Là ngành kinh tế sớm hứng chịu tác động từ đại dịch Covid-19 và cũng gần như phải gượng dậy sau cùng, chưa rõ thời điểm có thể phục hồi hoàn toàn nên những người làm du lịch vẫn đang hết sức chật vật để có thể tồn tại qua giai đoạn khó khăn này.
Chưa qua bĩ cực
Theo thống kê, trong tháng 4.2020 tổng lượng khách lưu trú trên địa bàn Quảng Nam chỉ đạt khoảng 3.900 lượt (giảm tới 99% so với cùng kỳ năm trước). Khách lưu trú chủ yếu là khách nội địa cộng thêm một phần khách quốc tế chưa về nước được khi ngành hàng không tạm dừng các chuyến bay quốc tế.
Ngay trong dịp lễ dài ngày 30.4 - 1.5 vừa qua vốn là cơ hội “hái tiền” của ngành du lịch mọi năm thì năm nay du lịch địa phương chỉ hoạt động cầm chừng, bởi ngay cả Hội An cũng chưa trở lại là điểm đến hấp dẫn với khách trong nước. Hiện nay, không ít các cơ sở lưu trú ở Hội An vẫn đang lừng khừng trước việc mở cửa đón khách trở lại, bởi một khi vận hành mà công suất lấp đầy không đạt ở một ngưỡng chấp nhận được thì còn thiệt hại nặng hơn là tạm đóng cửa thêm thời gian (trước nay nguồn khách lưu trú chủ yếu là khách quốc tế).
Theo ông Trần Đình Phúc - quản lý villa P.H (phường Cẩm An, TP.Hội An), tuy cơ sở lưu trú đã được phép hoạt động trở lại nhưng các bãi biển công cộng ở địa phương vẫn đang đóng cửa nên nhiều khách không mặn mà và đã chuyển hướng điểm đến để thư giãn dịp lễ vừa rồi.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho hay: “Phần đông doanh nghiệp du lịch đang loay hoay tìm cách sống sót qua được đại dịch hơn là tính đến chuyện phục hồi, vì vậy doanh nghiệp cần thêm các chính sách “giảm” thay vì chủ yếu chỉ “giãn” như hiện nay. Thêm nữa, việc “sống chung với dịch” đối với ngành du lịch vẫn đang là dấu hỏi nên những người làm du lịch càng chật vật hơn khi tính các kịch bản ngắn hạn, dài hạn”.
Trước mắt, nhiều cơ sở lưu trú kể cả cao cấp tại địa phương đã tung ra một số gói khuyến mãi hết cỡ để kích cầu khách nội địa trở lại với các voucher nghỉ dưỡng mức giá chỉ bằng 40 - 50% so với thời điểm trước dịch và có thể áp dụng đến hết năm 2020.
Dự lường kịch bản
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho hay: “Đơn vị đã lên 3 phương án dự báo về tình hình khách du lịch đến Quảng Nam trong năm 2020 và tùy theo tình hình thực tế sẽ có những chương trình xúc tiến tương ứng hợp lý”.
Kịch bản lạc quan nhất là đến cuối năm sẽ thu hút được khoảng hơn 2,6 triệu lượt khách trong đó có khoảng 1,4 triệu lượt khách quốc tế. Còn với hai kịch bản ảm đạm hơn thì lượng khách quốc tế sẽ chỉ dừng ở mức 750 nghìn lượt đã ghé Quảng Nam trong 3 tháng đầu năm. Ngoài ra, theo phân tích tại cuộc tọa đàm trực tuyến giữa các CEO ngành du lịch của nước ta mới diễn ra cuối tuần qua thì ít nhất phải đến năm 2023 ngành du lịch Việt Nam mới phục hồi như thời điểm trước dịch xảy ra.
Đối với bộ tiêu chí “đánh giá an toàn trong phòng chống dịch Covid-19 trong 5 lĩnh vực hoạt động du lịch” sắp được ban hành trên địa bàn tỉnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Văn ủng hộ phương án cho doanh nghiệp tự công bố việc đạt chuẩn so với các tiêu chí để hoạt động, sau đó các lực lượng chức năng tổ chức thực hiện hậu kiểm ngẫu nhiên. Như thế sẽ hợp lý hơn so với việc đánh giá toàn bộ các cơ sở bởi rất khó đủ lực lượng để dàn trải thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Sơn - Phó Chủ tịch phụ trách UBND TP.Hội An thông tin, qua tham khảo các đơn vị làm du lịch, khoảng tháng 7 mới bắt đầu có khách Đông Bắc Á trở lại nước ta với số lượng hạn chế, trong khi thời điểm hiện tại là mùa du lịch trọng điểm của Hội An nên du lịch địa phương năm nay sẽ khá ảm đạm. Vừa qua Hội An cũng đã cho mở dần vận tải du lịch Cù Lao Chàm, tuy nhiên cũng chỉ được chở tối đa 50% công suất để đảm bảo an toàn.
Còn ông Phan Xuân Thanh bộc bạch: “Dịch Covid-19 đã thay đổi hoàn toàn thói quen của khách du lịch. Du khách có xu hướng ưa thích các kỳ nghỉ ngắn hạn và tập trung vào các điểm đến tại chỗ, nên đứng ở vai trò doanh nghiệp thì việc thu hút khách nội địa cũng đang hết sức mông lung”.
Ông Nguyễn Sơn Thủy - Giám đốc Công ty TNHH du lịch Duy Nhất Đông Dương chia sẻ, xu hướng “khách caravan” (thuê xe du lịch tự lái) đang khá phát triển trong khu vực ASEAN thông qua các tuyến trên hành lang kinh tế Đông Tây cũng như con đường di sản văn hóa Đông Dương nên Quảng Nam cần sớm xúc tiến nâng cấp cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang) làm cửa ngõ kết nối với các di sản thế giới trên địa bàn tỉnh, từ đó mở ra thêm cơ hội khai thác khách trong bối cảnh hiện nay.