Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn về công nghệ đang ra sức chiêu mộ nhân tài máy tính khiến công nghệ thông tin trở thành ngành “hot” hiện nay.
Sinh viên Trung tâm CEE Đại học Duy Tân hướng dẫn người khuyết tật sử dụng xe lăn tự chế. |
Theo các chuyên gia, 6 nhóm ngành nghề sẽ phát triển mạnh trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bao gồm: Công nghệ thông tin (CNTT) và CNTT trong hoạt động kinh doanh tài chính cùng nhiều lĩnh vực khác; công nghệ tự động hóa; các ngành kỹ thuật xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, năng lượng, công nghệ in 3D; các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, kỹ thuật y sinh; nhóm ngành quản trị, dịch vụ quản trị tài chính - đầu tư, logictics, du lịch, dinh dưỡng…; nhóm ngành nghệ thuật, xã hội, nhân văn và sáng tạo.
Khát nhân lực CNTT
Năm học 2018, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, có 688.610 thí sinh đăng ký dự thi đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tất cả khối ngành, trong đó có 285.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng ngành CNTT, chiếm 30% tổng số thí sinh. Điều này minh chứng cho sự lựa chọn có định hướng, đón đầu xu hướng của các sĩ tử thời nay.
Ngày 7.3 vừa qua, Trường ĐH Duy Tân trao tặng xe lăn điện cho ông Trần Thận - cán bộ lão thành cách mạng, tạo “đôi chân linh động” đi lại… Trước đó, 10 chiếc xe lăn điện cũng được nhà trường trao cho người khuyết tật tại TP.Đà Nẵng. Đây là lô sản phẩm đầu tiên của thầy trò Trung tâm Điện - Điện tử (CEE) nhà trường sản xuất trong 2 tháng, trọng tải 20 kg/xe, gồm 2 bộ phận có thể tháo rời, giúp người khuyết tật sử dụng thuận tiện, giá bằng ½ xe lăn điện Trung Quốc trên thị trường. Hai học sinh bị khuyết tật là Trần Đăng Khoa và Phan Trọng Hiếu tại Đại Lộc cũng đã được Trung tâm CEE “nối cánh tay robot”, làm lan tỏa giá trị nhân văn cao quý của ĐH Duy Tân. |
Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang kéo theo sự thay đổi nhiều ngành nghề, trong đó khoa học công nghệ nói chung và CNTT nói riêng đang chiếm vị trí dẫn đầu. Theo báo cáo của LinkedIn (trang mạng xã hội dành cho người có nhu cầu kết nối tìm việc cũng như tuyển dụng), số lượng việc làm ngành CNTT tăng đột biến, đứng đầu tốp 20 ngành nghề trong 5 năm trở lại đây. Thống kê của Vietnamwork cũng cho thấy ngành CNTT tăng trưởng bình quân 47% mỗi năm, tính đến cuối năm 2018, nước ta thiếu 70.000 nhân lực; dự báo đến năm 2025 cả nước sẽ thiếu hụt hơn 500.000 nhân sự các ngành CNTT. Rõ ràng, làn sóng công nghệ mới đã khiến cơn khát nhân lực CNTT tăng cao đến đỉnh điểm.
Trước lễ động thổ dự án “Nhà máy sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine” trị giá 170 triệu USD của Tập đoàn UAC - Mỹ vào khu Công nghệ cao Đà Nẵng sáng 29.3 tới, ông Jon Kevin Loebbaka - CEO Tập đoàn đã “đặt hàng” 200 kỹ sư, lập trình viên của ĐH Bách khoa - thành viên ĐH Đà Nẵng. Dự kiến, đến năm 2020, dự án này đi vào hoạt động sẽ cần đến 2.000 nhân sự CNTT,… Hiện Đà Nẵng có khoảng 800 doanh nghiệp CNTT hoạt động, mỗi năm cần đến 10.000 nhân sự lao động tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ nhưng chỉ mới đáp ứng được ¼ nhu cầu thực tế. Còn tại TP.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2019 - 2025, nhu cầu nhân lực dự báo mỗi năm có khoảng 300.000 chỗ làm việc, trong đó nhóm ngành nghề kỹ thuật công nghệ chiếm 35% (tương ứng hơn 105.000 chỗ làm/năm).
Đáng kể, bên cạnh nhu cầu nhân lực phát triển mạnh mẽ, nguồn cảm hứng vô tận về CNTT, và sự ưu ái đặc biệt từ Chính phủ là những động lực thúc đẩy CNTT trở thành ngành “hot” nhất hiện nay. Và hầu hết các trường ĐH, CĐ nước ta đều có mở 6 nhóm ngành học sẽ phát triển mạnh trong thời đại 4.0.
Cần có những tố chất đặc biệt
Thời đại 4.0 bùng nổ về nhu cầu việc làm ngành CNTT, mở ra nhiều cơ hội cho các thí sinh yêu thích công nghệ, nhất là lập trình viên. Nhiều bạn trẻ được khơi nguồn cảm hứng, đam mê từ câu chuyện của những tỷ phú công nghệ lừng danh thế giới như Steve Job (Apple), Bill Gates (Microsoft), Mark Zuckerberg (Facebook), Jack Ma (Alibaba)…
Cùng với đó, giới trẻ Việt Nam cũng chứng kiến không ít kỳ tích từ những người dám khác biệt để gặt hái thành công như lập trình viên Nguyễn Hà Đông, với Flappy Bird - game di động đứng đầu bảng xếp hạng của các kho ứng dụng và trở thành hiện tượng thế giới. Hay Nguyễn Lương Bằng, cha đẻ của Freaking Math, game dẫn đầu bảng xếp hạng các trò chơi ăn khách nhất của Apple tại Việt Nam.
Thế nhưng, CNTT nói chung và lập trình viên nói riêng đòi hỏi phải có những tố chất đặc biệt. Thực tế, những sinh viên (SV) theo ngành CNTT tại các trường ĐH, CĐ cũng chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Thống kê của Viện Chiến lược Thông tin và truyền thông, có tới 72% số sinh viên tốt nghiệp ĐH, CĐ ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành; 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm; 80% lập trình viên phải đào tạo lại. Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân - TS. Võ Thanh Hải chia sẻ, 100% sinh viên ngành CNTT của Trường ĐH Duy Tân ra trường đã có việc làm ngay, trường đào tạo không kịp với nhu cầu “đặt hàng” của doanh nghiệp.
Đoàn Thị Thu Hà, SV năm 4 khoa Điện - Điện tử Trường ĐH Duy Tân, thành viên nhóm đoạt giải “Women in Business Global Award” - tôn vinh Phụ nữ trong kinh doanh toàn cầu năm 2018 tại Mỹ, cũng là một trong “20 nữ sinh viên tiêu biểu toàn quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ 2018” cho rằng, ngoài việc nắm bắt cơ hội thời cuộc, SV cần phải trang bị những kỹ năng và kinh nghiệm mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Tố chất đầu tiên thí sinh cần có để đeo đuổi CNTT là đam mê. Thu Hà chia sẻ, ban đầu cô chọn ngành Quản trị kinh doanh nhưng sức hút của các hoạt động nghiên cứu khoa học nhà trường đã biến đam mê thành “nghề” lúc nào không hay. Với một môi trường được xem là khô khan và thiếu sức sống, có khi phải ngồi hàng giờ liền trước máy tính để giải quyết vấn đề, nếu không đam mê và động lực thì những công việc như vậy cứ lặp đi lặp lại sẽ trở thành cực hình cho người không đủ sức. Niềm đam mê sẽ giúp bạn vượt qua những căng thẳng, áp lực trong học tập, nghiên cứu khoa học và làm việc suốt đời.
Tố chất thứ hai là sự sáng tạo. CNTT cũng như một môn nghệ thuật, đòi hỏi yếu tố tư duy và sáng tạo luôn được đặt lên hàng đầu. “Trước, Hà mù tịt… công nghệ, nhưng chịu khó, khám phá những bài toán, thuật toán cần giải, những mã code, những ứng dụng của nó trong đời sống,… khiến cho Hà say mê và cảm giác tin học giống như một môn nghệ thuật, thao tác trên máy tính cũng như trình diễn nghệ thuật vậy” - SV Thu Hà trải lòng. Song sáng tạo trong ngành CNTT không thể hiện bằng những đường nét như trong thiết kế hay bằng ngôn từ trong viết lách mà nó nằm ở giải pháp. Những sản phẩm sáng tạo của SV Thu Hà rất lạ, độc đáo và có tính ứng dụng cao như: “Tủ phát bao cao su thông minh” đặt rải rác trên đường Hùng Vương và quanh Khu công nghiệp Hòa Khánh Đà Nẵng; hay “Máy bán tự động các sản phẩm phòng the” (Giải thưởng SV nghiên cứu khoa học TP.Đà Nẵng 2017),…
Tố chất thứ ba là tính logic và chính xác trong công việc. Điều này thể hiện ở chỗ, đây là một yếu tố rất quan trọng dành cho hầu hết những ai đang làm lập trình viên hay kỹ sư phầm mềm. Tính chất logic của công việc thể hiện ở ngay cách bạn tiếp cận vấn đề, sắp xếp công việc và phối hợp với các thành viên trong nhóm. Thứ tư là giỏi ngoại ngữ. Người ta ví ba lô hành trang của SV trong thời đại 4.0 có hai cái quai, quai thứ nhất là tin học và quai thứ hai là ngoại ngữ; không biết tin học chẳng khác người mù, không biết ngoại ngữ chẳng khác người ngọng, làm sao có thể giao tiếp, học hỏi trở thành những công dân toàn cầu.
Đặc biệt, khi làm trong ngành CNTT phải thường xuyên tiếp xúc với các tài liệu tiếng Anh, nếu không có được một vốn kiến thức chuyên ngành cần thiết, sẽ vô cùng khó khăn khi làm việc. Sản phẩm “Hệ thống phanh tái tạo chuyển đổi ma sát thành điện năng” tại Vòng chung kết cuộc thi toàn cầu Go Green in the City 2018 tại Mỹ đã chinh phục ban giám khảo, không chỉ vì sản phẩm độc đáo, giải pháp tối ưu để hiện thực hóa ý tưởng mà còn vì cách làm việc nhóm, thuyết trình bằng tiếng Anh lưu loát, trôi chảy của nữ SV Nguyễn Thị Thanh (thủ khoa đầu vào ĐH Duy Tân năm 2016) - thành viên cùng nhóm SV Thu Hà. Và giải thưởng tôn vinh Phụ nữ trong kinh doanh toàn cầu 2018 của 2 nữ SV tài năng của ĐH Duy Tân là một minh chứng sinh động.
NGUYỄN THANH BÌNH