“Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng hãy còn trơ trơ” (Ca dao). Từ xưa đến nay, dường như trên bia đá thường chỉ ghi lại những điều tốt đẹp. Không kể những văn bia tôn vinh các nhân vật hiển hách như bia khoa bảng, bia công trạng, bia di ngôn danh tác…, ngay cả những kẻ lúc còn sống nhân cách vốn chẳng ra gì nhưng khi đã nằm dưới ba tấc đất, người ta cũng cố gắng tìm một vài ưu điểm nào đó để ghi vào bia chí và bỏ qua những hành vi sai trái. Trong lăng mộ của các vị vua chúa hay loạn thần tặc tướng vốn bị lịch sử phê phán cũng hiếm thấy ghi lại những hành động phản nước hại dân. Nghĩa tử là nghĩa tận. Không ai nỡ khắc tạc những điều tệ hại vào bia đá để bêu riếu những linh hồn đã vĩnh viễn trở về với hư vô, cát bụi.
Ông Barack Obama làm mặt hề với người hâm mộ. Nguồn: Internet |
Nhưng lịch sử thì không thể “độ lượng” như thế, bởi đó là những sự thật đã diễn ra trong quá khứ. Công việc của một người viết sử chân chính là sử dụng mọi phương tiện để ghi lại những sự thật đó thành văn bản (sử ký). Thế nhưng trong những giai đoạn mà khoa học công nghệ còn sơ khai, những tư liệu lịch sử có được phần lớn đều bắt nguồn từ chuyện kể dân gian, tức là từ… bia miệng. Tuy nhiên, cũng có những sự kiện mà lịch sử thành văn không đề cập hoặc thuật lại, hoặc kiến giải theo cách chủ quan của người chép sử. Trong khi đó, từ những thông tin ban đầu, “bia miệng” lại được bảo tồn bằng phương thức truyền khẩu rồi được gạn lọc thành các giá trị nhân bản phổ quát của cả một dân tộc, một cộng đồng cư dân. Với “bia miệng”, công và tội rất phân minh, yêu và ghét rất rõ ràng. Các cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Khúc Thừa Dụ… hay câu nói khảng khái “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc” của Trần Bình Trọng đều xuất phát từ chuyện truyền khẩu dân gian trước khi được đưa vào chính sử. Những sự kiện quan trọng cuối thời nhà Lê như Lê Chiêu Thống “cõng rắn cắn gà nhà” hay vua Quang Trung đại phá quân Thanh có lẽ cũng từng được bảo tồn dưới dạng “bia miệng” cho đến thời nhà Nguyễn mới được các sử thần chép lại theo quan điểm của triều đại mình. Cho nên nếu xét về mức độ khách quan và bền vững, có lẽ “bia miệng” còn đáng tin cậy hơn cả những cuốn sử đã được khắc in thành sách.
Cũng vì thế mà con người xưa nay vốn sợ “bia miệng”, cho dù là ở đẳng cấp nào. Các bậc vua chúa ngày xưa rất lo lắng khi nghe những khúc hát, những bài vè dân gian, thậm chí chỉ là những câu đồng dao của trẻ con có ngụ ý phê phán về chuyện thâm cung bí sử của mình. Chẳng hạn thời Lê - Trịnh viên đại thần là Huy Quận công có mối quan hệ bất chính với bà Tuyên phi Đặng Thị Huệ, dân gian có câu: “Ba quân có mắt như mờ/ Để cho Huy Quận vào sờ chính cung”; hoặc là câu ca dao chê bai Tông đồ vương Trịnh Cán bất tài, để mất ngôi vương vào tay Trịnh Khải: “Đục cùn thì giữ lấy tông/ Đục long cán gãy thì mong nỗi gì…”.
Vậy đó, sách sử có thể đốt sạch. Ngọn bút của sử gia có thể bị khống chế bởi bằng quyền uy, bổng lộc. Nhưng làm sao ngăn cấm được những thứ vô tướng vô hình như “bia miệng”? Chúng sẽ còn được truyền tụng mãi trên thế gian cho dù đối tượng đã mồ yên mả đẹp, cho dù vì một động cơ nào đó mà một nhân vật phản diện lịch sử có thể được vinh danh trên bia đá sử vàng. Còn ở tầng lớp bình dân, dường như mỗi khi hành xử việc gì ai cũng sợ để lại “tiếng đời”, không phải thứ tiếng thơm như trong câu “cọp chết để da, người ta chết để tiếng” mà là sự nhận diện không mấy đẹp đẽ của thế gian về nhân cách của mình.
Ngày nay, có một loại bia còn bền vững thiên thu hơn cả hai loại bia kia, đó là bia… mạng. Cũng như bia miệng, những “tấm bia” này được “dựng” lên từ thái độ, tình cảm của công chúng đối với một hành vi nào đó, của bất kỳ ai. “Bia mạng” còn có nhiều ưu thế khác như bảo tồn được tất cả hình thức thông tin một cách đầy đủ nhất, từ văn bản đến âm thanh, hình ảnh tĩnh và động; gây được hiệu ứng tức thì qua phương thức lan truyền, chia sẻ nhờ các phương tiện truyền thông; có độ bền vững gần như vĩnh viễn, trừ phi internet bị… đánh sập. Một cử chỉ thân thiện của một vị tổng thống ở tít tận phía kia trái đất lập tức được ai đó “dựng bia” và được hàng tỷ người phía bên này ngưỡng mộ. Ngược lại, một chính khách lỡ mồm nói một câu ngớ ngẩn cũng liền bị “dựng bia” cho cả thế giới đàm tiếu. Trên hệ thống truyền thông ở xứ ta, từ khi kết nối với internet đến nay đã có vô số những “tấm bia” như thế, cả tốt lẫn xấu. Biết bao “con người tử tế” với những “việc làm tử tế” trong kiệt cùng hẻm sâu hay nơi thôn bản heo hút vẫn hằng ngày được tôn vinh trên “bia mạng” làm rưng rưng xúc động cả cộng đồng. Còn vụ án “Năm Cam và đồng bọn” đã khép lại từ năm 2003 nhưng bây giờ gõ lên mạng vẫn đầy đặc thông tin. Trong số 155 bị can cả dân xã hội đen lẫn quan viên nhà nước, ngoài một số người đã bị tử hình, một số đang ngồi bóc lịch trong nhà đá, còn phần lớn đã mãn hạn tù nhưng “tấm bia” khổng lồ này vẫn cứ “trơ trơ”, mưa gió bụi mờ thời gian cũng không thể nào gột sạch.
Tuy nhiên, nếu “bia miệng” có nhiều khi nhầm lẫn do thiếu thông tin hoặc có ác ý chủ quan thì “bia mạng” cũng có hai loại chính và tà như công luận đã từng cảnh báo. Dù sao, chúng ta vẫn có thể tin rằng cuối cùng phần lớn công chúng sẽ tỉnh táo nhận diện được những “tấm bia” thật. Bên cạnh đó, luật pháp cũng sẽ có những công cụ hữu hiệu để buộc những kẻ làm “bia giả” phải lộ diện và trả giá. Ở một mức độ nào đó, thiết nghĩ có thể đưa luôn nhân thân, hình ảnh những đối tượng này lên… bia mạng, như một cách để răn đe.
PHAN VĂN MINH