Ngành giáo dục loay hoay với "khoản thu dịch vụ"

XUÂN PHÚ 08/12/2022 05:38

Nhiều băn khoăn chung quanh đề án quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.

Các khoản thu tiền bán trú nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: X.P
Các khoản thu tiền bán trú nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Ảnh: X.P

Phục vụ trực tiếp cho học sinh

Theo ông Võ Đăng Thể - Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT, ngoài kinh phí ngân sách cấp, nguồn chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục được bổ sung từ 60% nguồn thu học phí, các cơ sở giáo dục công lập còn được phép thu các khoản dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục với tổng kinh phí bình quân khoảng 1.000 tỷ đồng/năm.

“Đây là các khoản được thu theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh để phục vụ trực tiếp cho học sinh (HS) theo nguyên tắc thu đủ, chi đủ, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện thu nhập của người dân trên địa bàn. Mức thu được xác định trên cơ sở dự toán chi phí, được thỏa thuận theo tinh thần tự nguyện” - ông Thể nói.

Theo dự thảo đề án, các khoản thu dịch vụ phục vụ bán trú bậc mầm non bao gồm tiền ăn theo thỏa thuận; chăm sóc trẻ 100 - 120 nghìn đồng/trẻ/tháng; thuê nhân viên nấu ăn 120 - 150 nghìn đồng/trẻ/tháng. Bậc tiểu học tiền ăn 25.000 đồng/HS/ngày; thuê nhân viên nấu ăn 140 nghìn đồng/HS/tháng; chăm sóc 7.500 đồng/HS/1 buổi trưa.

Các khoản thu phục vụ những hoạt động giáo dục như làm quen ngoại ngữ, giáo dục kỹ năng sống; các khoản thu hỗ trợ hoạt động giáo dục, gồm mua sắm vật dụng phục vụ bán trú, vệ sinh trường học, nước uống, đồng phục, ghế ngồi chào cờ, tổ chức dạy trẻ ngày thứ Bảy và ngoài giờ quy định thu theo thỏa thuận.

Lâu nay các khoản thu như tiền ăn bán trú, mua sắm vật dụng phục vụ bán trú, vệ sinh trường học, bảng tên, ghế ngồi chào cờ… đều được các cơ sở giáo dục triển khai trên tinh thần thỏa thuận giữa trường học và phụ huynh.

Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT, sự cần thiết ban hành đề án quy định các khoản thu, mức thu nhằm thống nhất khoản thu, mức thu và việc tổ chức thu, quản lý, sử dụng trong toàn tỉnh; tạo điều kiện cho phụ huynh và các tổ chức xã hội giám sát công tác thu chi, khắc phục những vướng mắc; đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường thông tin, do đề án tác động đến nhiều trường hợp, nên ngoài việc thực hiện đúng, đủ quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT còn tổ chức lấy ý kiến của những người chịu tác động trực tiếp, nhất là cha mẹ HS.

Đến nay, Sở GD-ĐT đã 3 lần tổ chức hội nghị, lấy ý kiến góp ý dự thảo với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, cơ sở giáo dục. Ngoài ra, các phòng GD-ĐT, trường học cũng tổ chức xin ý kiến phụ huynh chung quanh các quy định trong đề án.

Ý kiến trái chiều

Cũng theo ông Thái Viết Tường, qua các lần lấy ý kiến góp ý đề án, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, chưa đồng thuận.

“Bản thân tôi cũng chưa thống nhất vì tình hình kinh tế khó khăn sau đại dịch COVID-19. Hơn nữa, tỉnh mới thông qua nghị quyết tăng học phí nay tiếp tục xem xét đến các khoản thu trong nhà trường là điều rất nhạy cảm, nên chậm lại thời gian nữa” - ông Tường chia sẻ.

Báo cáo tổng hợp ý kiến phụ huynh của các phòng GD-ĐT cho thấy, các khoản thu liên quan đến bán trú nhận được nhiều phản hồi trái chiều. Tại huyện Núi Thành, nhiều phụ huynh không đồng ý khoản thu nước uống, thuê người dọn vệ sinh sân trường và khu vệ sinh HS ở bậc tiểu học.

Còn phụ huynh ở huyện Đại Lộc cho rằng tiền chăm sóc trẻ mầm non buổi trưa và tiền thuê nhân viên nấu ăn quá cao. Tương tự, phần lớn phụ huynh Điện Bàn được lấy ý kiến đề nghị tiền thuê nhân viên nấu ăn bậc mầm non từ 50.000 - 70.000 đồng/trẻ/tháng, không thu tiền nước uống tiểu học.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến ngược lại, như phụ huynh huyện Phú Ninh cho rằng hiện nay tiền chăm sóc trẻ buổi trưa các trường mầm non các xã đã thu 100 nghìn đồng/tháng nên đề nghị khu vực thành phố, thị xã, thị trấn mức thu 120 nghìn đồng.

Tại cuộc họp do UBND tỉnh tổ chức, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về cơ sở đề xuất khoản thu, mức thu, nguyên tắc thỏa thuận hơn 70% số phụ huynh thống nhất.

Bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính cho rằng, các mức thu dịch vụ cộng với học phí hiện nay của tỉnh không vượt quá mức trần quy định của Nghị định 81. Từ những băn khoăn đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng đây là vấn đề cần thận trọng để tránh xã hội hóa quá sức của người dân, dẫn đến tình trạng lạm thu.

Vì vậy, Sở GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh đề án, xác định rõ danh mục các khoản thu, mức thu, gắn với đối tượng từng vùng, địa phương, quy trình thực hiện, quy định quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, tính đến chính sách miễn giảm cho đối tượng khó khăn, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ngành giáo dục loay hoay với "khoản thu dịch vụ"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO