"Ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau giải quyết nợ xấu"

TRỊNH DŨNG 08/03/2014 09:54

Mục tiêu năm 2014 của giới ngân hàng là tiến hành đồng thời việc xử lý dứt điểm nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ 12 - 14%. Liệu kế hoạch này có thực hiện được hay không khi các ngân hàng vẫn lo ngại nợ xấu tiếp tục gia tăng nên sẽ thận trọng hơn trong việc cấp tín dụng. Cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Quảng Nam với Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh Quảng Nam Nguyễn Thị Sương Thu sẽ thêm rộng đường dư luận.

PV: Nợ xấu tại Quảng Nam có đáng lo không?

 Đến ngày 31.12.2013, nợ xấu chỉ còn trên 800 tỷ đồng. Nếu trừ 650 tỷ đồng của Ngân hàng Cathay cho vay một dự án ngoài địa bàn thì có nghĩa trên địa bàn tỉnh chỉ còn trên 170 tỷ đồng. Như vậy xét về tỷ lệ nợ thì nợ xấu trên tổng dư nợ chỉ còn 1,7% (cả Cathay thì trên 3,7%). Nếu trừ Cathay ra thì nợ xấu ở trong tầm quản lý vì dưới 3%. Tuy nhiên, với tiềm lực tài chính doanh nghiệp và thị trường tài chính Quảng Nam thì khả năng về nợ chuyển xu hướng xấu cũng không lường được. Nếu kinh tế tiếp tục ảm đạm, xu hướng có những khoản nợ sẽ được chuyển qua nợ xấu. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng đã quy định, nếu các tổ chức tín dụng (TCTD) chủ quan cho doanh nghiệp vay, gặp nợ xấu thì buộc phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Còn các khoản nợ xấu do ảnh hưởng tài chính, tiêu thụ chậm thì các TCTD sẽ ngồi cùng doanh nghiệp bàn các giải pháp như cho giãn nợ, kéo dài thời hạn nợ hoặc cơ cấu nợ. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hạn chế áp lực trả nợ. TCTD cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trước khi chuyển số nợ quá hạn sang nợ xấu, chứ không phải ép các doanh nghiệp khi chỉ không trả nợ được một kỳ là đương nhiên nhảy nợ xấu.

Xử lý dứt điểm nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là mục tiêu của giới ngân hàng trong năm 2014.Ảnh: T.D
Xử lý dứt điểm nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng là mục tiêu của giới ngân hàng trong năm 2014.Ảnh: T.D

PV:Dựa vào đâu để tăng trưởng tín dụng lên 12% đến 14%?

Ngân hàng Nhà nước căn cứ vào tốc độ tăng trưởng của GDP. Sau khi tính toán năm 2013 và dự đoán tình hình có thể khởi sắc nên thống đốc đưa ra 12 - 14%. Tuy nhiên, tại Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng sẽ không phụ thuộc vào tốc độ chung của hệ thống ngân hàng nói chung. Tốc độ tăng trưởng tùy thuộc vào khả năng hệ thống các ngân hàng giao. Có một thực tế là các TCTD tại Quảng Nam rất khát dự án, mong đẩy tín dụng ra thị trường. Họ đã được hội sở giao chỉ tiêu tìm kiếm khách hàng để tăng trưởng dư nợ. Áp lực tăng trưởng dư nợ rất lớn nên các TCTD đang kích cầu tiêu dùng đối với cán bộ, công chức cho vay tiêu dùng, cho vay trả góp, tìm kiếm khách hàng có nhu cầu vay vốn để bằng mọi cách đưa đồng vốn ra ngoài. Nhưng có tăng trưởng hay không lại phụ thuộc vào khả năng bán hàng và sản phẩm cạnh tranh của các ngân hàng. Nói chung mục tiêu tăng trưởng dư nợ trên địa bàn không phụ thuộc vào mục tiêu tăng tưởng toàn hệ thống là 12% hay 14% mà có thể trên và cũng có thể xuống 7% hoặc 8%, tức là phụ thuộc vào khả năng đánh giá của các hội sở chính giao về cho chi nhánh Quảng Nam.

PV:Giới doanh nghiệp thường nói là ngân hàng thừa vốn sao doanh nghiệp vẫn khát vốn, vì sao?

