Nhiều cuộc gặp gỡ, họp bàn giữa chính quyền, doanh nghiệp (DN) và giới ngân hàng để khơi dòng tín dụng vẫn còn bế tắc. Nghịch lý thừa – thiếu vốn giữa ngân hàng và DN vẫn không thể tháo gỡ vì không tìm đâu ra được một “giao lộ” cho vấn đề này.
Thừa & thiếu
Không khí tại các quầy giao dịch có vẻ “ảm đạm”, vắng vẻ ở hầu hết ngân hàng. Lãi suất vay hiện tại không phải là một rào cản nhưng DN vẫn “thờ ơ” đến ngân hàng vì không mấy DN đáp ứng đủ điều kiện vay vốn của ngân hàng. Kết quả là các ngân hàng hiện thừa vốn, đang tìm mọi cách cho vay để đạt tăng trưởng tín dụng 15%/năm nhưng vẫn không thể giải ngân được như ý muốn. Tại nhiều ngân hàng, cả lãnh đạo và nhân viên kinh doanh cùng đi tiếp thị DN cho vay vốn nhưng đầu ra vẫn bế tắc. Câu hỏi vì sao ngân hàng thừa vốn, tìm nhiều cách để giải ngân thông qua các gói ưu đãi lãi suất để đạt tăng trưởng tín dụng mà DN vẫn cứ khát vốn… luôn đặt ra trong rất nhiều cuộc gặp gỡ mà vẫn khó có câu trả lời cụ thể.
Hàng tồn kho lớn đã khiến tốc độ tăng trưởng tín dụng thấp. Ảnh: T.D |
Bà Nguyễn Thị Sương Thu – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Quảng Nam cho hay tốc độ giải ngân của hệ thống ngân hàng Quảng Nam hiện vẫn ở mức thấp, bất chấp các hàng rào kiểm soát đã được dỡ bỏ phần lớn. Hiện chỉ tiêu các hội sở giao cho các chi nhánh ngân hàng thương mại là phải tăng trưởng 15%, khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng trong vòng 3 tháng đầu năm nay, tăng trưởng dư nợ lại tiếp tục giảm khoảng 200 tỷ đồng. Như vậy dư địa ngân hàng rất lớn, cùng với nhiều gói tín dụng ưu đãi là cơ sở để DN tiếp cận vốn. Tuy nhiên, bà Thu cũng cho rằng điều kiện tín dụng sẽ không thay đổi. Trong bối cảnh hạn mức tín dụng bị khống chế để kìm chế lạm phát và tăng trưởng tín dụng hợp lý thì các ngân hàng thương mại hướng dòng vốn đến lĩnh vực có hiệu quả kinh tế cao là điều hợp lý. Các ngân hàng cũng đang gặp khó khăn nên phải tính toán chứ không thể đầu tư ồ ạt cho bất kỳ dự án nào. Nếu DN không đáp ứng được yêu cầu của ngân hàng thì dù lãi suất hạ vẫn khó tiếp cận vốn giá rẻ là một thực tế.
“Điều kiện tín dụng” đáp ứng ngân hàng là điều rất khó với DN hiện tại. Vì sau một thời gian “bơi” trong bão thị trường, DN đã kiệt sức, không còn đủ tài sản để thế chấp vay vốn. Ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng nói khi vay, ngân hàng nào cũng đòi tài sản thế chấp, nhưng hầu hết DN đã thế chấp hết rồi thì còn đâu lực để đáp ứng yêu cầu ngân hàng. Một bản cáo bạch của Sở Công Thương mới đây công bố tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp của 645 DN hoạt động trong các ngành công nghiệp tại Quảng Nam vào quý I.2014 đã trên 8%. Một số mặt hàng sản xuất tăng 38%, dệt may, da giày tăng 33% và lượng lao động đã tăng 1%. Điều này cho thấy sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu phục hồi nhanh, không như những năm trước phải đợi đến hết quý II hay III mới thấy rõ nét. Nhưng hầu hết DN đều cho rằng không thể tiếp cận vốn dù lãi suất đã hạ, dẫn đến việc DN không thể có vốn để chuyển đổi công nghệ, đầu tư mở rộng sản xuất.
Cần “giao lộ”
Sự ế vốn của các ngân hàng thường được lý giải là nền kinh tế, DN đã kiệt quệ, không còn khả năng hấp thụ vốn. Theo nhiều nhà kinh tế, lý giải này có đúng nhưng chưa đủ. Kết quả là ngân hàng thừa tiền, muốn đẩy mạnh tăng trưởng nhưng DN khát vốn vẫn là căn bệnh lưu cữu không thể tháo gỡ được… Thực sự, giữa ngân hàng và DN giống như một con đường song song không giao lộ, nên sự gặp nhau để cùng chia sẻ, vực dậy nền kinh tế địa phương vẫn là chuyện xa vời. Giới DN đã từng kỳ vọng rất nhiều vào sự điều tiết của cơ quản lý sau nhiều cuộc gặp gỡ giữa chính quyền, DN và ngân hàng, nhưng kết quả vẫn rơi vào vòng luẩn quẩn. Dòng tiền một lần nữa bị tắc, dẫn đến sự trì trệ của cả nền kinh tế địa phương. Ông Đoàn Ngọc Minh - Trưởng phòng Hợp tác đầu tư (Sở KH-ĐT) cho biết, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy rằng, hiện thời DN không còn cái gì để cầm cố, thế chấp, dù ngân hàng có hạ lãi suất nhiều thêm nữa vẫn không mấy DN có thể vay vốn được. “DN và ngân hàng hiện đã không thể tìm được tiếng nói chung. Các cơ quan tín dụng phải đơn giản hơn trong thủ tục và hãy nhìn vào tính khả thi của dự án để quyết định cho vay hay không, chứ không vì quá chú trọng vào việc để DN phải cầm cố cả tài sản cá nhân mới cho vay” - ông Minh nói.
Ngân hàng và DN đều có hoàn cảnh, khó khăn và “cái lý” riêng của mình nên đòi hỏi cả hai bên đều phải gắn kết lại để vượt qua, thậm chí để giúp DN đảm bảo khả năng trả nợ cho mình là cần thiết. Ngay cả việc chính quyền có thể đứng ra bảo lãnh cho DN vay vốn không cũng là vấn đề cần đặt ra. Còn nếu vẫn cứ điệp khúc gặp gỡ để “thanh minh”, giãi bày thì không thể giải quyết được vấn đề gì cho việc phục hồi và phát triển kinh tế. Tại sao không tính đến hàng tồn kho của DN cũng là tài sản, ngân hàng có thể cho DN cầm cố hàng tồn kho đó để lấy tiền sản xuất và Ngân hàng Nhà nước có thể mở một chương trình đặc biệt để các ngân hàng thương mại vay tiền để họ cho DN vay lại nhằm giải quyết hàng tồn kho, giải cứu nền kinh tế?
Dòng tiền ngân hàng đang ngập ngừng trước tất cả các kênh đầu tư. Tiền không biết giải ngân vào đâu là thực trạng đáng lo ngại hơn cả. Làm thế nào để các DN có thể tiếp cận vốn mới là mấu chốt vấn đề. Vấn đề này càng trở nên quan trọng hơn khi không muốn tình hình thất nghiệp và sự suy giảm sức mua không trở nên quá trầm trọng. Nếu ngân hàng vẫn giữ mục tiêu hoạt động vì lý do an toàn hệ thống và sự can thiệp của chính quyền, cơ quan quản lý không đem lại hiệu ứng khả quan nào để khơi thông dòng tín dụng thì kết quả sự suy kiệt cả nền kinh tế, thất nghiệp, sức mua ì ạch, thu ngân sách sụt giảm… là điều đã được dự báo trước!
TRỊNH DŨNG