Nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, đảm bảo hệ thống điện lưới hoạt động thông suốt, ngành điện đã chủ động chuẩn bị ứng phó sự cố rủi ro trong mọi tình huống.
Điện lực Đại Lộc tiến hành duy tu, sửa chữa, bảo dưỡng đường dây. Ảnh: H.L |
Chủ động ứng phó
Năm 2016, những đợt bão lũ đã tác động đáng kể đến hệ thống lưới điện, làm gián đoạn cung cấp điện ở một số nơi trong tỉnh. Nhiều địa phương mưa lớn trên diện rộng gây sạt lở tại một số vị trí trụ điện, làm mất điện kéo dài cục bộ. Lưới điện Quảng Nam cũng bị ảnh hưởng hơn 100 lần do giông sét gây sự cố… Theo ước tính của Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), tổng giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra cho ngành điện trong năm 2016 hơn 11 tỷ đồng. Năm 2017 này, để hạn chế thấp nhất mức thiệt hại do bão lũ, thiên tai gây ra, đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, ngay từ giữa năm, PC Quảng Nam tập trung xây dựng phương án phòng tránh thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PTTT-TKCN), chuẩn bị các phương án khẩn trương khắc phục sự cố sau lũ, kịp thời cấp điện trở lại cho các phụ tải. Công tác chuẩn bị nguồn, lưới điện, gia cố, sửa chữa các điểm xung yếu, dự phòng vật tư ứng phó được chú trọng.
Ông Vũ Văn Nghiêm - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, đến nay, đã có 6 đơn vị điện lực cơ sở tổ chức diễn tập PTTT-TKCN. Riêng Điện lực Trà My tổ chức diễn tập tại Thủy điện Sông Tranh 2. PC Quảng Nam cũng đã diễn tập PTTT-TKCN hiện trường tại đường dây liên huyện Duy Xuyên - Quế Sơn; tổng kiểm tra phương án PTTT-TKCN tại các đơn vị trực thuộc trước mùa mưa bão. Cùng với đó, công tác tuyên truyền về an toàn lưới điện trước mùa mưa bão được chú trọng, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Công ty còn phối hợp với các đại lý điện nông thôn để triển khai công tác PCLB đối với lưới điện hạ áp nông thôn. Lực lượng xung kích của công ty và các đơn vị trực thuộc sẵn sàng ứng phó, ứng cứu khi có sự cố lưới điện xảy ra. Vật tư, lương thực thực phẩm đã được dự phòng đầy đủ; máy phát dự phòng 5kVA cũng được tập kết tại các điểm trọng yếu, dự phòng khi mất điện lưới. Công ty tiếp tục chỉ đạo thi công dứt điểm các công trình xây dựng cơ bản trước mùa mưa bão; kiểm tra thí nghiệm các trạm biến áp phụ tải và xử lý các tồn tại sau thí nghiệm. Các trạm thiết bị, đường dây được duy tu, bảo dưỡng ngay trước mùa mưa bão. Đơn vị cũng thiết lập kế hoạch các điểm xung yếu, các vị trí có nguy cơ sạt lở, trụ nghiêng trước mùa mưa bão. Bố trí trực các trạm trung gian 24/24 khi có thông tin ảnh hưởng thiên tai. Công tác dự phòng, ứng phó khi có thông tin bão gần, bão xa được đơn vị xây dựng với kế hoạch, kịch bản ứng phó cụ thể, chi tiết.
Chú trọng vùng xung yếu
Ngoài ra, PC Quảng Nam còn phối hợp tốt với chi nhánh điện cao thế tại Quảng Nam và một số nhà máy phát điện trong công tác PTTT-TKCN để lập phương án dự phòng. Theo ông Nghiêm, năm 2017 này, việc chuẩn bị, ứng phó sự cố được chỉ đạo chặt chẽ hơn, rút kinh nghiệm từ một số tồn tại, hạn chế trong ứng phó của năm 2016. Các đơn vị triển khai khắc phục thiệt hại tuyệt đối đảm bảo an toàn lao động trong công tác phòng chống và khắc phục thiệt hại sau ảnh hưởng của thiên tai. Cần phải đảm bảo an toàn cho từng nhóm công tác vì có nhiều nhóm cùng tác nghiệp trên cùng một đường dây. Công ty cũng chỉ đạo, trong quá trình thực hiện các mệnh lệnh thao tác, điều hành khắc phục thiệt hại phải được ghi âm lại đầy đủ.
Thị xã Điện Bàn là vùng thấp trũng, khi có bão lũ xảy ra, nhiều nơi trên địa bàn gần như ngập trong lũ, nhất là thị trấn Vĩnh Điện. Ông Bùi Văn Phương - Giám đốc Điện lực Điện Bàn cho hay, đơn vị hiện cung ứng điện cho 32.469 khách hàng, bao gồm cấp điện nông thôn, khu đô thị lẫn công nghiệp. Để chủ động ứng phó, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, giải phóng hành lang an toàn lưới điện, phát quang các tuyến cây xanh có nguy cơ ngã đổ vào lưới điện, Điện lực Điện Bàn tích cực phối hợp với các địa phương tích cực sửa chữa những trụ vượt sông. Triển khai gia cố 16 vị trí đường dây vượt sông, có biện pháp gia cố thêm móng neo, bu lông, xà, đảm bảo an toàn cho các vị trí võng, eo. Cũng theo ông Phương, Điện Bàn đã hoàn thành sửa chữa lớn lưới điện trung hạ áp và trạm biến áp (6,5km đường dây trung áp, 1,4km đường dây hạ áp và 9 trạm biến áp, tổng hơn 1,8 tỷ đồng; thi công hoàn thành 26/27 công trình sửa chữa thường xuyên trị giá 150 triệu đồng trước mùa mưa bão. “Đơn vị đã thiết lập các tổ trực 24/24 trực vận hành, xử lý sự cố, trực xung kích, trực lái xe. Khi có bão lũ xảy ra làm ảnh hưởng tới tính mạng, hoặc nguy hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân, công nhân trực, bằng mọi giá, đơn vị trực xử lý phải tìm cách xử lý sự cố, cô lập nhanh nhất nguồn điện dẫn đến nơi xảy ra sự cố. Đặc biệt, phải ưu tiên cấp điện cho bệnh viện khu vực Quảng Nam, ra đa Quảng Nam” - ông Phương nói.
HOÀNG LIÊN