Cải thiện hoạt động huy động vốn, thời gian qua các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tăng lãi suất tiền gửi.
Thu hút tiền gửi
Ông Nguyễn Hải Hà - Giám đốc SHB Quảng Nam cho biết, đơn vị đã tăng lãi suất huy động thêm 0,2 - 0,4%/năm tùy vào kỳ hạn. Ở kỳ hạn 36 tháng khi gửi tại quầy, lãi suất tăng 0,4%/năm, trong đó, tiền gửi dưới 2 tỷ đồng có lãi suất 6,5%/năm, tiền gửi hơn 2 tỷ đồng có lãi suất 6,6%/năm.
Ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động của SHB Quảng Nam tăng cũng tăng 0,4%/năm. Đối với hình thức gửi online, lãi suất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 36 tháng (tăng 0,35% so với trước).
Đặc biệt, ngân hàng áp dụng biểu lãi suất tiết kiệm thông minh từ ngày 28.4 với mức cao nhất là 6,95%/năm khi gửi từ 36 tháng. Đây là sản phẩm tích hợp gửi tiết kiệm, thấu chi tài khoản, thẻ và dịch vụ ngân hàng điện tử và chỉ áp dụng cho một số kỳ hạn như 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng với số tiền tối thiểu là 100 triệu đồng.
Tại BIDV, lãi suất tiền gửi cũng đã tăng với mức thấp nhất 0,2%/năm cho các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại BIDV Quảng Nam hiện dao động 0,1 - 5,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 6 tháng và 1 năm lần lượt là 3,10%/năm, 4%/năm, 5,5%/năm. Nhiều ngân hàng thương mại khác cũng đồng loạt tăng lãi suất tiền gửi để thu hút khách hàng.
Ông Phạm Trọng - Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho biết, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư đến hết tháng 4.2022 đạt 54.883 tỷ đồng (chiếm 76,47% tổng nguồn vốn và tăng 2% so với đầu tháng), tiền gửi thanh toán đạt 16.331 tỷ đồng (chiếm 22,75% trong tổng nguồn vốn, tăng 1,9% so với đầu tháng), tiền gửi kỳ phiếu, trái phiếu đạt 560 tỷ đồng (chiếm 0,78% tổng nguồn, tăng 2,3% so với đầu tháng). Huy động vốn tăng 2% so với đầu tháng là dấu hiệu tích cực cho thấy kinh tế đang phục hồi và phát triển, bước qua tác động xấu của đại dịch Covid-19.
Có tăng lãi suất cho vay?
Ông Phan Đức Tú - Giám đốc Công ty TNHH May mặc Mỹ Hưng - doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất ở Thăng Bình và Phú Ninh lo ngại một khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại cũng tăng theo. Theo ông Tú, hiện chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng so với đầu năm do giá nguyên liệu tăng cao khi nhập khẩu về từ Trung Quốc - quốc gia đang chịu ảnh hưởng xấu của đại dịch.
“Tôi ngày càng đầu tư công nghệ, máy móc, thiết bị mới để nâng cao sản xuất, thu hút thêm lao động. Mong ngân hàng nhà nước điều tiết lãi suất cho vay của các ngân hàng ở mức ổn định” - ông Tú nói.
Theo bà Vũ Thị Tố Nga - Phó Giám đốc BIDV Quảng Nam, một khi lãi suất huy động tăng thì lãi suất cho vay khó mà không tăng do ngân hàng phải duy trì hoạt động. Tuy nhiên lãi suất tăng rất thấp và chịu sự giám sát, điều tiết chặt chẽ của ngân hàng nhà nước. Đơn vị giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cơ sở sản xuất phục hồi và tạo đà phát triển kinh tế sau đại dịch.
Ông Phạm Trọng cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra thông điệp về việc nâng cao chất lượng tín dụng và hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.
Bên cạnh đó, định hướng ổn định lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch là mục tiêu xuyên suốt. Lãi suất huy động của các ngân hàng vẫn chưa tác động mạnh đến mặt bằng lãi suất cho vay.
“Để tiếp tục giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng đang cố gắng đa dạng hóa hoạt động, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số để thu hút thêm lượng tiền gửi, góp phần điều hòa giữa lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay” - ông Trọng nói.