Cuộc khởi nghĩa mang tên vị vua yêu nước Duy Tân, đã 100 năm trôi qua vẫn còn lưu danh tên tuổi những chí sĩ vì nước vong thân. Hai nhân vật chủ chốt của cuộc khởi nghĩa ấy, Thái Phiên – Trần Cao Vân, lẫm liệt với khí chất anh hùng xứ Quảng, ngàn thu gương sáng…
Cho đến nay, cuộc khởi nghĩa Thái Phiên – Trần Cao Vân tại phủ Tam Kỳ (Quảng Nam) vẫn còn nhiều điều bí ẩn. May mắn chúng tôi được tiếp cận từ nguồn tư liệu quý hiếm tại Pháp, góp phần làm sáng tỏ sự kiện này.
Theo ông Nguyễn Trương Đàn: “GS. Nguyễn Thế Anh tại Pháp cho tôi biết, tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia hải ngoại Pháp, thành phố Provence có lưu đầy đủ tư liệu về cuộc khởi nghĩa Duy Tân năm 1916. Từ đó, thông qua PGS-TS. Nguyễn Phương Ngọc - giảng viên Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam làm việc tại Đại học Tổng hợp Aix-Marseille I, Provence, là cháu của anh Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, người học cùng lớp với tôi, tôi nhờ cô giúp đỡ để có toàn bộ 3 hồ sơ: “Những biến loạn ở Trung kỳ, tháng 5 năm 1916”, “Triều đình Annam: Cuộc mưu loạn ở Huế” và “Rapport sur la situation politique de l’Annam” của Le Marchant de Trigon”. Phần tài liệu liên quan đến Tam Kỳ cũng nằm trong khối tư liệu đồ sộ này!”.
Di tích Phủ đường Tam Kỳ.Ảnh: ĐÌNH QUÂN |
Chúng tôi thật sự bất ngờ về giá trị lịch sử, tính độc đáo của các tài liệu từ nguồn mà ông Nguyễn Trương Đàn chỉ giáo. Ví như, thực dân Pháp lần đầu phát hiện manh mối cuộc khởi nghĩa Duy Tân là tại phủ Tam Kỳ. Bức công điện số 1321, Công sứ Quảng Nam ghi rõ: “Một nguồn tin rất chính xác cho biết, trung tâm của cuộc nổi loạn là ở vùng Trà My, phủ Tam Kỳ”. Một tài liệu khác nói rõ hơn là: “Những người An Nam di cư sang Xiêm đã từ lâu khuyên là nên để những người có tiền án trong vụ biến động năm 1908 đảm nhiệm, và chính những người này đã được các mật vụ người Đức cố vấn. Hội đồng tối cao của cuộc khởi nghĩa gồm: Thái Phiên, Trần Cao Vân (thầy phù thủy và bạn vua Duy Tân), Phan Thành Tài và Hương Thùy”.
Việc mộ quân cho cuộc khởi nghĩa ở Quảng Nam, được cụ Phan Thành Tài mô tả như sau: “Việc mộ binh phải đạt cho được từ 500 đến 600 người. Chi phí cho việc tuyển mộ do Trần Cao Vân và Thái Phiên chi trả với yêu cầu là phải có chữ ký của người nhận tiền… Những người cốt cán tại phủ Tam Kỳ có các ông: Phó Bẻm, người làng Tân An Tây, Xã Duân, người làng Phú Quý – Ngọc Giáp, Nguyễn Thuyên người làng Tân An Tây, Lê Thùy tự Lê Tùng, người làng Thạnh Mỹ Trung. Tại huyện Đại Lộc có Đội Đóa, người làng Quảng Huế Trung. Tại phủ Điện Bàn có Nguyễn Trình, người làng Bảo An Tây và Phan Khôi, người làng Phong Thử. Tại huyện Duy Xuyên: Nguyễn Nhẫn làng Phúc An, Nguyễn Uýnh làng Mỹ Lộc. Tại huyện Quế Sơn có thầy Lãm, người làng Trung Lộc. Tại phủ Thăng Bình có Huỳnh Phùng, người làng Tiên Đóa. Thái Phiên trực tiếp giao tiền cho Huỳnh Phùng ở Thăng Bình và Phan Khôi ở Điện Bàn. Tiền còn lại ở tôi là 185 đồng, dùng để dệt 130 cây vải xanh (chỉ dọc màu trắng, chỉ ngang màu xanh) để phân phối cho những người đứng ra mộ lính, may đồng phục. Còn giáo, mác, mã tấu do người phụ trách lính lo liệu. Việc sắm cờ, đúc ấn, đúc con dấu do Thông Phiên chịu trách nhiệm”. Càng gần đến ngày khởi nghĩa, công việc tuyển mộ dân binh thêm khẩn trương, theo Công sứ Lesterlin thì “Tại Tam Kỳ, họ đã tuyển mộ được 200 đến 250 người”.
Bút chiếu ngày 5.5.1915 tự tay vua Duy Tân viết. |
Kết hợp giữa tài liệu lưu trữ với chuyến điền dã tại Tam Kỳ mới đây, chúng tôi được các bô lão tại địa phương cho biết: Các hào phú trong phủ như ông Lê Khâm Duy (tức Bát Kiện) ở Hòa Hạ, ông Bá Ba ở Thanh Lâm… là những người đóng góp tiền bạc và lúa gạo nhiều nhất cho nghĩa quân. Một nhóm phụ nữ là thợ dệt, thợ may ở các vùng Tam Kỳ, Bãi Dương, Cầu Duối... đã bí mật dùng thuyền rớ, thuyền ghe chở hàng đậu dọc sông Tam Kỳ ở vùng Phú Ninh để dệt vải, may quân phục. Thực hiện sự chỉ đạo của Thái Phiên và Trần Cao Vân, các nhân vật cốt cán, chỉ huy lực lượng nghĩa quân phủ Tam Kỳ gồm: Trần Huỳnh chỉ huy đội nghĩa binh Tân An Tây, Trần Ni chỉ huy đội nghĩa binh Trường Xuân, Lê Tiện chỉ huy đội nghĩa binh Thanh Bình, Trịnh Uyên chỉ huy đội nghĩa binh Kim Đái, Trần Thu chỉ huy đội nghĩa binh Ngọc Mỹ, Võ Dương chỉ huy đội nghĩa binh Khương Mỹ, Lương Đình Thự chỉ huy đội nghĩa binh Quý Thượng, Nguyễn Tình chỉ huy đội nghĩa binh An Hòa… Ban chỉ huy nghĩa binh tại phủ Tam Kỳ được bầu ra, gồm năm người: Trần Huỳnh - Tổng lãnh binh (làng Tân An Tây, Tiên Phước, là Phó tổng Tổng Phước Lợi, có con trai đầu tên là Bẻm, nên nhân dân trong vùng thường gọi là Phó Bẻm); Trần Ni - Phó tổng lãnh binh (làng Trường Xuân, Tam Kỳ); Trần Khuê - Đề Các (làng Cây Cốc, Tam Kỳ); Lê Ngoạn - Tán tương quân vụ (làng Trung Đàn Thượng, Tam Kỳ); Ngô Đối - Tán lý sự vụ.
Chiều ngày 3.5.1916, tại phủ Tam Kỳ, các đội nghĩa binh gồm khoảng 650 người đã bí mật tập kết tại căn cứ Gò Chà (còn gọi là Gò Đỏ), để làm lễ tế cờ ngũ tinh và xuất quân. Sau khi nghĩa binh uống rượu thề phục quốc, Tổng lãnh binh Trần Huỳnh đọc tuyên cáo, rồi bắn phát súng lệnh khởi binh. Trời tối dần, đoàn nghĩa binh xuất phát hướng về phủ lỵ Tam Kỳ, với lá quốc kỳ ngũ tinh dẫn đầu từ tay Lê Ngoạn giương cao. Trần Huỳnh, Trần Ni, Trần Tùng Vân chỉ huy một đội nghĩa binh lớn có nhiệm vụ đánh chiếm phủ đường Tam Kỳ và đồn Đại lý Pháp. Nghĩa binh tấn công tòa Đại lý, nơi có đồn lính khố xanh nhưng không thấy địch chống cự, họ nhanh chóng chiếm được đồn, phá kho, thu một số đạn, quần áo và một khẩu súng hỏng. Sau đó, họ lặng lẽ tiến đến bao vây phủ đường Tam Kỳ. Tuy nhiên, quân khởi nghĩa không ngờ đã bị thực dân Pháp giăng bẫy, phục kích tại phủ lỵ. Khi Trịnh Uyên - chỉ huy đội nghĩa binh Kim Đái leo lên cột cờ phủ đường, để hạ lá cờ quẻ ly xuống, treo lá cờ ngũ tinh của quân khởi nghĩa thì bị một loạt đạn nổ ran, ông bị tử thương tại chỗ. Bức điện cực khẩn của số 99s, ngày 4.5.1916 của Khâm sứ Trung kỳ ghi lại sự kiện này như sau: “Đồn trưởng lính khố xanh tại Tam Kỳ báo cáo là quan phủ và tất cả người Âu Châu bị tấn công trong đêm nay. Một nhóm phiến loạn đã chiếm phủ, Văn phòng Tòa Đại lý phải di chuyển. Nhà ở của người Âu và Tòa Đại lý không bị tấn công. Quân phiến loạn đã kéo cờ tại phủ đường (cờ màu đỏ, ở góc trên là màu xanh với 5 ngôi sao trắng). Phiến quân có ba hoặc bốn súng săn, ta đã lấy được 1 khẩu, có 4 thường dân bị thương. Trong lúc toán quân thứ nhất bỏ chạy, thì Quan phủ Tam Kỳ hớt hải chạy đến nhờ thanh tra Fouconnet đến giải cứu phủ đường. Ông Fouconnet cùng với số người liền tiếp viện. Trời không trăng, tối như mực, Fouconnet gặp một đám nhà quê, ông gọi hỏi thì bọn người này trả lời: “Chúng tôi là quân nổi dậy đây!”. Lập tức, ông ta ra lệnh tấn công, đám người đó bỏ chạy tán loạn theo nhiều hướng, nên không thể đuổi kịp. Họ để lại cạnh cột cờ một người chết, một khẩu súng săn 2 nòng còn mới, 9 túi da đựng đạn chì, hàng tá dao rựa. Trong nhà của Quan phủ, tất cả đều bị phá, các rương hòm bị đục thủng”.
Ngay sau cuộc nổi dậy, khắp Quảng Nam nói chung và Tam Kỳ nói riêng, thực dân Pháp đàn áp rất khốc liệt. Bức điện số 44 ngày 6.5.1916 cho biết: “Tại Tam Kỳ, trong lúc đàn áp, lính bảo an đã bắn chết 4 người và làm bị thương 2 người khác”. Mật thám bắt được 31 nghĩa binh, trong đó phần lớn là chỉ huy cốt cán như: Trần Huỳnh, Trần Tùng Vân, Trần Khuê. Riêng ông Trần Ni không bị bắt, ông lánh về quê ngoại ở núi Đất, tại Quảng Phú. Quân Pháp bắt bớ tràn lan hơn 500 người đưa về phủ đường Tam Kỳ tra tấn. Vợ con, thân nhân của những nghĩa binh bị bắt đều bị quy tội liên can và đóng gông giải về nhà lao phủ đường để tra hỏi. Cả những nho sĩ trước đây hay làm thơ đả kích bọn quan lại tham ô và cả những người giàu có ở địa phương cũng bị bắt để tống tiền… Viên công sứ Lesterlin ở Quảng Nam cho biết: “Hơn 120 cuộc truy bắt đã được tiến hành liên tục từ ngày 4 đến ngày 25 tháng 5 trong phủ Tam Kỳ. Chúng tôi không còn chỗ để giam giữ và không có đủ người để trông coi họ...”.
Ngày 3.6.1916, Trần Huỳnh bị xử chém tại Chợ Củi gần tỉnh thành La Qua (Điện Bàn). Trước khi tuẫn tiết, ông vẫy chào mọi người và hô vang: “Dòng giống Lạc Hồng thiên thu, Việt Nam vạn tuế!”. Còn ông Trần Ni, thực dân đã tổ chức truy lùng ráo riết sau ba tháng mới vây bắt được và cũng xử chém ông tại Chợ Củi. Riêng ông Trần Siêu (làng Hạ Thanh, xã Tam Thanh) đã quyên sinh trong nhà lao Hội An.
Từ các tài liệu trên cho chúng ta đi đến kết luận là: Tam Kỳ là nơi duy nhất tại Trung kỳ trong cuộc khởi nghĩa vua Duy Tân – 1916, lực lượng nổi dậy đã sử dụng bạo lực để đánh đuổi thực dân Pháp và có đổ máu. Vì vậy, dẫu nghiệp lớn bất thành song hình ảnh những sĩ phu nghĩa binh yêu nước ấy vẫn ngàn thu tiết rỡ!
LƯU ANH RÔ