Ngăn ngừa buôn lậu qua đường bưu chính

VIỆT NGUYỄN 31/10/2023 04:26

Thời gian qua, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc ký gửi, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả qua đường bưu chính. Cục Quản lý thị trường Quảng Nam và Chi nhánh Viettel Post Quảng Nam vừa ký kết thỏa thuận hợp tác để ngăn chặn các trường hợp nói trên.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và Chi nhánh Viettel Post Quảng Nam ký kết thỏa thuận hợp tác ngăn ngừa buôn lậu qua đường bưu chính. Ảnh: Q.VIỆT
Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường và Chi nhánh Viettel Post Quảng Nam ký kết thỏa thuận hợp tác ngăn ngừa buôn lậu qua đường bưu chính. Ảnh: Q.VIỆT

Tinh vi buôn lậu qua đường bưu chính

Đã bước vào “mùa vàng” sản xuất, kinh doanh cuối năm, dịp tết nên hoạt động thương mại sôi động. Cũng vì thế, nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả được dịp hoành hành.

Ông Lê Cần - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, lĩnh vực bưu chính hiện nay được các tổ chức, cá nhân khai thác triệt để phục vụ cho cả thị trường truyền thống lẫn thương mại điện tử (TMĐT). Qua đấu tranh, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã xử lý nhiều vụ vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu là thuốc lá điếu, pháo các loại.

 Với mạng lưới rộng khắp 63 tỉnh, thành phố trong cả nước cùng nhiều kho hàng, trung tâm khai thác ở các vùng trọng điểm kinh tế, sản lượng đơn hàng vận chuyển của Viettel Post hiện nay hơn 17 triệu đơn hàng/tháng, trung bình mỗi ngày 600 nghìn đơn hàng lưu thông. Ở Quảng Nam, sản lượng hàng hóa vận chuyển trung bình 13 nghìn đơn hàng lưu thông mỗi ngày. Đây là thế mạnh nhưng cũng là thách thức đối với Chi nhánh Viettel Post Quảng Nam trong kiểm tra, kiểm soát hàng hóa vận chuyển qua đường bưu chính. Đặc biệt, trên địa bàn Quảng Nam trong những năm qua hoạt động thương mại, dịch vụ ngày càng phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Cũng có thực trạng tội phạm về ma túy lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh và bưu chính để hoạt động. Một mặt hàng khác được các doanh nghiệp vận chuyển qua đường bưu chính và rất khó phát hiện là điện thoại thông minh, trong khi việc xác minh sản phẩm giả hay thật khiến cơ quan chức năng phải tốn nhiều thời gian, công sức giám định với chi phí cao.

“Vấn nạn hàng giả, hàng lậu, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ xuất xứ đã nhức nhối lại tinh vi hơn trước. Một cơ quan không thể quán xuyến hết mà cần nhiều ngành chức năng cùng hợp lực ngăn chặn” - ông Cần nói.

Ông Đỗ Xuân Thắng - Giám đốc Chi nhánh Viettel Post Quảng Nam cho biết, Viettel Post hay bưu chính Viettel hoạt động mạnh trên các lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh trong nước và quốc tế, logistics, fulfillment, thương mại…

Viettel Post cả nước nói chung và chi nhánh tại Quảng Nam đang tập trung các nguồn lực thiết kế, đầu tư hạ tầng mạng lưới logistics rộng và thông minh, đồng thời xây dựng hệ thống kho vận, chuỗi cung ứng để phục vụ chiến lược thương mại xuyên biên giới, vận tải hàng không… kết nối thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và thế giới.

Theo ông Thắng, hoạt động giao thương, vận chuyển hàng hóa nhộn nhịp thời gian qua là thuận lợi nhưng cũng nảy sinh nhiều thách thức đối với Chi nhánh Viettel Post Quảng Nam.

“Chúng tôi ý thức trách nhiệm của một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ Quốc phòng, vừa thúc đẩy kinh doanh vừa phải đảm bảo tuân thủ pháp luật. Bởi vậy, rất cần thiết ký kết thỏa thuận hợp tác với Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, hai bên hỗ trợ lẫn nhau để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các thành phần kinh tế trên thị trường và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng” - ông Thắng nói.

Để minh bạch thị trường

Theo Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), vấn đề lợi dụng bưu chính để vận chuyển hàng lậu, hàng giả đã được nhận diện từ 3 năm nay. Để ngăn chặn, ngành chức năng đề xuất cần có một quy định siết chặt buôn bán qua TMĐT; có chế tài và gắn trách nhiệm của chủ kinh doanh chuyển phát nhanh; nâng cao tính minh bạch của các trang web bán hàng online… Tuy nhiên, vẫn còn vướng và chưa có các quy định chặt cho vấn đề này.

Cuối tháng 7 vừa qua, Tổng cục Quản lý thị trường và Viettel Post đã ký thỏa thuận hợp tác. Theo nội dung thỏa thuận, hai bên bảo đảm trách nhiệm, quyền lợi của các bên với mục tiêu đấu tranh phòng chống hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ vận chuyển qua đường bưu chính và các hành vi gian lận thương mại khác trong hoạt động bưu chính.

Trên cơ sở thỏa thuận giữa Tổng cục Quản lý thị trường và Viettel Post, chiều 26/10, Cục Quản lý thị trường tỉnh và Chi nhánh Viettel Post Quảng Nam ký thỏa thuận hợp tác trong kiểm tra, xử lý đối với hàng hóa vi phạm quy định của pháp luật gửi qua đường bưu chính, bưu phẩm.

Ông Lương Viết Tịnh - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam cho biết, việc ký kết diễn ra ở thời điểm chín muồi. Bởi cách đây chưa lâu, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành đề án chống gian lận thương mại trên môi trường TMĐT đến năm 2025. Đây là đề án rất quan trọng, lực lượng quản lý thị trường xác định mặt trận phòng chống gian lận thương mại trong thời gian tới là TMĐT, trên các sàn giao dịch, các nền tảng mạng xã hội...

Theo tìm hiểu, tốc độ phát triển TMĐT tại Quảng Nam rất cao, dư địa rất lớn, bởi xu thế tất yếu tiếp tục chuyển dần từ mua bán truyền thống sang TMĐT. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhưng cũng là bài toán không dễ đối với quản lý thị trường, quản lý xuất xứ hàng hóa, sở hữu trí tuệ…

Ông Lương Viết Tịnh nói, chống gian lận thương mại trên môi trường TMĐT là mặt trận mới, khó đối với các cơ quan chức năng. Bởi, ngăn chặn trên mạng sẽ khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều so với thị trường truyền thống, do có yếu tố trung gian như dịch vụ thanh toán, hạ tầng, chuyển phát, bưu chính…

“Những thỏa thuận đã được hai bên thống nhất là nền tảng quan trọng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm. Hai đơn vị sẽ quán triệt thỏa thuận đến từng cán bộ, nhân viên để phối hợp thực hiện hiệu quả trong thời gian đến” - ông Tịnh nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngăn ngừa buôn lậu qua đường bưu chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO