Tại Đông Nam Á (ASEAN), thu nhập của người dân gia tăng trong thập niên qua đã giúp ngành hàng không khởi sắc. Các hãng hàng không giá rẻ đang tăng trưởng với tốc độ kỷ lục.
Thống kê của các tổ chức hàng không khu vực cho biết, trong 8 tháng đầu của năm 2013, có hơn 138 triệu hành khách đi máy bay của các hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương, tăng 5% so với năm ngoái. Theo Trung tâm Hàng không châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Sydney, đà tăng trưởng này có được là nhờ các hãng hàng không giá rẻ vốn chiếm hơn phân nửa số hành khách trong năm 2012. Cách đây một thập niên, không có hãng hàng không giá rẻ nào hoạt động. Ông Martin Craig, Giám đốc Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương nói, sự gia tăng mạnh mẽ của hoạt động du lịch và du hành bằng máy bay tại các nước châu Á đơn giản được thúc đẩy bởi ngày càng có nhiều người bước vào tầng lớp trung lưu. Những người này có dư tiền để chi tiêu, nên dễ dàng đi du lịch nước ngoài. Hiện nay, giới trung lưu khu vực này có khoảng 500 triệu người, dự báo sẽ lên đến mức 1,7 tỷ người vào năm 2030. Để chuyên chở số hành khách này, ngành hàng không cần phải có thêm 200.000 phi công nữa.
Các nước ASEAN tăng tốc đầu tư ngành hàng không để đảm bảo nhu cầu vận chuyển. |
Các nhà phân tích cho biết, các nước trong khu vực đang gấp rút xây phi trường và đào tạo phi công. Thị trường du lịch nội địa đang lớn mạnh của khu vực là Indonesia, Philippines, Malaysia và Thái Lan với tổng số 25 hãng hàng không giá rẻ đang hoạt động và nhiều hãng nữa đang được thành lập. Trong khi đó, 3 nước Đông Dương Lào, Myanmar và Việt Nam được xem như là “những thị trường biên cương” với tiềm năng tăng trưởng to lớn.
Tờ Liên hợp buổi sáng của Singapore số ra ngày 23.10 nhận định, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường hàng không mới nổi lớn thứ ba thế giới. Bởi, nhu cầu du lịch hàng không nội địa Việt Nam năm 2013 đã tăng với tốc độ hai con số. Theo dự đoán trước đây của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế thì trước năm 2014, Việt Nam sẽ trở thành thị trường chuyên chở hàng hóa và hành khách phát triển nhanh thứ ba thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Brazil. Theo đó, đến năm 2015, hàng không Việt Nam sẽ vận chuyển 34 - 36 triệu lượt khách và từ 850 nghìn đến 930 nghìn tấn hàng, trong đó lượt hành khách đi các đường bay nội địa sẽ tăng 15%, gấp ba lần so với năm 2012. Đến năm 2019 sẽ vận chuyển 52 - 59 triệu lượt khách và 1,4 - 1,6 triệu tấn hàng.
Sự tăng tốc của ngành hàng không đòi hỏi chính phủ các nước cũng như các tổ chức hàng không trong khu vực phải giữ cho các tiêu chuẩn an toàn nằm ở mức cao và đó phải là tâm điểm của ngành hàng không. Tuy nhiên những tiêu chuẩn an toàn ở ASEAN vẫn chưa đồng đều. Như cách đây không lâu, vào ngày 16.10 vừa qua, việc chiếc máy bay ATR-72 mang số hiệu QV301 của Hãng hàng không Lào rơi xuống sông Mê Kông trong lúc mưa bão làm tất cả 49 người trên máy bay thiệt mạng, dấy lên mối lo về an toàn hàng không. Đây là tai nạn hàng không gây chết người nhiều nhất ở Lào kể từ năm 1954. Cơ quan đánh giá tín nhiệm Standard & Poors cho rằng tốc độ phát triển có thể vượt quá khả năng của các giới chức hữu quan trong việc đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và hạ tầng cơ sở thích hợp.
K.OANH