Phải khẳng định rằng trên địa bàn Quảng Nam vốn ngân hàng không thừa. Tổng huy động của các TCTD trên địa bàn tỉnh khoảng 17.000 tỷ đồng, cho vay trên khoảng 22.000 tỷ đồng. Như vậy, vẫn còn chiếm dụng vốn, tức là mua vốn của các hội sở. Tuy nhiên, không phải vì đi mua vốn mà không mở rộng tín dụng. Chỉ cần có dự án tốt, cần bao nhiêu vốn là lập tức các hội sở đều cung ứng ngay cho chi nhánh. Lãi suất bây giờ không phải là vấn đề mà chính là thiếu dự án. Vấn đề là doanh nghiệp phải nói rõ vay để làm gì, bán ở đâu, thu tiền về như thế nào thì ngân hàng mới giải ngân. Trước đây, doanh nghiệp được giải ngân dễ dàng bằng tiền mặt, còn bây giờ thì ngân hàng sẽ chuyển khoản đến địa chỉ bán hàng. Đó là lý do khiến các doanh nghiệp có nhu cầu vay, nhưng không để sản xuất kinh doanh mà chỉ đảo nợ để nuôi nợ của mình thì không thể thực hiện được vì không có địa chỉ để chuyển tới.

PV: Tương lai nợ xấu vẫn còn là một dấu hỏi lớn vì những nguyên nhân gốc rễ dẫn tới tình trạng như hiện nay rất khó thay đổi?Vì vậy, ứng xử với vấn đề này như thế nào cho thật sự hiệu quả?

Xử lý nợ xấu hiệu quả, cách tốt nhất là các ngân hàng nên trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn và khi đầu tư phải thẩm định tốt về hiệu quả của dự án. Quy chế cho vay không thay đổi. Khi tình hình kinh tế tốt, các ngân hàng mạnh dạn đầu tư, nhẹ nhàng và dễ dàng hơn trong thủ tục, còn khi khó khăn, các ngân hàng sẽ thận trọng cho vay. Nếu dự án thẩm định kỹ thì rõ ràng sẽ hạn chế rất lớn về nợ xấu. Khi đến kỳ hạn trả nợ, ngân hàng sẽ thông báo cho khách hàng. Nếu không có khả năng trả nợ, nhưng có tiềm năng trả nợ thì ngân hàng sẽ giảm thời gian nợ, gia hạn nợ. Hiện các ngân hàng phải hy sinh lợi nhuận của mình trích lập dự phòng rủi ro để làm cho chất lượng tín dụng cao lên. Thông lệ quốc tế, khi cho vay, các ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro. Còn trích dự phòng rủi ro thì bản chất nợ vẫn không thay đổi mà chỉ không còn trong hạch toán nội bảng. Nợ vẫn ở ngân hàng và ngân hàng phải tiếp tục cơ cấu.

Khi có nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng phải tự tìm cách giải quyết. Cuối cùng mới đưa ra tòa, thi hành án, Nhưng điều này rất khó thu hồi vốn vì thi hành án rất chậm. Nếu không hòa giải được bằng  thỏa thuận tự thanh toán nợ với nhau thì buộc cưỡng chế. Mà cưỡng chế thi hành án rất khó. Chuyện này thì thi hành án trả lời chứ ngân hàng không thể trả lời được bởi không biết lý do gì mà việc cưỡng chế lại chậm như vậy, dù bản án đã có hiệu lực. Chắc chắn cả hai phía sẽ hợp tác mở hội nghị để tìm tiếng nói chung.

Hiện tại với các ngân hàng, tăng trưởng tín dụng và giải quyết nợ xấu là hai mục tiêu song hành. Họ không ưu tiên cái nào. Các ngân hàng đang rất khát dự án và có nhu cầu đưa vốn lớn ra ngoài thị trường nhưng đang gặp khó. Giới ngân hàng đang tha thiết các ngành như Sở Công Thương, Ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp nắm được doanh nghiệp mới, mở rộng đầu tư và doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được. Nếu có thông tin này, chúng tôi sẽ tổ chức những hội nghị kết nối doanh nghiệp với ngân hàng, hoặc sẽ chào hàng giúp cả hai bên. Điều này sẽ hạn chế sự mất vốn trên địa bàn bởi hiện rất nhiều ngân hàng phải đi chào hàng doanh nghiệp ở ngoài Quảng Nam.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Ngân hàng và doanh nghiệp cùng nhau giải quyết nợ xấu"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO