Ngang nhiên khai thác vàng trái phép

TUỆ LÂM 04/09/2014 08:30

Sau một thời gian tạm lắng, gần đây tình trạng khai thác vàng trái phép lại diễn ra công khai dọc con sông Cái chảy qua địa bàn xã Cà Dy (huyện Nam Giang). Điều đáng nói là việc khai thác vàng trái phép này diễn ra rất quy mô, ngay dọc hai bên quốc lộ 14B đoạn chạy qua xã Cà Dy mà không hề gặp phải sự can thiệp nào của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Cày xới

Khi chúng tôi có mặt tại thôn Ngói (xã Cà Dy) cũng là lúc từng đoàn xe tải, xe múc rời khỏi hiện trường khi thấy “động”. Tuy nhiên, những dấu vết đào xới, cày nát cả một khúc sông thì vẫn còn đó. Từng hố sâu được tạo ra với ngổn ngang đất đá. thấy chúng tôi, 4 phụ nữ không tỏ vẻ sợ sệt mà hiếu kỳ dò hỏi: “Nhà báo à? Sao không tới sớm chút nữa? Họ vừa mới đi xong, còn gì nữa mà chụp?”.

Lộ ra những miệng vực nguy hiểm do đào xới tìm vàng trái phép tại thôn Pà Lanh, xã Cà Dy. Ảnh: T.LÂM
Lộ ra những miệng vực nguy hiểm do đào xới tìm vàng trái phép tại thôn Pà Lanh, xã Cà Dy. Ảnh: T.LÂM

Theo những phụ nữ này, hơn một tháng nay từng đoàn xe múc, xe tải đến khai thác rầm rộ cả một khúc sông. “Họ làm nhiều lắm, đi đi chở chở không biết bao nhiêu. Mình mà tới làm là họ đuổi. Giờ thấy họ rút rồi mình mới dám ra mót vàng đây” - chị A Lăng Hoa (ở thôn Ngói) cho biết. “Thế không sợ bị bắt à?” - tôi hỏi. “Ôi trời, người ta máy móc đào xới ầm rứa mà có bị bắt mô? Mình đi kiếm ít vàng cám thôi, có nhiều đâu, mỗi ngày chia ra mỗi người được 20 nghìn đồng thôi. Hết mùa rẫy, đi kiếm ít tiền mua gạo ăn mà…” - chị Hoa nói thêm. Tuy đã rút hết xe cơ giới ra khỏi thôn Ngói, nhưng vẫn còn một số người dựng lán trại ở lại để giữ bãi. Thấy chúng tôi, họ nhanh chóng rút vào lán, mắt không rời những vị khách không mời.

Những phụ nữ ở thôn Ngói ngày ngày tìm kiếm vận may bằng những hạt vàng cám.
Những phụ nữ ở thôn Ngói ngày ngày tìm kiếm vận may bằng những hạt vàng cám.

Chúng tôi lại được chứng kiến cảnh tương tự ở thôn Pà Lanh (xã Cà Dy). Một công trường quy mô lớn với những miệng vực đã được tạo ra, phá nát diện tích lớn đất ở triền sông. Trước đây khu vực này trồng lúa nước, tuy nhiên do không chủ động được nguồn nước tưới nên phải bỏ hoang. Huyện đã có kế hoạch cải tạo diện tích đất này để phát triển sản xuất, tuy nhiên dự án khó có thể triển khai khi 2/3 diện tích đã bị phá nát. “Từ năm ngoái đến nay, một số người từ nơi khác đến liên hệ với người dân có đất ở đây để mua lại, rứa là họ bán. Người này thấy người kia bán nên cũng bắt chước bán theo. Mỗi hộ dân bán được ít nhất cũng trên 10 triệu đồng, còn người nhiều thì bán được 40 - 50 triệu đồng… Khu vực này đã có gần 90 hộ dân bán đất cho các chủ bãi để khai thác vàng trái phép” - bà Trần Thị Nở (ở thôn Pà Lanh) cho biết. Theo bà Nở, gia đình cũng có diện tích đất tại khu vực này, nhưng bà không bán mà kiên quyết giữ lại. “Họ cứ đào khoét, múc sâu tạo thành từng miệng vực làm sạt lở cả phần đất của nhà tôi. Có nói thì họ cũng ậm ừ cho qua chuyện. Giờ rút hết rồi, biết tìm đâu mà bắt đền đây…” - bà Nở thở dài nói.

Xã nói không, huyện bảo có

Để tìm hiểu sự việc, chúng tôi đến trụ sở UBND xã Cà Dy. Vào tìm gặp người có chức năng để trả lời vụ việc, chúng tôi được biết chủ tịch xã đã đi họp trên huyện. Còn ông Hôih Ưu - Phó Chủ tịch UBND xã Cà Dy thì cho biết, những vấn đề chúng tôi vừa nêu không thuộc thẩm quyền của ông mà thuộc sự quản lý của chủ tịch UBND xã nên không thể trả lời được.

Chúng tôi điện thoại để hẹn gặp ông Bh’nướch Phước - Chủ tịch UBND xã Cà Dy thì ông cho biết đang bận đi họp, đi học nên không thể gặp, cứ trao đổi qua điện thoại. Khi chúng tôi đặt vấn đề về những sự việc vừa ghi nhận, có hay không việc xã “bật đèn xanh” cho doanh nghiệp vào khai thác vàng trái phép, ông Phước lại quanh co phủ nhận việc UBND xã hợp đồng với các đơn vị này. Ông nói không có chuyện lấy nguồn kinh phí từ các doanh nghiệp khai thác vàng trái phép để làm ngân sách cho xã. Chúng tôi xin được gặp trực tiếp để trao đổi bởi vấn đề “còn quá nhiều khúc mắc” thì ông Phước từ chối và tắt máy.

Cấp xã phủ nhận chuyện hợp đồng với doanh nghiệp, tuy nhiên, ông Chờ Rum Nhiên - Bí thư Huyện ủy Nam Giang lại thẳng thắn cho biết, có trường hợp UBND xã Cà Dy hợp đồng với doanh nghiệp để khai thác vàng trái phép tại địa bàn. “Mỗi tháng doanh nghiệp này đóng vào ngân sách xã chừng 2 - 3 triệu đồng gì đó, đâu có nhiều nhặn gì. Nhưng chính quyền xã vẫn cho phép. Khi huyện, mà đích thân anh Alăng Mai, Chủ tịch UBND huyện dẫn đoàn lên kiểm tra thì doanh nghiệp này đưa ra bản hợp đồng với xã. Dù đã nhiều lần kỷ luật, nhắc nhở không được tái phạm nhưng không hiểu sao đến giờ vẫn tiếp tục tái diễn. Sắp đến, chúng tôi sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng, dẹp tất cả những điểm khai thác trái phép kia…” - ông Nhiên nói.

Thực chất, những doanh nghiệp này khi đã “đánh hơi” được nguy hiểm đã tìm cách rút êm. Điều đáng nói ở đây chính là những hệ lụy từ việc đào xới vô tội vạ của họ gây ra ai sẽ khắc phục?

TUỆ LÂM

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngang nhiên khai thác vàng trái phép
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO