăm khám, sinh nở ở Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng thì tại bệnh viện, sữa công thức hoàn toàn được loại bỏ khỏi suy nghĩ khi cơ thể chưa đủ sữa cho con bú. Và gần như thời gian qua, những đứa trẻ sinh ở Bệnh viện phụ sản nhi đều được cho bú sữa mẹ. Theo đó, tỷ lệ bú sữa mẹ trong những ngày đầu tiên đang được tăng dần lên, thay vì vài ngày sau sinh như trước đây.
Bác sĩ Trần Thị Hoàng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản nhi Đà Nẵng cho biết: “Vì là ngân hàng sữa mẹ đầu tiên ở Việt Nam nên nhân viên chúng tôi tự mày mò nghiên cứu tài liệu, làm việc và rút kinh nghiệm trong quá trình vận hành. Tuy nhiên, tất cả quy trình đều đảm bảo đạt chuẩn quốc tế. Những giọt sữa mẹ được hiến tặng tại ngân hàng sữa khi được trao đi có thể xem là trao cơ hội sống cho khoảng 3.000 trẻ dễ bị tổn thương mỗi năm”. Hiện nay, cơ sở vật chất, dụng cụ y tế phục vụ cho ngân hàng sữa mẹ còn thiếu nhiều, đặc biệt là nhân lực làm việc chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Ngân hàng sữa mẹ ra đời trong bối cảnh nhận thức và thực hành nuôi con bằng sữa mẹ còn yếu, chưa được coi trọng. Thế nên, hơn lúc nào hết, chúng tôi cần sự chung tay hỗ trợ của các ngành, của truyền thông để việc nuôi con bằng sữa mẹ lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng nhiều hơn nữa” - bác sĩ Trần Thị Hoàng nói.
CHIÊU THỤC ANH