Ngành công nghiệp thép châu Âu đang đứng trước cuộc khủng hoảng thừa, phần lớn do sản phẩm giá rẻ xuất xứ Trung Quốc tràn ra thị trường, khiến hàng nghìn công nhân bị mất việc, nhiều công ty phải đóng cửa.
Liên minh châu Âu hiện là nhà sản xuất thép lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, với 177 triệu tấn thép mỗi năm, chiếm 11% tổng sản lượng toàn cầu. Thế nhưng, giá cả mặt hàng thép giảm liên tục từ đầu năm 2015 đến nay khiến nhiều tập đoàn thép tầm cỡ tại châu Âu bị thua lỗ, đóng cửa, bán lại một số bộ phận, nhà máy hoặc đứng trước nguy cơ sáp nhập. Một vấn đề được quan tâm trong cuộc khủng hoảng thép nghiêm trọng lần này là hàng chục nghìn công nhân đối mặt tình trạng bị sa thải, cuộc sống của hàng nghìn người nhận tiền trợ cấp hay lương hưu từ ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngành công nghiệp luyện thép của châu Âu hiện cung cấp trực tiếp 330 nghìn việc làm tại 500 cơ sở sản xuất. Từ năm ngoái đến nay, hơn 20% lực lượng lao động của ngành đã mất việc.
Một nhà máy sản xuất thép Tata tại Anh. (Ảnh: tatasteeleuro) |
Theo các nhà phân tích, ngành công nghiệp châu Âu lao đao bắt nguồn từ lượng sản xuất hay nguồn cung dư thừa, chi phí sản xuất gia tăng; trong đó phần lớn xuất phát từ sản phẩm giá rẻ của Trung Quốc. Tata - tập đoàn thép của Ấn Độ, lớn thứ 6 thế giới, hiện đóng tại 45 quốc gia với hàng chục nghìn công nhân, tổng lượng thép sản lượng hàng năm khoảng 26 triệu tấn vừa thông báo bán lại các nhà máy tại Anh vì thua lỗ. Trong nhiều năm nay, Tata cắt giảm một nửa công nhân trên toàn cầu từ 78 nghìn người xuống còn 38 nghìn người. Đợt cắt giảm mới nhất là vào đầu năm nay với 1.200 người. Trong nỗ lực cần thiết, tập đoàn Tata vừa đồng ý chuyển giao hoạt động sản xuất thép dài của họ tại Anh cho tập đoàn đầu tư Greybull Capital với mức phí thỏa thuận, hy vọng sẽ cứu được 4.400 việc làm tại Anh.
Tại Đức, hiện có khoảng 87 nghìn người làm việc trực tiếp trong tổng số 3,5 triệu người trong ngành công nghiệp thép. Theo tạp chí Bloomberg, Thyssenkrupp AG có trụ sở tại Essen (Đức), là tập đoàn lớn nhất thế giới về sản xuất thép hợp kim cao và máy công cụ thông báo mức thua lỗ kỷ lục trong quý đầu tiên năm 2016, khoảng 23 triệu euro. Ngày 11.4, trước thông tin Thyssenkrupp AG có nguy cơ sáp nhập với tập đoàn Tata để cứu thua lỗ, hơn 45 nghìn công nhân ngành thép tại Đức xuống đường biểu tình để yêu cầu giới lãnh đạo Đức bảo vệ ngành sản xuất trong nước, giúp hàng nghìn người có nguy cơ bị mất việc. Trong đó, người biểu tình yêu cầu cơ quan chức năng tại Đức có thêm nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn dòng hàng nhập khẩu thép giá rẻ hay tăng chống bán phá giá đối với thép nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc. Sản lượng thép của Trung Quốc hiện nay thậm chí cao gấp đôi so với tổng sản lượng của các nước Nhật, Mỹ, Ấn và Nga gộp lại.
Ngoài ra, tổng số thép của Trung Quốc xuất ra nước ngoài trong năm 2015 tăng 50%, gây bất ổn cho thị trường toàn cầu, trong đó châu Âu chịu thiệt hại nặng nề với khoảng 8 tỷ USD. Trong cuộc chiến giá thép lần này, Cao ủy Thương mại châu Âu, bà Cecilia Malmstrom yêu cầu Trung Quốc giải quyết tình trạng thừa năng suất trong ngành công nghiệp thép trong khi Liên minh châu Âu mở 3 cuộc điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép của Trung Quốc vào tháng hai vừa qua và áp mức thuế mới đối với thép nhập khẩu của Trung Quốc.
NAM VIỆT