Chuyện ô nhiễm môi trường ngày càng tác động rõ nét đến đời sống kinh tế - xã hội, thực sự là một nguy cơ cho sự phát triển bền vững. Trước vấn nạn đó, việc giám sát quan trắc môi trường đặt ra những đòi hỏi bức bách với các cơ quan hữu trách.
Điều rất lạ là có nhiều vụ gây ô nhiễm môi trường lại không do cơ quan hữu quan phát hiện ra mà bắt đầu từ báo chí. Vụ việc Vedan lén xả thải ra sông Thị Vải, Nhà máy đóng tàu Vinashin thải xỉ tàu, hay hàng loạt câu chuyện bức xúc về chất thải, nước thải ở các khu, cụm công nghiệp… là những thông tin báo chí từng phản ánh trước đây, đã tạo áp lực dư luận để các ngành chức năng vào cuộc xử lý. Sự giám sát của báo chí còn có tác dụng cảnh báo, giúp ngăn ngừa những trường hợp tương tự xảy ra. Như “nghi án” về các nhà máy ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh) xả thải làm nhiễm độc biển mà báo chí nêu lên vừa qua cũng khiến cho các cơ quan hữu quan phải xem xét lại quy trình giám sát quan trắc môi trường. Tuy nhiên, tiếng nói của nhân dân, sự đòi hỏi của công chúng đối với cơ quan công quyền, giới chủ doanh nghiệp trong trách nhiệm ngăn ngừa, xử lý các sự cố môi trường, thực tế chưa được phản ánh kịp thời, đầy đủ. Sự kết hợp giữa báo chí với các tổ chức hoạt động bảo vệ môi trường, với các đại biểu của dân trong việc giám sát và phản ánh những vấn đề bức xúc về môi trường cũng chưa mạnh mẽ. Vì vậy, nhiều vụ việc gây ô nhiễm môi trường kéo dài, tái diễn nhiều lần mà sự truy cứu về trách nhiệm của các cơ quan chức năng cũng như những đối tượng vi phạm chưa rốt ráo.
Để ngăn ngừa và chống nạn gây ô nhiễm môi trường không thể chỉ kêu gọi sự tự giác của chủ nhà máy mà phải có giám sát. Cũng không thể tin tưởng hoàn toàn với sự cam kết của chủ nhà máy rằng hệ thống xử lý chất thải đã được đầu tư xây dựng. Có thể, việc tiết kiệm chi phí để lợi nhuận tăng thêm khiến không ít nhà máy chỉ vận hành hệ thống xử lý chất thải khi có đoàn kiểm tra giám sát, sau đó thì mọi chuyện vẫn như cũ. Do vậy, giám sát quan trắc môi trường cần phải là một quy trình bắt buộc, có công cụ kiểm soát thường xuyên và bất cứ lúc nào. Quy trình đó càng khoa học và độc lập thì càng tốt để đảm bảo tính khách quan, chính xác, trung thực.
Đi đôi với các công cụ giám sát là phản biện. Dường như, việc chọn lựa dự án đầu tư xây dựng nhà máy còn có vấn đề trong khâu phản biện về đánh giá tác động môi trường. Vì thế mới có chuyện lạ là cùng một dự án nhà máy thép mà chỗ này thì từ chối mà chỗ khác lại đón nhận dù điều kiện môi trường gần như nhau. Hay như các dự án khác nhau nhưng giống nhau về “bản sao” đánh giá tác động môi trường. Ở đây, xảy ra hai khả năng để suy đoán là do tiêu cực hoặc yếu năng lực trong khâu phản biện, thẩm định. Mặt khác, dưới vỏ bọc “rải thảm đầu tư”, không thiếu nơi đã đánh đổi môi trường để lấy nhà máy công nghiệp. Và buồn thay, trong nhiều trường hợp cả người có trách nhiệm cũng như báo chí đều dễ sa vào vẻ hào nhoáng của các dự án có vốn đầu tư lớn “vẽ ra” tương lai tươi sáng mà thiếu sự tỉnh táo để phản biện. Dĩ nhiên, ngoài lý do khách quan là áp lực chung về việc tạo môi trường thu hút đầu tư thì ngay từ phía các nhà báo, cơ quan báo chí, năng lực phản biện còn hạn chế. Bởi phản biện đòi hỏi khả năng nghiên cứu, có kiến văn nhiều mặt. Sự phản biện có đạt hiệu quả cao hay không còn phụ thuộc vào việc thu hút giới chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, tạo các diễn đàn đối thoại…
Quan điểm “không phát triển bằng mọi giá” đã được chính quyền các cấp nêu lên ở nhiều diễn đàn.Từ sự cố môi trường ở các tỉnh bắc miền Trung vừa qua, chính phủ cũng đã chỉ đạo chính quyền các địa phương yêu cầu rà soát các nguồn xả thải ra biển, và không ít nơi tuyên bố từ chối hoặc cam kết loại bỏ các dự án, nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Tuy vậy, không có sự phản biện và giám sát chặt chẽ, minh bạch việc vận hành các dự án đầu tư và xử lý nguồn xả thải thì con đường chặn đứng tình trạng gây ô nhiễm môi trường sẽ đi vào ngõ cụt hoặc sẽ lúng túng giải quyết tình thế chỉ khi có sự cố diễn ra.
ĐĂNG QUANG