Ngang nhiên phá rừng (clip)

NGUYỄN DƯƠNG 16/03/2017 08:42

Như Báo Quảng Nam đã thông tin, khu vực rừng phòng hộ giáp ranh giữa hai xã Trà Tân và Trà Sơn (huyện Bắc Trà My) đã bị xâm hại nghiêm trọng trong thời gian qua. Lần theo dấu vết tại hiện trường, chúng tôi tiếp tục phát hiện trên đỉnh Chóp Nón (khu vực giáp ranh giữa xã Trà Tân và Trà Giác, Bắc Trà My), nhiều cây cổ thụ cũng bị đốn hạ không thương tiếc.

Ở khu vực đỉnh núi Chóp Nón, hàng chục gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Ở khu vực đỉnh núi Chóp Nón, hàng chục gốc cây cổ thụ đã bị đốn hạ.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Phát hiện thêm điểm phá rừng

Yêu cầu kiểm tra tình trạng phá rừng ở Bắc Trà My

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh về việc phá rừng liên tục xảy ra ở địa phận huyện Bắc Trà My, sáng 15.3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh và UBND huyện Bắc Trà My nhanh chóng vào cuộc kiểm tra; yêu cầu các đơn vị liên quan xác minh, báo cáo kịp thời để có hướng chỉ đạo phù hợp.

Cùng ngày, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, chi cục đã tổ chức lực lượng đến hiện trường kiểm tra tình hình khai thác gỗ như thông tin báo chí đã nêu. “Chúng tôi huy động thêm Đội Kiểm lâm cơ động số 1 ở trên đó tiến hành rà soát toàn bộ, không chỉ ở những khu vực đã nêu mà là toàn bộ diện tích rừng trên địa bàn để kiểm tra, xem xét, sớm có báo cáo cụ thể” - ông Tuấn nói.

Ngày 13.3, chúng tôi men theo con đường mòn đâm xuyên giữa khu vực rừng phòng hộ tự nhiên, nơi giáp ranh giữa hai xã Trà Sơn và Trà Giang (Bắc Trà My) thì phát hiện khu rừng đang bị lâm tặc tàn phá không thương tiếc. Từ dốc Bắp (xã Trà Sơn) đến giáp Đá Bàng C9 (xã Trà Giang), hàng loạt cây gỗ lớn đã bị đốn hạ được xẻ thành từng khúc có đường kính 40 - 60cm, dài khoảng 1,5 - 2m đang tập kết hai bên đường. Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ, xẻ lấy gỗ, chỉ còn lại gốc, bìa gỗ và mùn cưa, nhánh cây. Có cây gỗ vết cắt còn mới, 2 người ôm không xuể, bị cưa đổ rơi ngã xuống sườn dốc chưa kịp vận chuyển đi. Dấu vết của những lần vận chuyển gỗ còn rất mới…

Sau khi đã phản ánh tình trạng này trên Báo Quảng Nam (số báo thứ Ba, ngày 14.3), nhưng nhận thấy “con đường của gỗ” vẫn còn rất nhiều, chúng tôi quyết định đổi sang hướng khác, lần theo dấu vết còn sót lại. Gọi là dấu vết còn sót lại là bởi những vệt gỗ được trâu kéo trên mặt đất sét vẫn còn mới tinh, tỏa đi nhiều hướng. Sau một lúc loay hoay phân tích, đoán chừng nhưng vẫn không tìm được đường vào cửa rừng thì may mắn, chúng tôi bắt gặp một người dân địa phương đang đánh trâu vào rẫy. Lân la bắt chuyện trong vai một cán bộ địa chính đi đo đạc diện tích rừng nhưng bị lạc, chúng tôi có được những thông tin quý giá: người này cũng chính là một trong những phu gỗ, thường xuyên kéo trâu vào bãi để vận chuyển ra nơi tập kết. Giá mỗi chuyến đi từ 350 đến 400 nghìn đồng. “Cứ 3 - 4 ngày một chuyến. Đi về rồi lại nghỉ, đến khi chủ gỗ gọi thì lại đi. Một chuyến cả đi cả về mất chừng 1 ngày” - người này nói. Chừng như thấy chúng tôi hỏi nhiều, người này không nói nữa mà chỉ vào một con đường nhỏ bảo “cứ men theo đó mà đi, qua 3 cái đồi keo của người dân là tới rừng già. Cứ thế đi thêm 3 tiếng nữa là tới”.

Mời bạn đọc xem video clip:

.

