Những năm gần đây, với việc thu hút các nhà đầu tư vào ngành may mặc trên địa bàn, vừa tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động địa phương, vừa góp phần tăng giá trị sản xuất công nghiệp, tạo diện mạo mới cho vùng nông thôn mới Phú Ninh.
Công nhân các công ty may ở Phú Ninh khá yên tâm khi làm việc tại quê nhà. |
Đầu năm 2013, Công ty May Kim Anh đã chủ động liên doanh với đối tác tại Đài Loan đầu tư phát triển sản xuất tại cụm công nghiệp (CCN) Phú Mỹ (Tam Phước) với tổng vốn đầu tư 33 tỷ đồng. Công ty đi vào hoạt động giai đoạn 1 với tổng vốn đầu tư 18 tỷ đồng. Bà Nguyễn Thị Nhung - Giám đốc công ty cho biết: “Công ty chúng tôi chủ yếu gia công áo mưa, áo lạnh xuất khẩu sang Đài Loan, hiện tại có 4 chuyền may với hơn 200 công nhân làm việc, mức lương bình quân 3 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty cũng đảm bảo các chế độ bảo hiểm, quyền lợi cho người lao động theo luật lao động hiện hành”. Được biết, công ty May Kim Anh đạt doanh thu mỗi tháng hơn 1 tỷ đồng, giá trị sản xuất năm 2015 là gần 14 tỷ đồng.
Nằm trên quốc lộ 40B, CCN Chợ Lò (Tam Thái) có 4 công ty đầu tư hoạt động sản xuất. Ông Nguyễn Hữu Quang - Giám đốc Công ty May Hòa Thọ, cho hay: “Là đơn vị trực thuộc Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, đầu năm 2013 công ty bắt đầu đi vào hoạt động sản xuất với tổng vốn đầu tư 34 tỷ đồng. Sản phẩm chủ yếu của công ty là quần áo sơ mi xuất khẩu, giải quyết việc làm 500 lao động trên địa bàn huyện Phú Ninh và các huyện lân cận với mức lương bình quân 4,7 triệu đồng/tháng”. Khi được hỏi về thu nhập của mình, anh Trần Linh Sơn (công nhân chuyền may số 2) mới vào làm việc tại công ty gần một năm, bảo trước đây làm ở Sài Gòn nhưng công việc bấp bênh, chi phí cao nên về làm việc ở Công ty May Hòa Thọ. Công việc ổn định, lương hướng cơ bản, lại có thêm chế độ đãi ngộ, vì thế anh yên tâm làm việc ở công ty. Cũng theo anh Sơn, nhiều công nhân làm việc tại công ty trên 2 năm có mức lương 5 - 6 triệu đồng/tháng, công nhân mới vào học việc cũng được trả lương 2 - 2,5 triệu đồng/tháng. Đây là một những doanh nghiệp làm ăn hiệu quả trên địa bàn huyện.
Phú Ninh hiện nay được xem là vùng đất mới nổi của ngành may mặc khi càng ngày có nhiều xưởng may mặc vừa và nhỏ hoạt động. Quy mô của các xưởng có thể chưa lớn nhưng lại là tiền đề phát triển để trở thành vệ tinh của các công ty may mặc lớn. Đây cũng là tin vui khi ngành may mặc Việt Nam nói riêng, Quảng Nam nói chung đang đứng trước cơ hội mới khi Việt Nam gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thông tin thêm về tình hình hoạt động các công ty may trên địa bàn, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Phi Thạnh cho biết: “Hiện nay Phú Ninh có 4 doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện, giải quyết việc làm trên 4.000 lao động tại địa phương. Thời gian tới, huyện tạo mọi điều kiện cùng với các chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư mở những ngành nghề giải quyết được nhiều việc làm cho lao động ở nông thôn. Nhất là chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư vào ngành dệt may, da giày trên địa bàn”.
PHAN AN - VĂN CÔNG