Thời gian qua, Công an tỉnh tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm tín dụng đen, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Diễn biến phức tạp
Qua nắm tình hình, đấu tranh triệt phá các đối tượng, nhóm đối tượng hoạt động tín dụng đen, Công an tỉnh và công an các địa phương nhận định tình hình tội phạm liên quan hoạt động này tiếp tục có những diễn biến khá phức tạp.
Đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cho hay, dưới hình thức cho vay hoặc huy động vốn với lãi suất vượt quá mức lãi suất cho vay mà pháp luật quy định, các cá nhân, nhóm người hoặc tổ chức kinh doanh dịch vụ tài chính thường gắn với hoạt động của tội phạm có tổ chức và núp dưới các vỏ bọc là các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cơ sở kinh doanh tài chính, công ty... (được cấp phép hoặc không phép).
Các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen như cho vay nặng lãi, giết người, cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, tổ chức đánh bạc. Nhiều đối tượng có các hành vi đe dọa, gây rối trật tự công cộng như đặt vòng hoa tang, quan tài, đổ chất bẩn, chất thải nhằm đòi nợ, siết nợ...
Bên cạnh đó, nhiều vụ huy động vốn với lãi suất cao bất thường dẫn đến vỡ nợ, vỡ hụi, gây thiệt hại nhiều tỷ đồng cho hàng nghìn người dân, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh đã phát hiện 13 vụ với 66 đối tượng hoạt động liên quan đến “tín dụng đen”, khởi tố, điều tra 8 vụ với 60 bị can. Cuối tháng 7/2023, đơn vị này đã khởi tố vụ án, khởi tố 52 bị can về các hành vi “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”, “Cưỡng đoạt tài sản”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Môi giới hối lộ”.
Trong chuyên án này, qua điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh xác định thông qua mạng xã hội và những công ty thanh toán trung gian, các đối tượng đã tổ chức cho vay lãi nặng với số tiền hơn 18 nghìn tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền hơn 8 nghìn tỷ đồng; tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi lãnh thổ Việt Nam với tổng số tiền hơn 5 nghìn tỷ đồng.
Nhận diện thủ đoạn
Theo cơ quan công an, các đối tượng cho vay lãi nặng thường hoạt động tập trung tại địa bàn khu đô thị, các khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân, người lao động. Một số đối tượng hoạt động lưu động tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn lợi dụng những người dân không đáp ứng được các điều kiện vay vốn của hệ thống tín dụng.
Tội phạm tín dụng đen còn hướng đến các đối tượng cần tiền vay phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng, sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như: đánh bạc, sử dụng ma túy...
Song song với cho vay trực tiếp theo kiểu truyền thống, các đối tượng còn kết hợp công nghệ, núp bóng doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vừa cho vay tiếp xúc trực tiếp với khách hàng, vừa sử dụng công nghệ để cho vay, đòi nợ.
Thời gian qua, nổi lên tình trạng các đối tượng thành lập hoặc mua lại các doanh nghiệp kinh doanh cầm đồ, tư vấn tài chính và thuê người đứng tên với nhiều cơ sở, cửa hàng tại nhiều địa điểm khác nhau.
Nhóm này vừa hoạt động cho vay cầm cố tài sản tại cửa hàng, vừa sử dụng công nghệ cao (thông qua các website, quản lý cửa hàng cầm đồ như Mecash, icash info...), hoạt động trên không gian mạng với thủ đoạn thu thêm nhiều khoản phí, quy định tiền phạt nhằm lách quy định pháp luật về lãi suất.
Tinh vi hơn, tội phạm tín dụng đen phát triển với cách thức sử dụng công nghệ hoàn toàn, hoạt động cho vay qua App, website phát triển. Công an ghi nhận xuất hiện nhiều ứng dụng, website giả, sử dụng tên gọi, logo, giao diện... giống hoặc gần giống với ứng dụng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, công ty tài chính được cấp phép để hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng được thường xuyên thay đổi tên hoặc ẩn thông tin nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Tăng cường đấu tranh, phòng ngừa
Đại tá Nguyễn Hà Lai - Phó Giám đốc Công an tỉnh thông tin, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an và UBND tỉnh, Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen.
“Để chủ động trong công tác phòng ngừa, Công an tỉnh đã chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đổi mới công tác tuyên truyền, phát động rộng rãi phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc nhằm phổ biến đến các tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn hoạt động, những hậu quả, hệ lụy của tín dụng đen.
Từ đó người dân nâng cao cảnh giác, chủ động phòng ngừa và tích cực tham gia tố giác, phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.
Chúng tôi phối hợp với các cơ quan, ngành chức năng của tỉnh ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đối sánh dữ liệu của ngành ngân hàng, làm sạch dữ liệu thông tin khách hàng vay, loại bỏ tài khoản “ảo”, phục vụ cho vay tín dụng tiêu dùng.
Bên cạnh đó, đã cùng các đơn vị viễn thông đối sánh dữ liệu, làm sạch thông tin thuê bao di động, loại bỏ sim “rác”; đề xuất, kiến nghị ngăn chặn các Website, ứng dụng (App) hoạt động tín dụng không đăng ký địa chỉ cụ thể, có biểu hiện hoạt động tín dụng đen” - Đại tá Nguyễn Hà Lai thông tin.
Để tăng cường hiệu quả đấu tranh, Công an Quảng Nam chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, quản lý địa bàn, đối tượng; thường xuyên nắm tình hình, đặc biệt là trên không gian mạng, kịp thời phát hiện những vấn đề liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” để đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
“Công an đang rà soát, thống kê danh sách, tổ chức kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự có nguy cơ, khả năng liên quan đến hoạt động tín dụng đen để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen phức tạp trở lại” - Đại tá Nguyễn Hà Lai nói.