Ngang vùng "đất thép"

TRẦN HỮU PHÚC 23/03/2015 14:26

Địa đạo xuyên lòng đất Bình Túy còn vẹn nguyên; một bức phù điêu đẹp về chị Xáng như những “bảo tàng sống” của làng quê anh hùng. Tháng 3 về đi qua nhiều cánh đồng mơn mởn sắc xuân, cảm nhận sự hồi sinh mạnh mẽ của đất và người Bình Giang.

“Mãi mãi tuổi hai mươi”

Ký ức tuổi thơ tôi là những năm tháng tắm mình trên sông Trường Giang thơ mộng; cùng ba đi xem những bộ phim về đề tài chiến tranh Việt Nam được công chiếu ở làng. Ngày đó, bộ phim “Dòng sông quê hương” do Điện ảnh Quân đội nhân dân Việt Nam sản xuất năm 1966 mãi ám ảnh tôi. Bối cảnh phim là làng mạc, cánh đồng cháy ở các xã vùng đông Thăng Bình, “mưa bom bão đạn” trên sông Trường Giang, đến rừng núi Trà My âm u và vùng Tây Nguyên rộng lớn. Quân Mỹ đông như kiến, tìm cách chia cắt hai bờ sông. Ấy vậy mà người lái đò vẫn ngày đêm đưa bộ đội vượt sông và các nữ du kích ngụy trang hoạt động bí mật trên thuyền rớ ngay trong lòng địch. Tình cờ dịp kỷ niệm Ngày thương binh – liệt sĩ 27.7.2012, tôi về địa đạo Bình Túy (xã Bình Giang, Thăng Bình) đúng ngày địa phương long trọng làm lễ truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cùng một lúc cho chị Trương Thị Xáng, Bùi Thị Huỳnh và cụ Võ Đông. Những trang sử dày đặc, tinh thần trung kiên, bất khuất của người cộng sản làm rạng danh tên đất, tên làng của Bình Giang.

Chân dung chị Trương Thị Xáng được khắc trên đá trước ngôi nhà em trai - ông Trương Hoàng Lâm. Ảnh: H.PHÚC
Chân dung chị Trương Thị Xáng được khắc trên đá trước ngôi nhà em trai - ông Trương Hoàng Lâm. Ảnh: H.PHÚC

Lặn lội từ thị trấn Trà My về, ông Võ Cao Nguyên không cầm được nước mắt khi nghe đọc tóm lược lịch sử của ông nội mình (cụ Võ Đông) và sức chịu đựng phi thường của ông trước tra tấn nhục hình của địch. Một sự trùng lặp ngẫu nhiên, ông Nguyên còn giới thiệu với tôi, hình ảnh anh hùng Võ Đông cũng đã tái hiện sinh động trong phim “Dòng sông quê hương” - một bộ phim thường hay trình chiếu ở các xã vùng cao xứ Quảng vào dịp ngày giải phóng quê hương. Sử chép: Những năm 1964-1966, địch triển khai âm mưu “đốt sạch, phá sạch, giết sạch”, hòng biến các xã vùng đông Thăng Bình thành “vành đai trắng”. Giặc thả hàng nghìn tấn bom, đưa nhiều xe bọc thép, máy bay quần đảo làng mạc. Thế nhưng, quân Mỹ đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân, dân và du kích Bình Giang. Khi rút quân, giặc lần lượt bắn chết nhiều người dân vô tội. Không moi được thông tin, chúng đem hai cha con cụ Võ Đông về xử bắn tại cánh đồng Liễu Thạnh thuộc xã Bình Nguyên và thủ tiêu 17 người dân vô tội tại Tất Viên – xã Bình Phục (Thăng Bình). Chiến trường ác liệt nên làng Bình Túy sáng kiến đào một địa đạo bí mật trong lòng đất dài 3km làm nơi nuôi giấu cán bộ. Ngày 22.2.1965, giặc tăng cường 3 tiểu đoàn chính quy mở trận càn quét mới. Cùng lúc, chúng phát hiện được miệng địa đạo Bình Túy, sau đó dùng xăng, khí độc đưa xuống hầm, dụ dỗ để cán bộ ta ra đầu hàng, rồi bắt bớ dân chúng đào địa đào và trừng phạt nặng nếu ai chống đối. Lúc này, dưới lòng đất có khoảng hơn 300 cán bộ tỉnh, huyện và du kích địa phương hoạt động. Hoàn cảnh nguy kịch, người con gái chưa bước qua tuổi 20 – chị Trương Thị Xáng đã dùng mưu mẹo thực hiện kế sách “hoãn binh”. Chị giả vờ đau bụng, để mọi người tập trung vào cứu chữa, kéo dài tiến độ đào địa đạo về buổi tối. Đêm đó, chị Xáng và nhiều phụ nữ giữ liên hệ mật thiết với cơ sở thuyết phục được một số binh lính địch có cảm tình với cách mạng hợp đồng giờ giấc để họ mang vũ khí ra vùng giải phóng. Nhờ cây đèn pin của trung đội trưởng chỉ huy ca trực, chị đã dẫn lối an toàn cho toàn bộ cán bộ, du kích ra khỏi lòng đất theo một cửa bí mật ven sông Trường Giang. Không may trong lúc quay lại địa đạo, bất ngờ địch thay đổi lính trực phát hiện đã bắn chết chị. Chị Xáng (1947-1965) ngã xuống ở tuổi đẹp nhất đời người con gái. Gió rào rào thổi qua lũy tre làng kẽo kẹt ban trưa. Tôi kính cẩn thắp nén nhang, dành một phút mặc niệm về nữ anh hùng Trương Thị Xáng. Khói hương lan tỏa trên bức phù điêu, khuôn mặt chị sáng ngời và “mãi mãi tuổi hai mươi”.

Cơ giới hóa trên ruộng đồng Bình Giang.
Cơ giới hóa trên ruộng đồng Bình Giang.

Mầm xanh lên từ cát

Từ hố sâu bom đạn, Bình Giang trải qua chặng đường dài khắc phục hậu quả và dựng xây quê hương. Thế đất, hình sông… không mấy thuận lợi cho phát triển kinh tế, nhưng công cuộc đổi mới vùng quê này cũng khởi nguồn từ… đất. May thay, giai đoạn 2011-2015, Bình Giang là một trong 6 xã vùng đông Thăng Bình được chọn thực hiện mô hình điểm xây dựng nông thôn mới. Nhưng sẽ rất khó vực dậy nền sản xuất nông nghiệp khi mà đất đai chia cắt nhỏ vụn, yếu kém kết cấu hạ tầng nông thôn. Cho nên, chính quyền địa phương đã dồn mọi nguồn lực dồn điền đổi thửa. Người dân 2 thôn Bình Hòa và Hiền Lương tự nguyện đóng góp hơn 1 tỷ đồng, 14.400 ngày công lao động để cải tạo, san lấp mặt bằng (bình quân mỗi sào dân tự nguyện hỗ trợ 300 nghìn đồng); bê tông hóa hơn 4,5km giao thông nội đồng, kênh mương chạy dọc ngang các cánh đồng. Diện tích dồn điền đổi thửa tại 2 thôn Bình Hòa và Hiền Lương gần 300ha, về trước mục tiêu thực hiện chương trình. Bình Giang đang dần giải phóng sức lao động, tiết kiệm chi phí sản xuất cho nông dân, nâng cao hiệu quả trồng trọt bằng cơ giới hóa, đồng bộ áp dụng khoa học công nghệ...

Bình Giang đầu tư lớn hệ thống kênh mương thủy lợi nhờ huy động sức dân.
Bình Giang đầu tư lớn hệ thống kênh mương thủy lợi nhờ huy động sức dân.
Ngày 20.12.1994, xã Bình Giang được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đến nay, địa phương đã đạt 15/19 tiêu chí nông thôn mới, hộ nghèo giảm còn 9%.

Ông Nguyễn Văn Anh – Chủ tịch UBND xã Bình Giang nhớ lại: “Vùng sản xuất trước đây phần lớn là nước mặn đồng chua, cát trắng gần như sa mạc hóa. Năng suất lúa bình quân cho tối đa 30 tạ/ha, canh tác phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời, một số vùng canh tác không hiệu quả phải bỏ hoang hóa”. Khát vọng lột xác đất từ bạc màu sang vùng chuyên canh trú phú luôn giục giã người dân và cũng đặt ra cho chính quyền trọng trách lớn. Theo ông Anh, từ cánh đồng 100ha sản xuất lúa lai cho năng suất kỷ lục 70 - 75tạ/ha đã giúp địa phương nhân rộng trồng lúa lai chiếm hơn 40% tổng diện tích lúa sản xuất. Ruộng trồng lúa năng suất thấp chuyển hẳn sang trồng bắp, đậu phụng, rau màu. Thêm nữa, khuyến khích người dân nuôi vịt đàn, bò vỗ béo nhốt chuồng và nuôi cá lóc. Hơn 10 hộ thôn Bình Khương, Bình Hòa thử nghiệm thành công mô hình làm hồ trải bạt nuôi cá lóc và nhiều gia đình mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng, hứa hẹn mở ra lối làm giàu mới cho vùng cát. Đường ĐT 613 rộng thoáng từ quốc lộ 1 đi xe máy hơn 10 phút là đến Bình Giang và các xã vùng đông Thăng Bình. Khó hình dung nổi “vùng đất chết” bị địch bình địa năm xưa bây giờ đã trỗi dậy mạnh mẽ. Hàng loạt cơ sở sản xuất cơ khí, kinh doanh dịch vụ phát triển rầm rộ; dọc các trục đường chính và trung tâm xã có hơn 250 hộ kinh doanh, buôn bán. Năm 2014, giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại trên địa bàn xã đạt gần 130 tỷ đồng, nằm trong tốp dẫn đầu các xã vùng đông của huyện. “Tháng 5 tới, chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả 19 tiêu chí của xã nông thôn mới, vượt trước kế hoạch đề ra. Sức mạnh của địa phương là lòng dân đồng thuận. Quy hoạch phát triển vùng sản xuất và thực hiện các chủ trương, chính sách đều đem ra bàn bạc công khai, dân chủ nên đã tranh thủ được mọi nguồn lực đóng góp từ các tầng lớp nhân dân” – ông Anh chia sẻ.

Tháng 3 về thăm địa đạo Bình Túy. Gió từ sông thổi về thì thào bên bức phù điêu chị Xáng...

TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngang vùng "đất thép"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO