Ngành giao thông vận tải đã chuẩn bị các phương án ứng phó, đồng thời lên sẵn kịch bản nhằm chủ động xử lý tình huống bất lợi có thể xảy ra trong mùa mưa bão năm nay.
Chuẩn bị chu đáo
Với phương châm “Chủ động phòng, tích cực chống”, ngay từ tháng 7.2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; phân công nhiệm vụ và lịch trực cho từng thành viên; thiết lập đường dây nóng để thông báo đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và nhân dân biết để phối hợp thực hiện nhiệm vụ liên quan.
Theo ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT, việc triển khai chuẩn bị chu đáo từ sớm là rất cần thiết, nhằm chủ động ứng phó với bão lũ được dự báo sẽ bất thường. Trên đường bộ, đơn vị quản lý tuyến trước mùa mưa phải khơi thông mương rãnh, lòng cống, lòng cầu; giải quyết tốt thoát nước trên mặt đường, hạn chế xói lở nền đường, mố trụ cầu hạ lưu cống ngang.
Toàn bộ hệ thống cầu đường quốc lộ (QL), tỉnh lộ (ĐT), các vị trí xung yếu như đoạn đèo, dốc, cầu yếu, đoạn thường xuyên bị ngập lụt phải được kiểm tra kỹ càng để bổ sung các cọc tiêu, cọc thủy chí, biển báo.
Ngoài đôn đốc, kiểm tra, đơn vị quản lý tuyến đường về dự phòng vật tư, máy móc và nhân lực tại trục trọng điểm thường xuyên ách tắc giao thông do mưa lũ, đơn cử ĐT606 (Tây Giang), ĐT611 (Quế Sơn - Nông Sơn), QL14B (Đại Lộc - Nam Giang), QL14D (Nam Giang), QL14E (Thăng Bình - Phước Sơn), QL40B (Tam Kỳ - Nam Trà My) và QL24C (Bắc Trà My), Sở GTVT còn làm việc với các địa phương có ĐT và QL đi qua về kế hoạch huy động nhân lực, vật tư, thiết bị để đảm bảo giao thông bước một khi cần thiết.
Đặc biệt, quan tâm đến đường đi qua các huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang. Đôn đốc các chủ đầu tư thi công công trình trên đường bộ đang khai thác do Sở GTVT đã bàn giao, yêu cầu phải chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ, đảm bảo an toàn giao thông mùa mưa lũ.
Với đường thủy nội địa, đơn vị quản lý đang thực hiện bảo vệ các phao tiêu, biển báo. Trước và sau mỗi đợt lũ, việc thanh thải, trục vớt chướng ngại vật trong luồng tuyến, chủ động kéo, thả, điều chỉnh phao báo hiệu được lực lượng chức năng chú ý thực hiện; cùng với đó, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm an toàn đường thủy nội địa.
Ngành cũng phối hợp đơn vị quản lý đường sắt, địa phương có đường sắt đi qua kiểm tra điều kiện an toàn của đường ngang để kịp thời phát hiện, đề nghị khắc phục; sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp tham gia công tác cứu nạn, cứu hộ đường hàng không, đường biển khi có yêu cầu.
Không để bị động
Được giao đảm nhận quản lý, bảo trì nhiều tuyến ĐT, QL trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Công trình GTVT Quảng Nam đã quán triệt xí nghiệp quản lý trực thuộc đảm bảo nhân lực triển khai các phần việc liên quan.
Tổng Giám đốc công ty, ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, lực lượng tuần đường sẽ liên tục kiểm tra và báo cáo ngay tình hình nếu có sự cố, nhất là công trình thoát nước, bảo vệ đường bộ, mái ta luy cao, địa chất yếu, dễ sạt trượt, cây cối dễ ngã đổ, điểm thường xảy ra ngập lụt có lưu tốc dòng chảy lớn, dễ gây ách tắc giao thông gây thiệt hại người và tài sản.
Nhiên liệu, vật tư (đá hộc, rọ thép), xe máy, thiết bị chuyên dụng sẽ được bổ sung, đảm bảo hoạt động tốt để tập kết vị trí xung yếu, hoặc nơi dễ huy động nhất. Lương thực, thực phẩm, thuốc men cần chuẩn bị hết sức chu đáo, đủ để phục vụ ít nhất là 5 ngày.
Khi xảy ra ách tắc giao thông, các xí nghiệp, công trường phối hợp chặt chẽ với địa phương, lực lượng chức năng phân luồng, khắc phục đảm bảo lưu thông bước một nhanh nhất có thể.
Công ty TNHH Kỳ Trung là đơn vị đảm nhận quản lý, bảo trì đoạn lý trình km42+120-km73+540 của QL14H (Duy Xuyên - Nông Sơn), đoạn lý trình km46+250 - km74+013 của tuyến ĐT609 (Đại Lộc - Đông Giang).
Nói về phương án ứng phó mưa bão, Giám đốc công ty - ông Lê Văn Dũng cho biết sẽ bố trí 14 loại máy móc, thiết bị chuyên dụng, riêng máy đào có tổng cộng 5 xe. Rọ đá, hệ thống biển báo an toàn giao thông, đèn cảnh báo, hàng rào phân tuyến và dây rào chắn cũng đã tập kết sẵn sàng.
Ngoài 10 cán bộ, công nhân kỹ thuật, công ty còn thiết lập, phân làm 2 tổ cho mỗi tuyến đường với 6 lái máy, 12 công nhân thực hiện nhiệm vụ. Công ty cũng đã khảo sát, nắm bắt tình hình máy móc, thiết bị của doanh nghiệp, công trình xây dựng gần tuyến đường đang quản lý để sẵn sàng thuê khi cần thiết.
Các đơn vị quản lý, bảo trì những tuyến giao thông nói chung được Sở GTVT yêu cầu có phương án chuẩn bị lực lượng, thiết bị, dự trữ nhiên liệu, vật liệu và điều kiện khác để sẵn sàng huy động khi có tình huống phát sinh theo đúng nguyên tắc “4 tại chỗ”.
“Khi có sự cố xảy ra, đơn vị quản lý phải triển khai ngay phương án khắc phục, đảm bảo giao thông tạm thời nếu điều kiện cho phép, nhưng lưu ý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và phương tiện.
Thực hiện cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn được giao nhiệm vụ; hỗ trợ khắc phục thiệt hại theo yêu cầu của địa phương và sự điều động của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Sở GTVT” - ông Văn Anh Tuấn nói.