Theo chỉ dẫn, chúng tôi men theo vệt kéo gỗ còn in hằn trên đất luồn sâu vào cánh rừng già. Chừng hơn 4 tiếng đồng hồ, khi đã bắt đầu thấm mệt thì một “đại công xưởng” gỗ giữa rừng hiện ra trước mắt chúng tôi. Những gốc cây cổ thụ chỉ còn trơ gốc. Thân đã bị xẻ thành nhiều mảnh to có, nhỏ có. Nhiều thân cây vẫn còn nguyên chưa kịp xẻ thành phách nằm ngổn ngang khắp sườn núi. Dấu vết để lại từ những lán trại quanh khu vực này vẫn còn mới nguyên, nhưng không thấy bóng dáng một người nào. Có hàng chục gốc cây cổ thụ bị đốn hạ. Phần lớn gỗ đã được chuyển đi, nhưng vẫn còn ngổn ngang những phách gỗ. Theo ước tính, số lượng gỗ bị khai thác hơn 40m3. Khi đưa những hình ảnh ghi lại được tại hiện trường và qua mô tả của chúng tôi, ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My xác định đây là khu vực đỉnh núi Chóp Nón. Những đối tượng tàn phá rừng trên đỉnh Chóp Nón rất “biết chọn” gỗ để khai thác, đó là những cây cổ thụ có đường kính lớn từ 1 người ôm trở lên, còn lại, những cây nhỏ thì vẫn còn ở đó. Căn cứ theo những dấu vết để lại tại hiện trường, thì đây là một cách khai thác rất quy mô, bài bản. Tuy nhiên, dấu hiệu can thiệp của các cơ quan chức năng hầu như không có.

Những phách gỗ còn mới chưa kịp chuyển đi vẫn còn ngổn ngang ở khu vực này. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Những phách gỗ còn mới chưa kịp chuyển đi vẫn còn ngổn ngang ở khu vực này. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Địa phương chưa nắm thông tin

Theo phản ánh của một số người dân thôn 3 (xã Trà Tân), tình trạng khai thác gỗ ở địa phương đã xảy ra từ trước tới nay nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý rốt ráo. Tại những cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã kiến nghị nhưng tình trạng phá rừng vẫn chưa được ngăn chặn. Cũng theo một số người dân, các cây gỗ sau khi được cắt ngắn với chiều dài gần 2m sẽ vận chuyển bằng bò kéo ra ngoài bìa rừng. Sau đó, sẽ có xe vào chở gỗ đưa xuống thị trấn Bắc Trà My tiêu thụ. Hôm 13.3, khi làm việc với chúng tôi về vấn đề này, ông Lê Văn Hào - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Sơn cho biết, địa điểm rừng đầu nguồn từ dốc Bắp (thuộc xã Trà Sơn) giáp ranh với xã Trà Giang là quá rộng nên địa phương chưa nắm được. Mặt khác rừng núi hiểm trở, đi lại hết sức khó khăn nên lực lượng dân quân và Hạt Kiểm lâm xã không thể đi kiểm tra thường xuyên. “Việc lâm tặc tàn phá rừng đầu nguồn chính quyền xã chưa nhận được thông tin phản ánh của người dân. Nếu nhận được thông tin chúng tôi sẽ cử lượng đi kiểm tra” - ông Hào nói.

Những gốc cây cổ thụ như thế này đã bị xẻ từng phách gỗ để đưa ra ngoài tiêu thụ.  Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Những gốc cây cổ thụ như thế này đã bị xẻ từng phách gỗ để đưa ra ngoài tiêu thụ. Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

Ngay sau khi Báo Quảng Nam có phản ánh tình trạng này, UBND huyện Bắc Trà My cùng với Hạt Kiểm lâm tổ chức đợt kiểm tra. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, qua kiểm tra, đoàn phát hiện tại những khu vực mà báo phản ánh phát hiện 1 cây xoan bưu, 1 cây sơn huyết, trám trắng và 1 số cây nhỏ dọc đường đi. “Đó là do những người dân bản địa khai thác, tận dụng. Đây là khu vực rừng nghèo, rừng  sản xuất chứ không phải là rừng phòng hộ. Quy mô khai thác ở đây cũng nhỏ thôi” - ông Nhuần nói.

Cũng theo ông Nhuần, chính quyền địa phương đã tổ chức truy quét và chốt chặn rất gắt gao với 1 tháng từ 3 - 4 lần tuần tra để kiểm soát tình hình. Khi chúng tôi đề cập tình trạng phá rừng tại núi Chóp Nón với quy mô lớn thì ông Nhuần giải thích, đây cũng thuộc khu vực rừng sản xuất, rừng nghèo, là khu vực giáp giữa xã Trà Tân và Trà Giác. Ở đây, huyện có một tổ chốt chặn giữa rừng để tuần tra, truy quét tình hình khai thác thiếc, vàng trái phép. Tuy nhiên, dọc đường chúng tôi vào thì không ghi nhận một tổ tuần tra nào đang chốt chặn. Khi được xem những hình ảnh mà chúng tôi ghi nhận được tại rừng Chóp Nón, ông Nhuần cho biết, không ngờ lại có quy mô lớn như thế. Đồng thời rút máy điện thoại cho các ban ngành chức năng để yêu cầu ngay ngày mai lên hiện trường để điều tra, làm rõ. “Riêng về thông tin là có xe chở gỗ về thị trấn tiêu thụ chúng tôi sẽ tìm hiểu. Nếu có tình trạng này sẽ xử lý theo pháp luật” - ông Nhuần cho hay.

NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngang nhiên phá rừng (clip)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO